Dùng di động không ảnh hưởng đến máy bay, dùng hộp mực nạp lại hoặc tái chế tiết kiệm... là một trong vô số những bí mật thường bị che đậy trong lĩnh vực công nghệ.
Điện thoại di động có thể làm máy bay rơi
Ủy ban truyền thông liên bang (FCC) và Cục hàng không liên bang (FAA) Mỹ đã khuyến nghị các hãng hàng không không nên cho phép hành khách sử dụng di động trên các chuyến bay thương mại. FAA lo ngại tín hiệu vô tuyến phát ra từ di động sử dụng tần số 800 Mhz có thể can nhiễu hệ thống dẫn đường của máy bay, đặc biệt là hệ thống định vị vệ tinh GPS. Tuy vậy, đến nay chưa có vụ tai nạn máy bay nào xuất phát từ lý do bị di động gây can nhiễu hệ thống định vị.
Còn FCC lo ngại các mạng di động trên mặt đất có thể bị trục trặc bởi các điện thoại di động trên máy bay. Khi máy bay bay qua trạm thu phát sóng di động trên mặt đất, FCC tin rằng, trạm thu phát sóng đó sẽ dò sóng của tất cả di động đang hoạt động bên trong máy bay để đưa chúng hoạt động trên mạng. Vào thời gian trạm thu phát sóng dò và kết nối với các di động trên máy bay thì máy bay đã bay vào phạm vi của trạm thu phát sóng khác. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các mạng di động trên mặt đất.
Nhưng một số chuyên gia tin rằng những lo ngại trên là lỗi thời. Ken Biba, giám đốc công nghệ của hãng thiết kế và tư vấn về di động Novarum cho rằng các di động hiện nay sử dụng tần số thấp, còn các trạm thu phát sóng di động có các ăng ten được thiết kế để phủ sóng trên bề mặt trái đất, chứ không phải lên bầu trời như FCC lo ngại.
Mực in – một tiền gà ba tiền thóc
Nếu có một doanh nghiệp nào đó sống bằng các chiến thuật reo rắc lo sợ cho khách hàng thì đó chính là các nhà sản xuất máy và mực in. Nếu bạn dùng hộp mực tái chế hoặc hộp mực nạp lại, các nhà sản xuất máy in sẽ cảnh báo ngay là bạn vi phạm chính sách bảo hành, rằng bạn đang làm máy in có nguy cơ bị hỏng hoặc có thể ảnh hưởng đến chất lượng in.
“Điều đó thật là vớ vẩn”, Bill McKenney, giám đốc điều hành của InkTec Zone, hãng chuyên bán thiết bị đổ mực cho các hãng bán lẻ như Wal-Mart nói vậy.
“Bạn sẽ không vi phạm chính sách bảo hành và cũng không làm ảnh hưởng đến máy tính”, McKenney nói. "Chỉ có đổ mực tồi mới làm rớt mực vào máy in, còn không sẽ chẳng sao cả. Và làm như vậy bạn sẽ tiết kiệm được một khoản kha khá, không có lý do gì để không làm."
Trong thực tế, thử nghiệm của tạp chí PC World (Mỹ) cho thấy các hộp mực tái chế, nạp lại hay do công ty thứ ba sản xuất (không phải là hàng chính hãng như HP hay Canon) vẫn có thể sử dụng an toàn với máy in. Trong khi đó, mua hộp mức tái chế có thể tiết kiệm khoảng 10-20% so với mua hộp mức mới của chính hãng. Còn nạp lại mực có thể tiết kiệm tới 50%. Tuy nhiên, hạn chế của hộp mực tái chế và hộp mực nạp lại là chất lượng in không bền như hộp mực mới. Bên cạnh đó, bạn chỉ nên nạp lại mực từ 3-8 lần, sau đó nên mua hộp mực mới.
Duyệt web bằng cửa sổ 'Private' hay 'Incognito'
Hầu hết các trình duyệt web hiện đại đều tuyên bố bổ sung khả năng lướt web bằng các chế độ "private" hay "incognito" (giả trang, nặc danh) với “lời hứa” với người dùng rằng khi họ duyệt web bằng các chế độ đó, trình duyệt và các trang web sẽ không lưu lại bất cứ dấu vết gì để đảm bảo sự riêng tư của người dùng.
Nhưng trên thực tế, cho dù bạn dùng chế độ gì thì “bí mật” vẫn là 2 từ xa xỉ bởi các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) sẽ ghi lại địa chỉ IP của bạn ngay ở lần đăng nhập đầu tiên. Kể từ đó, cho dù bạn lang thang đến đâu trên Internet, nếu muốn người ta vẫn có thể kiểm tra lại và phát hiện ra. Thông thường, các ISP sẽ có nghĩa vụ phải lưu lại lịch sử duyệt web của người dùng trong thời hạn ít nhất là 2 năm nhưng họ lưu lại những gì, trong bao nhiêu lâu và sau đó chuyển giao cho ai… cũng chỉ có chính họ biết. Chính vì thế, khi duyệt web bằng các chế độ nặc danh cũng chỉ giúp cho bạn yên tâm “về mặt tâm lý” và che mắt được những người không thông thạo nhiều về công nghệ và Internet.
Nếu bạn muốn xóa sạch những dấu vết của mình trên mạng, cách tốt nhất là sử dụng dịch vụ proxy để che giấu địa chỉ IP của bạn.
Đừng tin vào "thỏa thuận với người dùng cuối"
Việc đánh dấu “đồng ý” vào những bản thỏa thuận với người dùng cuối (end user license agreement - EULA) là một thao tác khá quen thuộc với người dùng Internet hoặc máy tính ngày nay. Trước khi cài đặt một phần mềm, khi đăng ký sử dụng một dịch vụ web… bạn đều bị yêu cầu phải chấp thuận với những điều khoản thỏa thuận với người dùng cuối. Nhưng những điều khoản này có tác dụng đến đâu?
“Rõ ràng là bạn đã bị ràng buộc về mặt pháp lý khi đồng ý với EULA nhưng nghĩa vụ pháp lý của bạn lại phụ thuộc rất nhiều vào việc bạn đang sống ở đâu”, Jonathan Ezor, Giám đốc Viện Kinh doanh, Luật pháp và Công nghệ ở Long Island (Mỹ) nói, “EULA là một dạng hợp đồng và nó phải tuân thủ theo các quy định về pháp luật của từng bang hay từng quốc gia về cách thức thực hiện hợp đồng”. Ví dụ, các bang New Jersey và Pennsylvania sẽ có những quy định hoàn toàn khác về việc công nhận tính hợp pháp của EULA so với các bang Louisiana, Mississippi, Texas.
Nhưng đó chưa phải là điều quan trọng nhất. “Các công ty đưa ra EULA thường không bao giờ cho bạn biết rằng nếu muốn họ có thể sửa đổi hay xóa bỏ nó bất kỳ lúc nào mà bạn không hề biết nên nếu có chuyện gì xảy ra, gần như chắc chắn bạn sẽ là người bị động và yếu thế”, Jonathan Ezor kết luận.
Còn tiếp...