Về cơ bản, RAW là định dạng dữ liệu chưa qua xử lý bởi bộ xử lý hình ảnh trong máy ảnh.
Chuẩn bị:
- Thiết bị: Bất kỳ máy ảnh thay ống kính nào.
- Mục tiêu: Nắm vững khái niệm ảnh RAW và cách sử dụng định dạng này sao cho hiệu quả.
- Thời gian: 15 phút.
Một trong những lợi thế của các máy thay ống kính so với các máy ảnh du lịch là có thể lưu ảnh ở định dạng nguyên thủy RAW. Về cơ bản, RAW là định dạng dữ liệu chưa qua xử lý bởi bộ xử lý hình ảnh trong máy ảnh. Hay để đơn giản hơn, hãy tưởng tượng định dạng này cũng giống như tấm phim âm bản trong máy phim ngày xưa, nó chứa tất cả những thông tin về bức ảnh. Không như ảnh JPEG, ảnh RAW không qua các xử lý như làm nét hay đổi tông màu của bộ vi xử lý lên ảnh đầu cuối. Vì thế mà ảnh định dạng này cho phép người dùng có thể tùy ý chỉnh sửa hậu kỳ trên máy tính với mức độ chủ động, tinh vi và chính xác hơn là phó mặc cho máy ảnh xử lý.
Thêm vào đó, ảnh RAW còn chứa nhiều thông tin liên quan đến các chi tiết vùng sáng và vùng tối của ảnh, từ đó người dùng có thể can thiệp để có được bức ảnh có độ phơi sáng đúng ý của mình hơn.
Kích hoạt chế độ chụp RAW trên máy ảnh của bạn.
Menu phần mềm liên quan đến chất lượng ảnh. (Ảnh: Cnet).
Trước tiên, truy cập vào menu và lựa chọn phần liên quan đến chất lượng ảnh hoặc định dạng ảnh. Ở một số máy, chức năng này có thể nằm ở phần chỉnh về Chất lượng (Quality). Nếu không tự mày mò được, hãy xem lại sách hướng dẫn của máy ảnh của bạn.
Khi đã truy cập được chức năng này, thường máy ảnh sẽ đưa ra một vài lựa chọn, trong đó chắc chắn sẽ có ảnh RAW. Các lựa chọn thông thường sẽ là:
Chỉ chụp RAW: Chụp ảnh RAW nghĩa là bạn sẽ phải xử lý toàn bộ các bức ảnh trước khi có thể chia sẻ trên mạng, gửi cho bạn bè hay in ra. Chỉ sử dụng chức năng chụp RAW nếu bạn có nhiều thời gian ngồi bên máy tính để xử lý tất cả các bức.
Chụp cả RAW + JPEG: Sử dụng chức năng chụp cả RAW và JPEG là lựa chọn hợp lý nhất bởi với mỗi ảnh RAW, máy ảnh sẽ tự động thêm một ảnh JPEG giúp người chụp có thể sử dụng được ngay nếu cần mà không phải lo lắng việc chuyển đổi. Ảnh RAW lúc này sẽ trở thành một ảnh gốc giúp bạn khi có thời gian có thể mở lại và chỉnh sửa sau này. Hầu hết các máy ảnh thay ống kính còn cho phép người dùng lựa chọn chế độ chất lượng của ảnh JPEG chụp kèm này.
Trong hình là lựa chọn kích thước ảnh. (Ảnh: Cnet).
Chỉ chụp JPEG: Chỉ chụp JPEG là cách thức thông dụng nhất, nhất là trong trường hợp thẻ nhớ của bạn đã bắt đầu hết dung lượng. Nếu đủ dung lượng thẻ hoặc có nhiều thẻ dự trữ, tốt nhất nên chọn chế độ chụp cả RAW và JPEG đồng thời.
Xử lý ảnh RAW
Phần mềm chuyên xử lý ảnh RAW. (Ảnh: Cnet).
Sau khi chuyển ảnh RAW vào máy tính, bạn có thể sử dụng các phần mềm chuyên xử lý ảnh RAW để chỉnh sửa hoặc chuyển đổi thành các định dạng ảnh thông dụng khác như JPEG hay TIFF. Hầu hết máy ảnh thay ống kính đều có các đĩa phần mềm chuyên dụng của chính hãng đi kèm chuyên cho xử lý ảnh này như phần mềm SilkyPix của Panasonic, Olympus Studio của Olympus hay Digital Photo Professional của Canon...
Do mỗi hãng lại có cách lưu giữ thông tin nguyên gốc ảnh RAW khác nhau nên mặc dù cùng là ảnh RAW nhưng các định dạng RAW này là khác nhau, vì thế, bạn không thể dùng phần mềm xử lý ảnh RAW của hãng này để xử lý ảnh RAW của máy ảnh hãng khác. Tuy nhiên, hiện các phần mềm xử lý ảnh chuyên nghiệp như Adobe Lightroom hay Photoshop đều đã hỗ trợ hầu hết các định dạng RAW của các hãng máy ảnh có mặt trên thị trường, chỉ có điều do là các phần mềm thương mại nên giá cả mua bản quyền các phần mềm này cũng không hề rẻ.
Khi đã mở ảnh RAW với phần mềm chuyên dụng, bạn có thể chỉnh sửa rất nhiều thông số của ảnh như thay đổi tùy chọn cân bằng trắng (WB), xử lý phơi sáng, thêm độ tương phản... Do các xử lý ảnh RAW dựa trên nguyên gốc nên bạn có thể chỉnh sửa tùy ý mà không sợ làm thay đổi chất lượng ảnh sau mỗi lần xử lý. Khi đã có được một bức ảnh ưng ý, lúc này bạn mới cần chuyển ảnh này về JPEG hoặc TIFF để dễ dàng sử dụng và chia sẻ.
Lưu giữ ảnh RAW
Lưu ý nên lưu dự phòng ảnh RAW của bạn trên các đĩa DVD hay ổ cứng ngoài để phòng khi sẽ cần đến sau này.
Ba lợi thế của định dạng RAW
1. Định dạng RAW lưu nhiều thông tin hơn JPEG, vì thế, người dùng có thể có được chi tiết về vùng sáng tối của ảnh tốt hơn khi xử lý hậu kỳ hơn là để máy ảnh tự xử lý và lưu với định dạng JPEG vốn là định dạng nén dữ liệu có suy hao.
2. Các phần mềm xử lý ảnh RAW chuyên nghiệp sẽ càng có thêm nhiều tính năng tiên tiến sau mỗi lần cập nhật phiên bản, từ đó giúp người dùng luôn khai thác được tối đa các công nghệ xử lý ảnh RAW mới nhất.
3. Khi đã học được những kỹ thuật xử lý ảnh, bạn sẽ thấy rằng việc lưu giữ ảnh RAW và khả năng chỉnh sửa không giới hạn của nó thật tuyệt vời.
Ba bất lợi của định dạng RAW
1. Do chứa nhiều thông tin hơn nên dung lượng ảnh RAW lớn hơn JPEG nhiều lần, vì thế bạn cần phải có thẻ nhớ có dung lượng đủ lớn nếu muốn chụp định dạng này.
2. Không như JPEG, không phải phần mềm nào cũng có thể mở được ảnh RAW.
3. Chụp ảnh RAW do dung lượng lớn nên bộ nhớ đệm sẽ đầy rất nhanh, vì thế có thể hạn chế phần nào tốc độ chụp liên tiếp của ảnh, nhất là với những nhiếp ảnh gia chuyên chụp tốc độ.