Nhân viên kiểm duyệt TikTok đâm đơn kiện công ty mẹ vì sang chấn tâm lý do phải xem quá nhiều video phản cảm

Sự việc “mới mà cũ” vừa tiếp tục xảy ra với TikTok khi mới đây, một cựu nhân viên của nền tảng mạng xã hội chia sẻ video này đã đâm đơn kiện chính công ty mẹ ByteDance do những ảnh hưởng nghiêm trọng về tâm lý mà cô này phải hứng chịu sau thời gian đảm nhiệm vị trí kiểm duyệt nội dung của TikTok.

Trong đơn kiện gửi đến Tòa án Quận Trung tâm California, Candie Frazier cáo buộc ByteDance đã không quan tâm cũng như không cung cấp đầy đủ các biện pháp bảo vệ sức khỏe tinh thần của nhân viên kiểm duyệt nội dung, khi họ liên tục phải xem những đoạn video bạo lực, phản cảm. Trong đó chứa đựng những cảnh quay ‘cực kỳ đáng quan ngại’, đơn cử như “cảnh bạo lực, xả súng ở trường học, tai nạn gây tử vong, giết mổ động vật, ăn thịt sống, và thậm chí là diệt chủng …”.

TikTok

Candie Frazier và các cộng sự cho biết họ đã phải làm việc luân phiên theo ca, với mỗi ca làm kéo dài tới 12 giờ đồng hồ, trong khi chỉ có 1 tiếng ăn trưa và 2 lần nghỉ giải lao không quá 15 phút.

"Do khối lượng nội dung quá lớn, những nhân viên kiểm duyệt như Candie Frazier chỉ được phép dành không quá 25 giây cho mỗi video, và đồng thời phải xem từ 3 đến 10 video cùng một lúc", nội dung đơn kiện cho biết. Đặc biệt, phía ByteDance cũng giám sát chặt chẽ hiệu suất công việc và phạt nặng đối với những ai không xem các video này hoặc bỏ sót nội dung vi phạm.

Đơn kiện cũng nêu rõ rằng ByteDance và TikTok đã không thể đưa ra những biện pháp phù hợp nhằm giảm thiểu tác hại của việc kiểm duyệt nội dung độc hại đến sức khỏe tâm thần của nhân viên. Chẳng hạn như sắp xếp thời gian giải lao hợp lý, hỗ trợ các khóa chăm sóc tâm lý, cũng như áp dụng các biện pháp kỹ thuật như làm mờ hoặc giảm độ phân giải của video đang được kiểm duyệt. Đây đều là những điều ByteDance hoàn toàn có khả năng thực hiện, nhưng họ đã không làm như vậy.

Hồ sơ bệnh án cho thấy Frazier đã phải chống chọi với những "chấn thương tâm lý nghiêm trọng bao gồm trầm cảm và các triệu chứng liên quan đến lo lắng và PTSD - Rối loạn căng thẳng sau sang chấn". Quá trình này về lâu dài cũng đã dẫn đến những suy nhược về sức khỏe thể chất.

Sở dĩ nói đây là vấn đề “mới mà cũ” là bởi những vụ việc tương tự cũng đã xảy ra với các nền tảng lớn như Facebook, YouTube và Google. Một vụ kiện tương tự đã xảy ra đối với Facebook vào năm 2018 và kết quả sau đó là Facebook phải đền bù tổn thất cho những người kiểm duyệt nội dung của mình một khoản thanh toán trị giá 52 triệu USD.

Frazier hy vọng vụ kiến sẽ giúp cô và các đồng nghiệp có được một sự đền bù thỏa đáng cho những gì phải chịu đựng. Đồng thời tạo ra một sự thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn đối với công việc kiểm duyệt nội dung trên không chỉ TikTok, mà còn nhiều nền tảng truyền thống xã hội khác.

Thứ Sáu, 31/12/2021 00:31
4,58 👨 1.917
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ