Theo quan điểm mới của chính phủ Mỹ, rất có thể một vụ hack sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến tranh.
Ngày 17/5, chính phủ Mỹ đã chính thức công bố “Chiến lược quốc tế về không gian mạng” (International Strategy for Cyberspace) trong đó nhấn mạnh đến tầm quan trọng của vấn đề an ninh mạng đối với các chiến lược quốc phòng. Điểm bất ngờ nhất của chiến lược này là chính phủ Mỹ cho rằng, rất có thể trong tương lai một cuộc chiến tranh sẽ được châm ngòi bởi một vụ tấn công mạng.
"Chính phủ liên bang có quyền tự vệ và việc tự vệ này có thể được 'khởi động' bởi những các hành động quá khích và hiếu chiến trong không gian mạng”, bản báo cáo chiến lược viết. Không chỉ có vậy, chính phủ Mỹ còn khẳng định rằng hành động “tự vệ” có thể được tiến hành kể cả khi các “hoạt động quá khích và hiếu chiến” nhắm vào các mục tiêu không phải của nước Mỹ nhưng lại thuộc các quốc gia đồng minh với Mỹ.
“Khi đã xác minh được cụ thể, Hoa Kỳ sẽ đáp trả các hành động tấn công trong không gian mạng nếu chúng nhắm vào các đối tác đồng minh của chúng ta”, tài liệu này viết.
Tuy nhiên, Mỹ cũng giả tỏa phần nào mối lo lắng khi cho biết các lực lượng quân sự sẽ được sử dụng như là giải pháp cuối cùng sau khi những giải pháp ngoại giao hay kinh tế đã được áp dụng mà không có kết quả.
Có vẻ như chính phủ Mỹ đã quyết định không thể “ngồi yên” được nữa khi hệ thống máy tính của chính phủ và các tập đoàn lớn của họ vẫn hàng ngày phải hứng chịu khá nhiều những vụ tấn công, xâm nhập mà không gặp phải hình phạt nào đáng kể.
Bản chiến lược mới này của Mỹ cũng nhấn mạnh rằng ngoài hành động “tự vệ”, việc “can ngăn” giới hacker tham gia vào các hoạt động phi pháp mới là mục tiêu cốt lõi và nó vượt qua các biên giới quốc gia.
Độc giả quan tâm có thể xem toàn bộ bản chiến lược này tại website của Nhà Trắng.