Thung lũng Silicon đang chứng kiến thêm một đợt bùng nổ các công ty mới thành lập, nhưng tiền đầu tư không được chia đều cho tất cả những "người mới đến" này.
Văn phòng công ty Groupon, một công ty Internet tiêu dùng đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư mạo hiểm.
Tại thung lũng Silicon, trung tâm công nghệ cao của Mỹ, tiền đầu tư đang được đổ nhiều vào những công ty Internet có tốc độ tăng trưởng cao, nhà sản xuất phần mềm điện thoại thông minh, trò chơi điện tử xã hội và các dịch vụ tiêu dùng khác. Tuy nhiên, sự quan tâm tương tự này lại không được dành cho những công ty công nghệ hướng đến đối tượng khách hàng là doanh nghiệp, từ công ty sản xuất thiết bị mạng cho đến nhà thiết kế chip.
Sức hút của công nghệ tiêu dùng
Sự khác biệt nói trên thể hiện rõ trong ba tháng đầu năm nay. Theo thống kê của công ty nghiên cứu VentureSource, số tiền đầu tư mạo hiểm đổ vào các công ty công nghệ tiêu dùng mới là 874 triệu đô la Mỹ, tăng gần gấp ba lần so với một năm trước đó. Trong khi đó, số tiền đầu tư đổ vào các công ty phát triển sản phẩm công nghệ cho doanh nghiệp có mức tăng trưởng chậm hơn – đạt 2,3 tỉ đô la (tăng 400 triệu đô la so với năm trước đó). Lý do khiến tổng số tiền đầu tư đổ vào những công ty này nhiều hơn các công ty công nghệ tiêu dùng là họ thường đòi hỏi số tiền đầu tư ban đầu lớn hơn để hoạt động.
Vào năm ngoái, Jeff Tseng, một doanh nhân 32 tuổi, cố gắng tìm kiếm nguồn đầu tư cho công ty mới thành lập của mình tại thành phố San Francisco. Công ty Kontagent của ông cung cấp dịch vụ giúp các công ty video game theo dõi cách thức người tiêu dùng sử dụng sản phẩm của họ. Trong vòng năm tháng, ông Tseng lần lượt gặp đại diện của 20 công ty đầu tư mạo hiểm nhưng hầu hết họ đều từ chối đầu tư vào Kontagent. Thay vào đó, họ nói chỉ muốn đầu tư vào những công ty hướng đến người tiêu dùng hơn. Ông Tseng cho biết: "Chỉ có một vài công ty thực sự quan tâm đến việc đầu tư vào những công ty bán sản phẩm, dịch vụ cho doanh nghiệp". Cuối cùng, ông Tseng cũng tìm được một khoản tiền đầu tư là 4,5 triệu đô la và thừa nhận đây không phải là một chuyện dễ dàng.
Công nghệ hướng đến doanh nghiệp gặp khó
Sự chuyển hướng đầu tư nói trên tại Thung lũng Silicon đang trở nên mạnh mẽ hơn trong vài năm trở lại đây. Theo công ty VentureSource, số tiền đầu tư mạo hiểm vào những công ty công nghệ hướng đến doanh nghiệp đạt mức 11,9 tỉ đô la Mỹ trong năm 2010, giảm 35% so với mức 18,4 tỉ đô la vào năm 2006. Ngược lại, số tiền đầu tư mạo hiểm vào các công ty công nghệ tiêu dùng đạt mức 4,8 tỉ đô la trong năm 2010, tăng gấp ba lần so với năm 2006.
Arista Networks Inc., một công ty thiết bị mạng mới thành lập ở thành phố Clara, đang được đầu tư hoàn toàn bởi hai nhà đồng sáng lập Andreas Bechtolsheim và David Cheriton. Ông Bechtolsheim, cũng là người đồng sáng lập hãng Sun Microsystems, thừa nhận: "Các nhà đầu tư mạo hiểm không còn quan tâm đến lĩnh vực mạng. Họ tin rằng bạn không thể làm thay đổi được tình hình và rào cản cho sự thành công là quá cao".
Dĩ nhiên là vẫn có một số công ty công nghệ hướng đến doanh nghiệp thu hút được những khoản đầu tư lớn. Chẳng hạn như Zuora Inc., công ty cung cấp các giải pháp thanh toán hóa đơn trực tuyến cho doanh nghiệp có trụ sở ở thành phố Redwood City, nhận được thêm khoản đầu tư 20 triệu đô la vào tháng 11-2010, nâng tổng số tiền đầu tư vào công ty này kể từ khi thành lập lên đến 41,5 triệu đô la. Dù vậy, sự thành công của các công ty web tiêu dùng trẻ tuổi, như Facebook và Groupon Inc., khiến các công ty đầu tư mạo hiểm tập trung nhiều hơn vào những dịch vụ tiêu dùng. Ben Choi, thuộc công ty đầu tư Maveron LLC, cho biết: "Chúng tôi đã thu hẹp phạm vi đầu tư của mình trong hai đến ba năm qua và hiện chỉ tập trung vào những thương hiệu hướng đến người tiêu dùng".
Theo các nhà đầu tư, ngày càng có ít doanh nhân đưa ra ý tưởng mới về sản phẩm, dịch vụ dành cho doanh nghiệp. Một phần lý do là việc xây dựng thành công một công ty bán sản phẩm cho doanh nghiệp gặp nhiều thách thức hơn so với một công ty web tiêu dùng, nhất là về vấn đề tài chính. Ông Kent Bennett, Phó chủ tịch công ty đầu tư Bessemer Venture Partners, cho biết số tiền 100.000 đô la có thể đủ để một nhà phát triển tung ra thị trường một trò chơi điện tử dành cho điện thoại iPhone. Tuy nhiên, đối với một công ty tập trung vào sản phẩm dành cho doanh nghiệp, số tiền này chỉ đủ để họ hoạt động trong một tháng.
Ông Tseng không xa lạ gì với những thách thức như thế sau khi lập công ty Kontagent vào tháng 1-2008. Phải mất 2,5 năm để công ty này có được khách hàng đầu tiên. Ông Tseng cho biết công ty chỉ thực sự tăng trưởng trong sáu tháng gần đây. Trong số khách hàng hiện nay của công ty có các "đại gia" về trò chơi điện tử như Electronic Arts Inc. và Ubisoft Entertainment.
Sococo, một công ty tại thành phố Mountain View, cung cấp công nghệ để giúp nhân viên cộng tác trong cái mà họ gọi là không gian văn phòng ảo, không thể tìm được nhà đầu tư mạo hiểm nào sẵn sàng đổ tiền vào họ, cuối cùng tìm đến những cá nhân giàu có và có được khoản đầu tư 7 triệu đô la. David Van Wie, Giám đốc điều hành và là nhà sáng lập công ty Sococo, thừa nhận: "Nếu không có được những mối quan hệ cá nhân như thế, làm sao bạn có thể tiếp cận được thị trường này? Những công ty mới như Sococo đang thực sự gặp khó trong việc tìm kiếm nguồn đầu tư tại Thung lũng Silicon".