Mười năm - Học hỏi để phát triển

Có nhiều cách để doanh nghiệp lựa chọn con đường phát triển. Sự hình thành và phát triển của PSV 10 năm qua là con đường mà các kỹ sư Việt Nam mưu cầu về sự học hỏi, tiếp cận công nghệ mới và kinh nghiệm thị trường thế giới để phát triển cùng với ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam…

Hoàng Duy

Tổng giám đốc Paragon Solutions Vietnam (PSV) Ngô Hùng Phương kể lại rằng, 10 năm trước - giai đoạn sơ khai của ngành công nghiệp phần mềm trong nước - nhóm kỹ sư hiện nay của công ty đang làm việc tại Trung tâm Điện toán Đại học Bách khoa TP.HCM, chủ yếu phát triển các phần mềm cho hệ thống quản lý cơ quan, xí nghiệp và bệnh viện. “Cơ duyên” đến với họ khi nhóm Việt kiều thuộc Paragon Solutions Inc. từ Chicago, Mỹ, về Việt Nam tìm kiếm đối tác gia công. Họ kiểm tra năng lực nhiều nhóm lập trình viên và cuối cùng quyết định hợp tác với trung tâm để triển khai các dự án phần mềm nhắm vào thị trường Mỹ.

Công ty liên doanh giữa họ hình thành năm 1995. Ông Phương nhớ lại, lúc đó việc gia công phần mềm tại Việt Nam còn khá mới mẻ, trong khi thị trường ứng dụng trong nước còn nhỏ và các doanh nghiệp phần mềm chỉ mới “chập chững” bước vào thị trường. Cả nhóm kỹ sư rất kỳ vọng vào cơ hội tiếp cận với công nghệ mới. Họ lao vào làm việc với mưu cầu học hỏi những kiến thức, công nghệ mới. Mỗi người lúc đó vừa làm vừa học không chỉ về chuyên môn lập trình mà cả tiếng Anh và cách thức làm việc với đối tác nước ngoài. “Thời điểm đó liên doanh hầu như chưa được thị trường biết tới. Chúng tôi không ai dám kỳ vọng rằng 10 năm sau có được 100 lập trình viên, mà chỉ nghĩ rằng phải cố học hỏi càng nhiều càng tốt,” ông Phương nói.

Tham vọng giúp trưởng thành

Ngày nay, PSV có đến 430 kỹ sư với doanh thu sáu tháng đầu năm nay là 30 tỷ đồng. Những dự án của PSV gắn liền với tên tuổi của những đối tác tại thị trường Mỹ như Third Millennium, Witness Systems, TEDS Inc., OutStart… trong nhiều lĩnh vực y tế, giáo dục, viễn thông…

Nhưng theo ông Phương, thành quả lớn nhất mà PSV đạt được chính là định vị chính xác con đường phù hợp để phát triển. Nỗ lực đó đã ghi tên tuổi PSV vào thị trường công nghệ thông tin thế giới khi đầu năm nay PSV trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách 100 công ty trên toàn cầu, đạt chuẩn CMMI cấp 5 - chuẩn cao nhất về quy trình quản lý chất lượng phát triển phần mềm của Viện Kỹ nghệ Phần mềm Mỹ (Software Engineering Institute-SEI). Đạt được chuẩn này cũng có nghĩa là đã được xác nhận về sự trưởng thành trong quy trình sản xuất, năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như năng lực cạnh tranh.

Để có được ngày hôm nay, PSV cũng đã trải qua 10 năm với không ít thăng trầm. Bước ngoặt lớn nhất là vào năm 2000, khi Paragon Solutions Inc. nhìn thấy triển vọng của thị trường Việt Nam và đầu tư 100% vốn vào công ty. Họ muốn rót vốn vào đây với kỳ vọng rất lớn vào chi nhánh tại Việt Nam trong việc phát triển thị trường.

Ông Phương kể lại rằng tham vọng ấy không đạt được nhưng đã trở thành cơ hội để PSV trở mình và trưởng thành như ngày nay. Kế hoạch đầu tư của Paragon Solutions Inc. năm 2000 đề ra là mỗi năm tuyển dụng 300 lập trình viên để thúc đẩy PSV phát triển nhanh hơn. Hàng loạt chương trình được đưa ra như mở văn phòng đại diện ở Hà Nội, thực hiện quy trình ISO 9000 và khởi xướng CMM. Trong khi thời điểm đó, sự khủng hoảng của thị trường dotcom trên thế giới chưa kịp khôi phục, số lượng dự án không đáp ứng kịp cho tham vọng phát triển nhân sự, quy trình chưa ổn định... Đã có lúc công ty mẹ dự tính “xóa sổ” chi nhánh Việt Nam vì các mục tiêu đặt ra không đạt được. Một năm sau đó, PSV buộc phải cải tổ, sa thải đồng loạt nhân viên và tổ chức lại hệ thống. Trong năm 2002 chỉ tập trung củng cố các hoạt động, thực hiện quy trình CMM để kiện toàn công ty. Nỗ lực này đã giúp PSV đạt chứng chỉ CMM vào năm 2002 và tiếp tục cải tiến để năm 2004 lấy chứng chỉ CMM4. “PSV lại gượng dậy và bắt đầu phát triển vì nhận ra con đường phù hợp để cải tổ công ty. Điều đó cho chúng tôi một kinh nghiệm rằng phát triển nhanh trong khi chưa đủ mạnh và chưa có sự chuẩn bị đầy đủ sẽ là con dao hai lưỡi,” ông Phương đúc kết.

Nhưng ngày nay, PSV đã trở thành công ty gia công phần mềm hàng đầu của Mỹ tại Việt Nam. Năm 2003, PSV trở thành chi nhánh của Tập đoàn First Consulting Group (FCG) khi Paragon Solutions Inc. sáp nhập vào tập đoàn này.

FCG với 25 năm phát triển chuyên về cung cấp dịch vụ tư vấn, kỹ thuật công nghệ, dịch vụ y tế, dược phẩm, công nghệ sinh học, hoạt động xuyên suốt Bắc Mỹ, châu Âu và Nhật với hơn 25.000 nhân viên. Là công ty con của FCG, PSV có lợi thế là tận dụng kinh nghiệm của công ty mẹ để làm nền tảng về các chính sách, nhân sự, kinh nghiệm làm việc, tài chính để giúp có được những khách hàng tầm cỡ.

Từ con người đi lên

So với các công ty phần mềm trong nước, PSV ngày nay đã phát triển khá thuận lợi nhờ vào nhiều yếu tố, nhất là đội ngũ nhân sự Việt Nam đã trưởng thành rất nhanh nhờ được tôi luyện trong các dự án với đối tác nước ngoài. Nhân viên của PSV được cọ xát, học tập ở nước ngoài, có thù lao xứng đáng, và có môi trường thuận lợi để phát triển nghề nghiệp.

Mười năm qua, theo ông Phương là sự trải nghiệm trước những thách thức về tiếp cận thị trường và công nghệ để tìm cho PSV một con đường. Đến nay, PSV có một đội ngũ kỹ sư nhiều kinh nghiệm với trình độ chuyên môn cao, năng động, sáng tạo và được đào tạo chuyên nghiệp để có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng cho thị trường gia công quốc tế. “Và chúng tôi bắt đầu giai đoạn mới, khẳng định sự trưởng thành của mình để phát triển trong 10 năm tiếp theo,” ông Phương nói.

Từ gia công các phần mềm phục vụ cho nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, y tế, quản lý khách sạn, thương mại điện tử, PSV đang từng bước chuyển sang lĩnh vực viễn thông. Từ một nhóm bốn người phụ trách dự án viễn thông cho Witness Systems năm 2003, đến nay số kỹ sư đã tăng lên 80 trong vòng hai năm qua và đối tác chuẩn bị đưa vào phòng thí nghiệm lớn để cuối năm nay chuyển dự án từ Ấn Độ sang gia công tại PSV.

Mười năm qua là chặng đường dài của PSV gắn liền với những thăng trầm của ngành công nghiệp phần mềm còn non trẻ của Việt Nam. Ngày nay, cơ hội cho ngành phần mềm Việt Nam đang mở ra lớn hơn. Tuy nhiên, nếu chậm chân và không kịp chuẩn bị để nắm bắt thì những dự án lớn, công nghệ cao sẽ trôi qua. “Người ta đang nói nhiều về cơ hội gia công phần mềm tại Việt Nam nhưng mọi thứ không thể tự nhiên mà đến. Cơ hội chỉ đến khi doanh nghiệp có sự chuẩn bị và sẵn sàng nắm bắt. PSV đang nỗ lực để nắm bắt cơ hội sau 10 năm đầu tư vào nguồn lực con người. Và đó là cách đưa công ty đi tiếp con đường mà chúng tôi đã chọn,” ông Phương nói.

Thứ Sáu, 04/11/2005 10:22
31 👨 173
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp