Trong khi vụ kiện giữa Microsoft và Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ liên quan đến thương vụ gã khổng lồ công nghệ có trụ sở tại Redmond mua lại Activision Blizzard với giá 69 tỷ đô la vẫn “chưa đâu vào đâu”, một loạt các email và tài liệu nội bộ mới được tiết lộ gần đây cho thấy công ty trên thực tế đã có tham vọng thống trị hoàn toàn ngành game từ lâu. Cụ thể, Microsoft đã từng cân nhắc mua lại hàng loạt nhà phát triển game lớn nhỏ vào năm 2020, trong đó có Sega.
The Verge mới đây đã đăng nội dung của một email nội bộ từ người đứng đầu mảng kinh doanh Xbox của Microsoft, Phil Spencer, gửi tới Giám đốc điều hành công ty Satya Nadella và Giám đốc tài chính Amy Hood. Trong mail, Phil Spencer đã đề xuất ban quản trị công ty xem xét, đánh giá và phê duyệt chiến lược tiếp cận Saga Sammy nhằm thăm dò xem liệu nhà phát triển game Nhật Bản có quan tâm đến việc ‘về với đội” của Microsoft hay không:
“Tôi tin rằng Sega đã xây dựng một danh mục trò chơi cân bằng giữa nhiều phân khúc, với sức hấp dẫn trên quy mô toàn cầu và sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh hơn nữa sự thành công của Xbox Game Pass cả trong và ngoài thị trường console”.
Tuy nhiên, đã không có bất cứ thông tin gì về việc liệu các cuộc đàm phán chính thức giữa Sega và Microsoft có thực sự xảy ra hay không. Do đó, đây nhiều khả năng mới chỉ là một kế hoạch nội bộ.
Trên thực tế, một tài liệu nội bộ khác mà The Verge đăng tải từ tháng 4 năm 2021 cũng đã liệt kê danh sách một số nhà phát triển và phát hành game khác cũng nằm trong tầm ngắm của Microsoft.
Một trong những cái tên “thú vị nhất” trong danh sách này là Bungie. Microsoft thực sự đã mua lại nhà phát triển này vào năm 2000 để có thể đảm bảo Halo là tựa game ra mắt độc quyền cho thế hệ Xbox đầu tiên vào năm 2001.
Năm 2007, Bungie một lần nữa trở thành nhà phát triển trò chơi độc lập nhưng vẫn tiếp tục phát triển các phiên bản Halo mới cho Microsoft cho đến khi Halo: Reach ra mắt. Trong khi Microsoft giữ quyền đối với Halo IP, Bungie đã tiếp tục và phát triển loạt trò chơi Destiny. Vào năm 2022, Sony mua lại Bungie.
Các nhà phát triển và phát hành game khác trong danh sách bao gồm IO Interactive (Hitman), Supergiant Games (Hades), Niantic (Pokemon Go) và một nhà phát hành nhỏ hơn như Thunderful, Playrix và Scopley.