Một kẻ điều hành mã độc tống tiền GandCrab khét tiếng bị bắt giữ

Một kẻ điều hành chi nhánh phát tán mã độc tống tiền (ransomware-as-a-business - RaaS) của chủng ransomware GandCrab vừa chính thức bị bắt giữ - hơn 1 năm sau khi chủng mã độc tống tiền này tuyên bố ngừng hoạt động (02/06/2019).

Nhà chức trách hiện chưa công bố rõ danh tính của người này, tuy nhiên theo tiết lộ ban đầu, đây là một người đàn ông 31 tuổi, sống tại Gomel, thành phố nằm ở phía đông nam Belarus, và là kẻ có vai trò quan trọng trong hệ thống vận hành và phân phối chủng mã độc tống tiền gây thiệt hại hàng tỷ USD trên toàn thế giới.

Mã hóa máy tính ở gần 100 quốc gia

Thành viên điều hành mã độc GandCrab vừa bị bắt chỉ là  một kẻ đứng đầu chi nhánh phân phối, hay còn được gọi là 'Advert', cho tổ chức. Nói cách khác, đây chính là kẻ chịu trách nhiệm lây nhiễm ransomware vào hệ thống máy tính của nạn nhân (theo chỉ định hoặc ngẫu nhiên).

Tên này được cho là đã lan truyền thành công ransomware GandCrab lên hơn 1000 hệ thống máy tính tại gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Số tiền chuộc trung bình mà hacker yêu cầu cho mỗi trường hợp giải mã rơi vào khoảng 1,2 ngàn USD (khoảng 27 triệu VND), tùy thuộc vào giá trị thực tế của dữ liệu bị mã hóa.

Thông báo yêu cầu tiền chuộc của GandCrab
Thông báo yêu cầu tiền chuộc của GandCrab

Ngoài ra theo tiết lộ của cơ quan điều tra, botnet ransomware được triển khai thông qua darknet, từ đó cho phép kẻ tấn công có thể ẩn mình an toàn trong một thời gian dài trước sự truy quét của các tổ chức an ninh mạng.

“Một phần lợi nhuận thu được từ các vụ tống tiền thành công sẽ được chuyển cho các quản trị viên (nhà khai thác) của máy chủ mà kẻ này thuê. Nạn nhân của tin tặc là những chủ sở hữu máy tính cá nhân cũng như doanh nghiệp tới từ gần 100 quốc gia. Phần lớp tập trung tại Ấn Độ, Mỹ, Ukraine, Anh, Đức, Pháp, Ý và Nga”, ông Vladimir Zaitsev, Phó cục trưởng Cục phòng chống tội phạm công nghệ cao thuộc Bộ Nội vụ Belarus, cho biết.

Không rõ tên tội phạm kiếm được bao nhiêu tiền từ hoạt động độc hại trên. Tuy nhiên tên này được cho là đã chia sẻ một phần tiền chuộc khá lớn với (các) quản trị viên GandCrab, người đã giấu một máy chủ trong darknet, giúp các chi nhánh phân phối mã độc ẩn mình hiệu quả mà không bị phát hiện.

Các chi nhánh phân phối - “cánh tay nối dài” của GandCrab sẽ được hưởng lợi nhuận 60% cho 3 khoản thanh toán tiền chuộc đầu tiên mà chúng kiếm được. Sau lần thanh toán thứ ba, mức hoa hồng mà chi nhánh phân phối nhận được sẽ tăng vọt lên 70%. Điều này có nghĩa là nếu khoản tiền cuộc dữ liệu mà nạn nhân phải trả là 1.200 đô la, chi nhanh phân phối sẽ bỏ túi 840 đô la, số tiền 360 đô la còn lại sẽ được chuyển cho nhà phát triển GandCrab. Tiền hoa hồng sẽ tăng theo quy mô của các chi nhánh. Một số chi nhánh lớn có thể thực hiện trót lọt những vụ tống tiền có giá trị lên tới hàng triệu USD.

Tiểu sử GandCrab

Ransomware GandCrab được phát tán thông qua bộ công cụ khai thác lỗ hổng RIG. Khi bị lây nhiễm, các tập tin trong máy tính bị mã hóa thành file *.GDCB hoặc *.CRAB. Sau đó, mã độc sẽ sinh ra một tệp CRAB-DECRYPT.txt yêu cầu và hướng dẫn người dùng trả tiền chuộc bằng cách thanh toán qua tiền điện tử DASH để giải mã dữ liệu.

GandCrab đã "gửi lời chào" đến thế giới internet vào ngày 28 tháng 1 năm 2018, và nhanh chóng phát triển bùng nổ ngay sau đó khi những kẻ tấn công bắt đầu đẩy mạnh phát tán dịch vụ của mình trên các trang web ngầm, web đen. Kể từ đó, GandCrab đã trở thành một trong những cái tên thống trị, gây ra sự ám ảnh cho mọi hệ thống máy tính nối mạng trên toàn thế giới.

GandCrab tuyên bố ngừng hoạt động
GandCrab tuyên bố ngừng hoạt động

Sau hơn 1 năm oanh tạc, GandCrab bất ngờ tuyên bố ngừng hoạt động vào ngày 1 tháng 6 năm 2019, sau khi đã bỏ túi hơn 2 tỷ đô la tiền chuộc từ hàng chục ngàn ngàn nạn nhân trên toàn thế giới (đa phần là các doanh nghiệp - đối tượng sở hữu kho dữ liệu có giá trị cao). FBI và BitDefender sau đó đã phát hành một bộ giải mã cho phép các nạn nhân khôi phục các tệp bị mã hóa bởi của GandCrab hoàn toàn miễn phí.

Sau khi GrandCrab ngừng hoạt động, một biến thể ransomware khác có tên REvil (Sodinokibi), đã được tạo ra để lấp đầy khoảng trống còn lại. Hiện tại, các nhà nghiên cứu phần mềm độc hại quốc tế đã tìm sự tương đồng về mã và mối quan hệ giữa các nhà khai thác/chi nhánh phân phối của REvil và GandCrab.

Thứ Sáu, 07/08/2020 21:21
51 👨 110
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ