Nhiều chuyên gia cho rằng, với cuộc chạy đua phân phối iPhone 3GS đang diễn ra trên thị trường di động Việt, dù nhà mạng đều khẳng định, sẽ đảm bảo dành cho người dùng sự ưu đãi, hấp dẫn nhất song với phần đông người dùng Việt, iPhone 3GS chưa phải là quả táo ngọt mà “vẫn còn xanh lắm”. Đối tượng hưởng lợi nhất không phải là người dùng Việt mà chính là Apple.
Ngày 26/3 vừa rồi, Việt Nam đã chính thức có tên trong danh sách các quốc gia phân phối sản phẩm iPhone 3GS của Apple. Để được trở thành đối tác cung cấp sản phẩm iPhone 3GS của “quả táo”, các doanh nghiệp di động Việt đã phải trải qua nhiều cuộc thương lượng và đặc biệt là khâu chuẩn bị chu đáo cho ngày chính thức phân phối sản phẩm tới người dùng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng, hiệu quả đạt được từ thương vụ tham gia phân phối sản phẩm này rất có thể không bù lại được nỗ lực, công sức mà doanh nghiệp bỏ ra.
Kinh nghiệm tại các quốc gia đã tham gia phân phối iPhone cho thấy, chính sách của Apple gần như đồng nhất áp dụng với các đối tác của họ trên toàn cầu. Và các đối tác của Apple ở Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật này. Thế nhưng, cùng một lúc ký hợp đồng với hai doanh nghiệp di động Việt là VinaPhone và Viettel để họ là đối tác phân phối iPhone 3GS, Apple đã gián tiếp tạo ra một cuộc chạy đua về giá sản phẩm, gói cước đi kèm khiến các nhà mạng tham gia phân phối phải đau đầu tính nước sao cho tạo ra sức hấp dẫn nhất với khách hàng. Để cạnh tranh, các doanh nghiệp di động Việt thời gian vừa rồi phải nhìn trước ngó sau, đưa ra những chính sách hấp dẫn hơn của người khác bằng cách cung cấp sản phẩm đến khách hàng với chi phí và mức ưu đãi hấp dẫn nhất.
Không biết cái “nhất” đó nhà mạng đạt được đến đâu, chỉ biết rằng, sau gần 1 tuần hai nhà mạng VinaPhone, Viettel chính thức phân phối điện thoại iPhone 3GS ra thị trường Việt Nam, đến thời điểm này, “cơn sốt” iPhone đã hạ nhiệt. Không có quá nhiều người mua như dự kiến của nhà mạng, tình trạng chen lấn, xếp hãng diễn ra trong ngày đầu chỉ để được… ngắm hàng cũng không còn nữa, thậm chí, thay vào đó là cảnh đìu hiu, nhân viên ngồi rảnh việc tại các cửa hàng phân phối này.
Nhiều chuyên gia cho rằng, với cuộc chạy đua phân phối iPhone 3GS này, dù nhà mạng đã rất nỗ lực, khi phân phối đều khẳng định, sẽ đảm bảo dành cho người dùng sự ưu đãi, hấp dẫn nhất song với phần đông người dùng Việt, sau khi nghiên cứu kỹ giá cả, iPhone 3GS chưa phải là quả táo ngọt mà “vẫn còn xanh lắm”.
Có thể khẳng định, đối tượng hưởng lợi nhất không phải là người dùng Việt mà chính là Apple. Với hơn 80 quốc gia tham gia vào hệ thống phân phối sản phẩm iPhone của mình, "quả táo" đã quá nhiều khôn khéo tạo được sự cạnh tranh ngay từ khi bắt đầu phân phối tại Việt Nam. Chính vì để cạnh tranh đem lại chính sách hấp dẫn nhất cho người dùng (dù người dùng dường như chưa cảm nhận được điều đó) tự bản thân các doanh nghiệp Việt lại bị xoáy vào cuộc… chiến đấu về giá mà rất có thể khiến tất cả đều bị ảnh hưởng ít nhiều trong thời gian tới.
Từ khi Việt Nam gia nhập WTO, tháng 11/2006, với lộ trình thị trường Việt sẽ mở cửa đón nhận sự tham gia cạnh tranh, kinh doanh của cả các doanh nghiệp nước ngoài, người ta nói nhiều tới vấn đề các doanh nghiệp Việt nói chung và doanh nghiệp viễn thông, thông tin di động nói riêng cần phải có sự hợp lực cùng nhau giữ vững thị phần nội địa, không để mất vào tay nước ngoài. Tuy nhiên, từ “phi vụ” phân phối iPhone lần này, xem ra, phần nào đã chứng minh khả năng… đoàn kết doanh nghiệp Việt còn khá khiêm tốn.
Nếu “cuộc chiến” phân phối iPhone 3GS thuần tuý là cuộc cạnh tranh trên thị trường di động giữa các nhà mạng để giành thị phần, khẳng định vị thế trong nước thì đã đành, nhưng hệ quả của sự cạnh tranh này lại đem lợi nhuận và sự hưởng lợi cho các đại gia nước ngoài như Apple thì có nên chăng?