Những năm qua, câu hỏi “bao giờ cổ phần hóa?” thường được đặt ra với MobiFone - Mạng di động có tỉ suất lợi nhuận cao nhất trong ngành. Thế nhưng từ nửa cuối năm 2012 tới nay, một từ khác thường hay được nhắc đến lại là “độc lập”.
Chủ trương cổ phần hóa MobiFone được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo từ năm 2005. Đến nay sau 8 năm, việc thực hiện chỉ đạo đó chỉ dừng lại ở hạng mục định giá xong tài sản doanh nghiệp (cách đây vài năm được định giá khoảng 2 tỉ USD). Nhiều đại gia viễn thông quốc tế xếp hàng chờ chực để mua cổ phần tại MobiFone, đành phải nín nhịn cơn thèm khát.
MobiFone nằm trong VNPT sau gần trọn hai thập kỉ, dù kinh doanh phát đạt nhưng vẫn trong trạng thái bị bó buộc. Ngay cả việc VNPT Global được sáp nhập về MobiFone để phát triển thị trường quốc tế, cũng là một sự muộn màng bởi doanh nghiệp này ì ạch mãi trong tập đoàn mà không vực mạnh lên được.
Khi MobiFone phải tiếp quản VNPT Global thì bước chân đầu tư ra nước ngoài đã khá chậm so với Viettel. Mà thị trường Myanmar, nơi VNPT có ý định đầu tư, đang trở thành sàn đấu của nhiều đại gia quốc tế lắm tiền nhiều thế hơn hẳn các doanh nghiệp Việt Nam.
Ở lâu trong bọc của VNPT, MobiFone không thấy ấm êm hơn mà ngược lại thêm bức bối. Lợi nhuận khủng hàng năm của MobiFone phải chia cho tập đoàn. Năng suất lao động khủng của MobiFone (hơn 5 tỉ đồng/người/năm, cao nhất ngành) cũng phải san sẻ cho những “anh em” khác trong một “đại gia đình” quá đông “con”.
MobiFone làm ra nhiều giá trị nhưng lại không được đầu tư tương xứng ngoài nguồn kinh phí khấu hao, vì thế mạng lưới hạn chế hơn doanh nghiệp khác. Trong trạng thái như thế, “người MobiFone” có lẽ khó cảm thấy vui vẻ?
Gần đây, cụm từ “…độc lập” mà một tờ báo của Bộ TT&TT dẫn lại lời ông Lê Ngọc Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone là: “Để doanh nghiệp này hạch toán độc lập”, và “khi các doanh nghiệp phát triển đến qui mô lớn thì nên tách ra hoạt động độc lập”.
Đã có nhiều phương án được bàn đến để VNPT không “phạm luật” khi sở hữu cùng lúc 100% vốn tại hai mạng di động, như sáp nhập VinaPhone và MobiFone, cổ phần hóa MobiFone, thậm chí còn có dư luận rằng Vinaphone sẽ bị “giật” khỏi tay VNPT…
Và giờ đây là những thông tin hướng đến sự “độc lập” cho MobiFone. Có thể “người MobiFone” rất muốn doanh nghiệp của mình được như vậy. Khi đó VNPT sẽ chẳng còn vướng víu gì Luật Viễn thông và Nghị định 25 hướng dẫn thi hành luật này. Song sự “độc lập” cho MobiFone e rằng khó trở thành hiện thực khi VNPT nhìn đó như một sự “mất mát”?