Một trong những vấn đề đang "nóng" trong game online quy định với tài sản ảo thì có nhà cung cấp trò chơi trực tuyến thừa nhận và có chính sách bảo hộ như FPT, có doanh nghiệp không công nhận như VinaGame. Nhưng về hạn chế giờ chơi đối với gamer thì về cơ bản đã được các nhà cung cấp đồng tình...
Dự thảo Thông tư liên bộ về Quản lý Game Online đã được bộ Văn hóa đưa ra thảo luận vào sáng 10/3 cùng với những đơn vị sẽ chịu sự điều chỉnh trực tiếp của Thông tư này. Buổi thảo luận nổi lên 5 vấn đề đáng quan tâm.
Nhiều điểm chưa ngã ngũ Bọ VH-TT đã có cuộc trao đổi với DN cung cấp, phát hành game và báo chí về vấn đề quản lý game online. Ảnh: B.D
Theo Dự thảo Thông tư do Bộ Văn hóa - Thông tin (Bộ VH-TT) chủ trì soạn thảo, doanh nghiệp được chính thức cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến khi có đủ hai điều kiện: Có giấy phép cung cấp dịch vụ ứng dụng Internet OSP, ghi rõ loại hình dịch vụ "Trò chơi trực tuyến (Online games)" do bộ BC-VT cấp.
Có văn bản phê duyệt của Sở VH-TT tỉnh, thành phố, nơi DN đăng ký hoạt động kinh doanh về nội dung, kịch bản của từng trò chơi.
Điều kiện thứ nhất còn có ý kiến trái chiều. Ví dụ, ông Đỗ Trung Nghĩa, Tổng Giám đốc của VDC-Net2E, nhà cung cấp game Silk road - Con đường tơ lụa, cho rằng tất cả các giấy phép, trình duyệt nên quy về một mối là Cục Báo chí thuộc Bộ VH-TT là đủ, tránh phiền hà cho DN. Trái lại, ông Phạm Thành Đức, Giám đốc Trung tâm Game Online thuộc FPT Telecom, nói: "Vai trò điều tiết của Bộ BC-VT là rất quan trọng. Nếu gạt bỏ các yếu tố khác để cho rằng game online đơn thuần là dịch vụ nội dung nội dung thôi thì cơ quan nào sẽ đứng ra giải quyết những vướng mắc liên quan tới hạ tầng kỹ thuật?".
Điều kiện thứ hai thì hầu hết các nhà cung cấp game đều than là "không nên để các Sở phê duyệt nội dung, kịch bản game mà cần tập trung về Bộ VH-TT" để bớt đi phiền hà, khó khăn cho DN.
Về vấn đề giấy phép hoạt động kinh doanh game online, Bộ VH-TT cho biết vì đây là lĩnh vực mới, có cả mặt tích cực và tiêu cực và Bộ VH-TT "cần quản lý chặt chẽ nhưng cũng lược bỏ những loại giấy phép không cần thiết theo đúng tinh thần của Luật DN".
Hai vấn đề được dự thảo Thông tư lần này "tạm thời bỏ qua" là tài sản ảo và quy định về thuế suất đối với loại hình kinh doanh trò chơi trực tuyến. Trừ Bộ Tài chính đề nghị đưa tài sản ảo vào Thông tư, các Bộ có liên quan khác "đều cho rằng vấn đề quá mới mẻ, đề nghị tạm thời chưa đưa vấn đề bảo hộ tài sản ảo vào điều chỉnh".
Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn nói "cần phải có loại thuế đặc biệt để điều chỉnh" loại hình kinh doanh game online nhưng thuế đó là thuế gì? thực hiện như thế nào? thì cần sự nghiên cứu của Bộ Tài chính sau khi trình Chính phủ phê duyệt.
Hạn chế giờ để bảo vệ người chơi?
Khi Thông tư quản lý game online được phê duyệt, game thủ sẽ chịu quy định về thời gian chơi game, điểm kinh nghiệm... Ảnh: B.D |
Dự thảo Thông tư nêu rõ: "Trước khi trò chơi trực tuyến được cung cấp, doanh nghiệp phải có biện pháp kỹ thuật quản lý giờ chơi tại các máy chủ cho phép mỗi tài khoản chỉ được chơi có tính điểm thưởng không quá 3 giờ một ngày".
Không giống như các đài truyền hình đang phổ biến phát chương trình từ 5, 6 giờ sáng đến 0 giờ hàng ngày, ở đây Thông tư theo Nghị định 11 của Chính phủ quy định thời gian chơi từ 6 giờ đến không quá 23 giờ đêm.
Theo Bộ VH-TT, đây là chơi có tính điểm thưởng" chứ không phải giới hạn máy móc chỉ được chơi 3 giờ mỗi ngày. Và hầu hết các DN đồng tình với vấn đề này.
Ông Lê Hồng Minh, công ty VinaGame, nhà cung cấp game Võ lâm truyền kỳ bày tỏ: "Trong hầu hết các loại game online thì chơi để thêm điểm kinh nghiệm là lý do chính của người chơi và giới hạn về điểm kinh nghiệm là then chốt nhất. Chúng tôi ủng hộ việc áp dụng khung thời gian chơi liên tục từ 0-3 giờ thì đủ 100% điểm kinh nghiệm, chơi từ 3 - 5 giờ là 50% điểm kinh nghiệm, 5 giờ trở nên không được điểm nào.
Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ áp dụng quy định này đối với người 18 tuổi trở xuống. Về mặt quản lý, Hàn Quốc có cách khác rất hiệu quả là người chơi đăng ký theo số CMND thật và họ quản lý theo số CMND gắn với tài khoản để chơi".
Ông Đỗ Trung Nghĩa (VDC-Net2E) bàn luận vui về vấn đề giới hạn giờ chơi, điểm kinh nghiệm: "Game online phát triển thì thanh thiếu niên hạn chế hạn chế sa đà vào websex, nghiện hút, điều này chứng minh qua thực tế ở nhiều nước, ví dụ như Hàn Quốc, thì không thấy báo chí nhắc đến. Ở các nước phát triển, theo thống kê, chỉ có 3% số người thường xuyên chơi game vượt quá 3 giờ/ ngày".
B.D