Intel xác nhận hỗ trợ Wi-Fi 7 trên Windows 11 và cả Windows 10

Mặc dù Wi-Fi 6 và Wi-Fi 6E vẫn rất phổ biến và có thể đảm bảo cung cấp kết nối băng thông rộng, đáp ứng tốt nhu cầu cho đại đa số mọi người, nhưng phiên bản tiếp theo của công nghệ này dường như đã sẵn sàng và dự kiến sẽ bắt đầu được triển khai vào năm 2024 tới: Wi-Fi 7.

Tháng trước, một tài liệu xuất hiện trên Internet cho thấy Intel và Microsoft có thể hạn chế hỗ trợ Wi-Fi 7 cho Windows 11 trở lên. Tài liệu rò rỉ này thực chất là một bảng thông số kỹ thuật Wi-Fi 7 có đề cập đến Windows 11, Linux và ChromeOS trong danh sách hệ điều hành được hỗ trợ. Sự vắng mặt của Windows 10 khiến nhiều người suy đoán rằng phiên bản hệ điều hành có thể không hỗ trợ chuẩn Wi-Fi mới nhất.

Tài liệu rò rỉ

Tuy nhiên, lo lắng này có lẽ là thừa thãi bởi Intel hiện đã xác nhận chuẩn Wi-Fi 7 cũng sẽ xuất hiện trên Windows 10. Mặc dù không đưa ra bất kỳ tuyên bố rõ ràng chính thức nào về vấn đề này, nhưng công ty Redmond đã âm thầm liệt kê hai thông số kỹ thuật mô-đun Wi-Fi 7 trên trang web ark.intel của mình: Intel® Wi-Fi 7 BE200 và Intel® Wi-Fi 7 BE202, có tên mã là Gale Peak 2 và Misty Peak của Intel. Cả hai thiết bị đều có tính năng hỗ trợ Windows 10 cùng với Windows 11 và Linux. Điều thú vị là lần này không có đề cập đến ChromeOS.

Wi-Fi 7 là một tiêu chuẩn kỹ thuật mới cho các thiết bị Wi-Fi hiện đang được phát triển. Wi-Fi 7 có nền móng dựa trên tiêu chuẩn dự thảo 802.11be, đã được công bố vào tháng 5 năm 2021. Do đó, công nghệ này đôi khi còn được gọi là Wi-Fi 802.11be.

Đặc điểm nổi bật nhất của Wi-Fi 7 là nó có thể khiến kết nối Ethernet có dây truyền thống trở nên “lỗi thời” nhờ tốc độ và sự ổn định mang lại. Về lý thuyết, Wi-Fi 7 có thể hỗ trợ băng thông lên đến 46,1 gigabit/giây (Gbps) cho mỗi điểm truy cập, tức là nhanh hơn gấp 3 lần so với tốc độ tối đa 9,6 Gbps của Wi-Fi 6 (còn được gọi là 802.11ax), và băng thông gấp đôi (kênh 320MHz so với kênh 160MHz đối với Wi-Fi 6).

Wi-Fi 7 sẽ dựa trên tiêu chuẩn IEEE P802.11be, được cho là có thể hỗ trợ thông lượng cao và độ trễ thấp hơn nhiều. Giới chuyên gia gọi đây là chuẩn kết nối internet “Thông lượng cực cao” (Extremely High Throughput - EHT). Gale Peak 2 kế nhiệm Harrison Peak 2 (Wi-Fi 6) và Garfield Peak (Wi-Fi 6E) của Intel. Hệ số dạng vẫn giữ nguyên đối với các mô-đun Wi-Fi 7 có M.2 2230 và 1216 này.

Dưới đây là so sánh tương quan về hiệu suất giữa Wi-Fi 7, Wi-Fi 6/6E và Wi-Fi 5:

Trên giấy tờ, công nghệ Ethernet có dây phổ biến hiện nay cung cấp tốc độ truyền tải tối đa 10Gbps (10GBASE-T). Nhưng trên thực tế, nó chưa tồn tại trong các thiết bị tiêu dùng tại thời điểm này. Và mặc dù tốc độ truyền tải cao hơn (chẳng hạn như Terabit Ethernet) tồn tại trong các cài đặt chuyên biệt như trung tâm dữ liệu, việc nó xuất hiện trong môi trường gia đình hoặc doanh nghiệp nhỏ chắc chắn sẽ còn rất xa vời. Vì vậy, đối với người dùng hiện tại của cả Gigabit và Ethernet 10 Gigabit, Wi-Fi 7 có thể thay thế nhu cầu kết nối có dây trong điều kiện tối ưu.

Thứ Ba, 19/09/2023 11:10
51 👨 606
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ