Microsoft có vẻ như đang sử dụng trò game đầu bảng "Halo 2" của mình như một phương tiện để tấn công vào "mod chip" và các hình thức hack bẻ khoá bản quyền khác của bộ game Xbox.
Mod chip là những chip gắn kèm có thể cài vào Xbox để vô hiệu các tính năng bảo mật và bảo vệ bản quyền trò game trong bộ console này, cho phép những tay game "quái thủ" có thể mua trò chơi ăn cắp bản quyền để chơi trên Xbox. Hàng trăm chủ sở hữu máy game Xbox đã thông báo trên các forum trực tuyến trong những ngày vừa qua rằng họ họ đã bị cấm tham gia vào Xbox Live, dịch vụ game trực tuyến của Microsoft, sau khi họ cố gắng thử chơi trò "Halo 2" trực tuyến trên một console đã bị sửa đổi. Một đại diện Microsoft chưa thể xác định cụ thể những biện pháp bảo mật đã được tăng cường trong Xbox Live khi phát hành "Halo 2". "Microsoft đang lắng nghe cộng đồng Xbox Live và thực hiện những bước cần thiết để bảo vệ sự chính đáng cho người sử dụng", đại diện này cho biết trong một phát biểu. "Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp cho người dùng một dịch vụ game trực tuyến công bằng, ổn định và bảo mật. Người dùng không được phép sửa đổi hệ thống Xbox để làm tổn hại tới những người khác". Các "mod chip", cụ thể là những phụ kiện cho phép các game console sử dụng các đĩa nhập lậu, trò game bẻ khoá bản quyền và phần mềm tự tạo, đã bắt đầu xuất hiện ngay sau khi Xbox ra đời một thời gian ngắn vào 4 năm trước. Các hacker trang bị mod chip và các nâng cấp khác cho Xbox của họ, chẳng hạn như ổ cứng lớn hơn, và cho phép console này thực hiện đủ loại mánh khoé chơi gian không đúng luật, bao gồm cả chạy phần mềm Linux và hoạt động như các trung tâm giải trí số. Game trực tuyến, công cụ chống vi phạm bản quyền Microsoft và các hãng sản xuất phần cứng khác từ lâu đã phải chống lại nạn mod chip, chủ yếu do các chip này tiếp tay cho nạn ăn cắp bản quyền. Các hoạt động của người khổng lồ phần mềm đã lên tới đỉnh điểm vào 2 năm trước, khi cùng Bộ Tư pháp thực hiện một cuộc "càn quét" và các nhà hành pháp liên bang đóng cửa một website được sử dụng để bán mod chip và trao đổi các trò game sao chép phi pháp. Billy Pidgeon, một chuyên gian phân tích của hãng Zelos Group, cho biết các nhà sản xuất console từ lâu đã sử dụng bất kỳ biện pháp hiện có nào để ngăn cản các mod chip và vô hiệu các trò game ăn cắp bản quyền. Sự xuất hiện của game trực tuyến đã giúp tăng cường các biện pháp này. Microsoft từ đầu cũng đã sử dụng Xbox Live như một biện pháp nhằm ngăn chặn nạn mod chip và các trò hack khác. Thoả thuận bản quyền người dùng Xbox Live nhấn mạnh rằng "Xbox Live chỉ có thể truy cập được với một bộ game console không bị sửa đổi, ngoại trừ trường hợp đã được sửa chữa và nâng cấp dưới sự cấp phép của Microsoft. Bất kỳ hình thức vô hiệu, tháo dỡ, thay đổi nào đối với hệ thống này đều không được phép, và sẽ bị ngăn chặn khả năng truy cập dịch vụ Xbox Live". Thoả thuận này còn cho Microsoft quyền được "thu nhận thông tin từ các máy Xbox sử dụng để đăng nhập vào dịch vụ Xbox Live khi cần thiết nhằm thực hiện việc bảo vệ cho các tính năng bảo mật của Xbox Live và thoả thuận bản quyền". Các biện pháp chống hacker ban đầu của Xbox Live tập trung vào kiểm soát BIOS của bộ console này. Đây là phần mềm kiểm soát các chức năng cơ bản của một thiết bị tính toán. Thông qua việc kiểm soát BIOS, Xbox Live sẽ xác định được phần mềm điều khiển thiết bị có nguyên bản của Microsoft hay không. Các hacker đã vượt qua được bước kiểm soát này bằng các công tắc chuyển mạch và phần mềm bảo mật, để tạm thời tắt mod chip trước khi đăng nhập vào Xbox Live. Các cập nhật mới gần đây cho cho dịch vụ Xbox Live, chỉ ngay trước ngày phát hành "Halo 2" đầu tuần trước nhằm hạn chế một sự gia tăng đột biến trong các thuê bao Xbox Live, bao gồm cả các console dùng mod chip. Dịch vụ này hiện kiểm tra ổ cứng của các Xbox đăng nhập và "đá văng" bất kỳ máy nào có ổ cứng khác dung lượng chuẩn nguyên bản là 8GB và 10GB. Nâng cấp ổ cứng là một trong những chiêu hack phổ biến nhất trong Xbox, vì nó cho phép bộ console này hoạt động như một máy nghe nhạc số trực tuyến. Cuộc chiến còn chưa ngã ngũ Các diễn đàn trực tuyến như Xbox Scene và Team Xecuter đã tràn ngập các thông báo than phiền từ hàng trăm người dùng Xbox sử dụng mod chip hoặc ổ cứng lớn hơn và bị cấm xài dịch vụ game Xbox Live khi thử chơi "Halo 2". "Datapusher," nickname một quản trị hệ thống tại California giấu tên, cho biết chiếc Xbox của mình được trang bị một mod chip Xecuter, một ổ cứng 200GB và vài phần mềm add-on để biến thiết bị này thành một máy chơi nhạc số hoàn hảo. Anh ta đã không gặp vấn đề gì trong việc sử dụng Xbox Live cho tới khi động vào "Halo 2" hồi tuần trước. Datapusher cho biết hiện đã tạm thời có thể lấy lại khả năng truy cập vào Xbox Live sau một số sửa chữa vào đêm thứ tư tuần trước, nhưng ngay sau đó đã lại bị chặn. Anh ta thề không chịu đầu hàng và mua một Xbox mới, giống như nhiều hacker khác đang hăm hở tham gia vào cuộc chinh phục "Halo 2" trực tuyến. "Tôi sẽ không dễ dàng từ bỏ", anh ta khẳng định. "Ai đó sẽ tìm ra một cách. Microsoft có thể rất thông minh, nhưng không thể sánh được với cộng đồng nguồn mở... Luôn có một cách để phá vỡ các giao thức bảo mật của Microsoft". Các hacker phần cứng khác cũng thông báo lỗi tương tự trên các diễn đàn trực tuyến, hầu hết cũng liên quan tới việc bị cấm chơi game trực tuyến vì có những sửa đổi trong bộ console Xbox. "Thật lòng, tôi không cảm thấy buồn chán vì điều này", một thành viên phát biểu trên diễn đàn Team Xecuter, site dành cho dân chuyên dùng mod-chip. "Thực tế, tôi đã trông chờ việc bị cấm này ngay lúc tôi sửa đổi Xbox của mình, không sớm thì muộn điều đó sẽ xảy ra".