Lời cam kết “luôn luôn miễn phí” để thu hút người dùng của Facebook có lẽ phải được rút lại.
Quý 2 năm 2012, Facebook thông báo đạt doanh thu 1,2 tỉ USD, lỗ 157 triệu USD, cho dù tốc độ tăng trưởng vẫn đều. Thậm chí, doanh nhân và cũng là nhà phát minh công nghệ gốc Việt Bill Nguyen còn dự đoán Facebook sẽ thất bại.
Tất cả những điều này đã khiến cho các nhà đầu tư lo ngại về tương lai của nó và cổ phiếu này cũng là cơn ác mộng của những nhà đầu tư Phố Wall. Facebook cần làm gì?
Thu tiền vị trí đẹp?
Hiện nay, mạng xã hội này có số lượng người dùng lớn nhất thế giới, với khoảng 955 triệu người dùng tích cực hằng tháng. Con số khổng lồ đó không đem về đủ tiền cho Facebook hay sao? Mô hình kinh doanh của mạng xã hội này hiện nay là miễn phí cho người dùng và thu tiền từ quảng cáo, bán dữ liệu người dùng, ứng dụng... Hãy thử tưởng tượng một ngày nào đó Facebook thu tiền người dùng thì sẽ như thế nào.
Tất nhiên, Facebook đã nghĩ đến điều này, bằng chứng là họ đã lên kế hoạch thu tiền người dùng cuối và đã thực hiện thí điểm tại một vài quốc gia. Tại New Zealand, để những cập nhật status của mình hiện trên vị trí đẹp (highlight) cho bạn bè dễ thấy, người dùng phải trả từ 0,4-2 USD. Số tiền cho highlight quá nhỏ, nhưng nếu với 955 triệu người sử dụng thì lại là một câu chuyện khác. Chỉ cần mỗi năm có 10% số người sử dụng dùng tính năng này cho 1 lần hiển thị duy nhất thì khoảng 160 triệu USD sẽ chảy vào thu nhập của Facebook.
Tuy nhiên, vẫn có những quan ngại về việc tính năng này sẽ là nơi các nhà khai thác quảng cáo làm phiền người sử dụng. Nhưng Facebook có một tính năng đặc biệt. Đó là có thể thống kê về thói quen, sở thích của khách hàng để các nhà khai thác quảng cáo tìm đúng đối tượng cần tiếp cận. Như vậy, chỉ những người ái mộ các thương hiệu mới nhìn thấy quảng cáo.
Bên cạnh đó, Facebook cũng đã xây dựng App Store - kho ứng dụng đa dạng và tất nhiên có cả những ứng dụng buộc người sử dụng phải trả tiền mới được dùng. Đây cũng là cách làm mà nhà kinh doanh Internet khác đã dùng, đặc biệt là trong ngành trò chơi trực tuyến. Những ứng dụng mới đó đều cho thấy Facebook đã chuyển đổi mục tiêu. Họ muốn chuyển từ cảnh sớm nắng chiều mưa vì phụ thuộc vào các hợp đồng quảng cáo sang một loại thu nhập ổn định hơn, nhắm vào người dùng cuối.
Thu tiền hằng tháng
Nếu điều này xảy ra thì chuyện sẽ ra sao?
Hẳn nhiên, người dùng sẽ phản ứng, vì không ai muốn mất tiền cả. Khách hàng đã quen với việc dùng Facebook miễn phí. Nhưng cũng vì miễn phí nên một người có thể có vài tài khoản khác nhau, kinh doanh, quảng cáo trên đó miễn phí.
Anh Hà Ngọc, một nhân viên văn phòng, cho rằng trên Facebook người dùng đã có quá nhiều hình ảnh, bạn bè, kỷ niệm, do đó với mức phí 1-2 USD/tháng thì họ sẽ không rời bỏ Facebook. Dù đó chỉ là phỏng đoán cá nhân, nhưng giả sử Facebook thực hiện hình thức này thì sao?
Chỉ cần thu 1 USD/tháng, với 955 triệu người dùng tích cực mỗi tháng và hàng triệu tài khoản khác ít tích cực hơn, Facebook đã có thể thu về khoảng 1 tỉ USD/tháng. Cứ cho là khách hàng sẽ sốc vì bị thu tiền và có một nửa số người không dùng mạng xã hội này nữa thì mỗi tháng họ cũng thu được 500 triệu USD.
Như vậy, chỉ tính riêng quý 2 năm nay, công ty cũng đã thu về khoảng 1,5 tỉ USD từ người dùng cuối. Không cần khoản thu 1,2 tỉ USD kia Facebook cũng đã có lời.
Hiện nay, Facebook chưa có hệ thống thanh toán linh hoạt và đáng tin cậy. Để giải quyết vấn đề này, công ty đã tính tới chuyện dùng Facebook Credits. Nếu giải quyết được vấn đề thanh toán, với lượng người dùng khủng nhất, Facebook sẽ thực sự là một cỗ máy thu tiền khổng lồ.
Các mạng xã hội khác cũng từng thu tiền người dùng, như Tumblr với Highlighted Posts. Sử dụng dịch vụ này, người dùng trả 1 USD cho 1 lần xuất hiện ở vị trí đầu tiên trên trang Dashboards (hộp điều khiển). Twitter thì có Promoted Tweets để treo quảng cáo lên đầu các trang tìm kiếm.
Có vẻ như mạng xã hội nào cũng nhanh chóng nhận ra, nếu cứ trông đợi vào doanh thu từ quảng cáo trực tuyến thì sẽ thất vọng khi tốc độ tăng trưởng của ngành này đang ngày càng giảm. Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường eMarketer, tốc độ tăng trưởng ngành này đến năm 2015 sẽ chỉ còn 10,2%, so với 17% của các năm 2011, 2012.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Kinh doanh Trung tâm Đào tạo truyền thông và tiếp thị AIIM, cho biết đã đến lúc phải thu tiền từ người dùng cuối trong kinh doanh trên mạng. Các công ty thường lầm tưởng việc thu tiền người dùng cuối là thu bạc lẻ và mong chờ vào những hợp đồng quảng cáo béo bở. Nhưng theo ông, đã đến lúc nên tập trung vào người dùng cuối, vì đó mới là nguồn thu chắc chắn.
Một số công ty đã nhạy bén chuyển sang tập trung khai thác túi tiền của người dùng cuối, chẳng hạn như Zing của VNG. Công ty này là tiêu biểu cho việc thu tiền từ người dùng cuối: tiền sử dụng ứng dụng, chơi game, mua đồ chơi...
Thoạt nhìn vào mô hình của VNG thì thấy họ miễn phí khá nhiều, từ trang tin, trang nghe nhạc... Tuy nhiên, những cái miễn phí đó chỉ là những dịch vụ cộng thêm để phục vụ cho những khách hàng chính: các game thủ - đối tượng đang bị thu tiền.