Hiện tại, Google đang bị các cơ quan hành pháp của Mỹ để ý tới. Các Công tố viên của Bộ Tư pháp Mỹ và quan chức văn phòng tổng chưởng lý các bang của Mỹ đang thảo luận với nhau nhằm tìm ra cách kiếm chế sức mạnh của gã khổng lồ tìm kiếm trên thị trường.
Bộ Tư pháp Mỹ cũng đã lên kế hoạch đâm đơn kiện Google, cáo buộc hãng này vi phạm luật chống độc quyền. Nếu thua kiện, Google sẽ bị bắt phải bán đi trình duyệt Chrome và các mảng kinh doanh tìm kiếm sinh lời khác. Nếu điều này diễn ra, Google sẽ là công ty Mỹ đầu tiên trong nhiều thập kỷ bị chia tách theo lệnh của tòa án. Google hiện đang dùng Chrome, trình duyệt web phổ biến nhất thế giới, để hỗ trợ cho công cụ tìm kiếm cốt lõi, chìa khóa thành công của mình. Vì thế, sẽ là một mất mát cực kỳ lớn nếu như Google phải bán đi trình duyệt Chrome.
Theo các nguồn tin giấu tên, các cơ quan chức năng Mỹ đang muốn hạn chế quyền kiểm soát thị trường quảng cáo kỹ thuật số toàn cầu trị giá 162,3 tỷ USD của Google. Hiện tại, vẫn chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra. Tuy nhiên, quan chức Mỹ đã yêu cầu các chuyên gia công nghệ quảng cáo, các đối thủ trong ngành và truyền thông có những biện pháp tiềm năng nhằm giảm sự kìm kẹp của Google.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp Mỹ còn muốn có một vụ kiện riêng, cáo buộc Google lạm dụng quyền kiểm soát của mình trên thị trường tìm kiếm trực tuyến. Đơn kiện có thể được đệ trình trong tuần tới. Vụ kiện sẽ làm rõ cách Google sử dụng hệ điều hành di động Android nhằm hỗ trợ công cụ tìm kiếm của mình.
Ngoài Google, các đối thủ của họ trong ngành công nghệ như Facebook, Amazon và Apple cũng đang chịu sự giám sát ngày càng tăng từ cả hai đảng lớn của Mỹ. Các vấn đề mà những nhà lập pháp quan tâm là trù dập đối thủ, xử lý dữ liệu cá nhân của người dùng và xử lý thông tin sai lệch...
Trong cả hai vụ kiện nhắm vào Google, các công tố viên đều rất đau đầu. Họ không biết nên đưa ra giải pháp nào để hạn chế quyền lực của Google. Các cơ quan chức năng Mỹ hiện còn phải hỏi ý kiến các đối thủ và bên thứ ba xem nên yêu cầu Google bán mảng kinh doanh nào. Ngoài ra, họ cũng tìm hiểu xem có bất kỳ đối thủ nào nên bị loại khỏi danh sách đối tác mua lại tiềm năng hay không.
Hiện tại, trình duyệt Chrome là mảng kinh doanh mà Google nhiều khả năng phải bán đi. Chrome ra mắt vào năm 2008 và hiện tại đang là trình duyệt có thị phần lớn nhất thế giới. Các đối thủ của Google đã cáo buộc rằng Google sử dụng quyền truy cập vào lịch sử duyệt web của người dùng để hỗ trợ hoạt động kinh doanh quảng cáo. Trước sự chỉ trích, Google đã phải cam kết loại bỏ dần cookie của bên thứ 3 trong trình duyệt Chrome trong 2 năm tới để nâng cao quyền riêng tư của người dùng.