Mạng xã hội lớn nhất hành tinh đang trải qua một tuần khá điên rồ với 2 “sự cố” bị người dùng phanh phui và la ó.
Hôm 24/6, Facebook bị phát hiện đang “thử nghiệm” tính năng cho phép mọi người nhìn thấy danh sách điện tử những người ở lân cận họ. Có tên “Find Friends Nearby” (tìm kiếm bạn bè lân cận), ứng dụng đã bị gỡ bỏ vào 2 ngày sau sau khi bị cộng đồng Internet la ó vì tính không hữu dụng, vi phạm quyền riêng tư và dễ dẫn tới các vụ theo dõi. Chưa đủ, công y có tên Friendthem còn đe dọa hành động pháp lí, cho rằng Facebook ăn cắp ý tưởng về tính năng địa điểm của mình.
Cơn đau đầu thứ 2 xảy tới khi Facebook, không hỏi ý kiến người dùng, đã tự ý thay đổi email mặc định của mọi người dùng thành tài khoản @facebook.com. Tuy có thể dễ dàng cài đặt lại, song cư dân Facebook đã phản ứng lại dữ dội với “chủ nhà” của mình. Các chuyên gia bảo mật xem đây là hành động gây nguy hiểm, còn người bình thường cảm thấy bị xúc phạm.
Có một thực tế rằng bong bóng “anti-Facebook” không phải là điều mới. Khi công ty giới thiệu cập nhật News Feed năm 2006, nhiều người dùng đã quay lưng bỏ mạng xã hội non trẻ, ít nhất là ở thời điểm đó.
Dù vậy, lúc này chúng ta nên đặt câu hỏi: Có phải người dùng chỉ “nổi điên” với từng quyết định riêng lẻ của Facebook – email, theo dõi người dùng, News Feed – hay những cái rễ của sự khó chịu đã bén sâu hơn? Dưới đây là một số lí thuyết về những gì đang xảy ra với sự không hài lòng của mọi người về Facebook:
1. Facebook đã hóa bạch tuộc
Và vì thế, nó phải quản lí quá nhiều xúc tu. Lí thuyết này được The Next Web đưa ra, khi cho rằng Facebook đã đang mua quá nhiều công ty và những thứ mới khác.
Khi mua về ngày càng nhiều mà không nỡ vứt bỏ thứ gì, sự hãi hùng sẽ xảy ra và người dùng bắt đầu đặt câu hỏi: “Tại sao họ không làm mọi thứ để tôi nói chuyện với bạn bè dễ dàng hơn?”. Xét cho cùng, đó là lí do mọi người rời bỏ MySpace để tới với Facebook, vì mọi thứ đơn giản hơn nhiều.
2. Facebook theo thuyết kĩ trị, còn chúng ta muốn dân chủ
Theo tác giả Alexis của Atlantic, Facebook phát triển theo chiều hướng “kĩ trị”: chính phủ do các kĩ sư điều hành và chỉ đánh giá cao tính hiệu quả. Khi phàn nàn về chính phủ của thế giới thực, bạn hi vọng sẽ có phản hồi, hay được sử dụng quyền bỏ phiếu để thay đổi. Còn với Facebook, 2 triệu khiếu nại mỗi tuần phần lớn cho máy tính xử lí và ít có can thiệp từ nhân viên.
Mục tiêu của Facebook là xử lí được càng nhiều vấn đề một ngày càng tốt để giúp mọi người kết nối và ngăn họ rời bỏ trang web bằng cách “tối thiểu hóa trải nghiệm tiêu cực”. “Facebook muốn sự hiệu quả đồng nghĩa với tính dân chủ bị mất và chế độ kĩ trị lên ngôi.”
Dù vậy, ngay cả khi trang web trao cho người dùng cơ hội nâng cao tiếng nói về quyền riêng tư, họ cũng không tận dụng nó. Trong lần bỏ phiếu về thay đổi chính sách quyền riêng tư gần đây, chỉ có 0,038% người dùng tham gia.
3. Không có đối thủ
Nói một cách trung thực hiện nay không có mạng xã hội nào đủ sức cạnh tranh với Facebook. Cá rằng phần lớn bạn bè của bạn đều dùng Facebook, và khi bạn chuyển sang mạng xã hội khác như Google+, mọi thứ sẽ giống như bạn đang nói chuyện với đầu gối vậy. Dường như không thể có cuộc đua thực sự về quân số với Facebook.
4. Facebook quan tâm tới các nhà đầu tư hơn người dùng
Facebook trở thành công ty đại chúng, dẫn tới chỉ trích cho rằng động cơ của trang web đã thay đổi. Nó tập trung vào tiền thay vì người dùng?
Dù lời tiên đoán này hơi sớm vì CEO Facebook Mark Zuckerberg vẫn nắm cổ phần lớn trong công ty, và anh không phải nghe quá nhiều từ phía nhà đầu tư và ban quản trị, tuy nhiên những tỉ phú và triệu phú hưởng lợi từ IPO chắc chắn sẽ làm “ô nhiễm” cách người dùng nhìn vào Facebook. Ngoài ra, tới thời điểm giữa tháng 5, mỗi người dùng chỉ đáng giá 1,21 USD với mạng xã hội.
5. Facebook không còn vui nữa
Một người dùng có tên Julie Hancher viết: “Facebook khởi đầu như một mạng xã hội “vui vẻ” khi có thể cập nhật từ bạn bè và bạn học và lớn lên thành một thứ có thể ảnh hưởng tới công việc, danh tiếng và vi phạm quyền riêng tư của bạn.”
Còn với người dùng Robert Sons, việc quá tải thông tin từ những người mình không quan tâm là điều tệ hại. Khủng hoảng hơn nữa là khi bạn phát hiện mình đang ghen tị và rình rập cuộc sống của người khác thay vì sống cuộc sống của riêng mình. “Càng nhiều nội dung hấp thụ, càng ít giá trị tiếp nhận.”
Cuối cùng là nhận xét đơn giản của người dùng Carlos Ochoa: “Mọi người đều dùng Facebook nhưng không có ai ưa nó.”