Microsoft đã giành được một số thành công nhưng cũng có không ít thất bại và sai lầm lớn dưới thời Steve Ballmer - Người trong suốt 13 năm giữ chức Tổng giám đốc của Microsoft chưa bao giờ được coi là thực sự phù hợp với vị trí này.
Ông Steve Ballmer, Tổng giám đốc Microsoft vừa tuyên bố sẽ nghỉ hưu trong vòng 12 tháng tới. Suốt 13 năm giữ chức Tổng giám đốc của Microsoft, Ballmer chưa bao giờ được coi là người hoàn toàn phù hợp cho vị trí này. Trước khi trở thành Tổng giám đốc của Microsoft, ông Ballmer đã từng là nhà lãnh đạo lớn thứ 2 tại công ty phần mềm trong nhiều thập kỷ, nhưng cá tính, quan điểm và khả năng chuyên môn của ông không thể sánh với người tiền nhiệm Bill Gates.
Steve Ballmer xuất hiện tại nhiều sự kiện của Microsoft như một đội trưởng đội cổ vũ đầy nhiệt tình
Trong khi Bill Gates là một thiên tài thực sự với tầm nhìn xa trông rộng, Steve Ballmer, người nổi tiếng vì đã xuất hiện tại nhiều sự kiện của Microsoft như một đội trưởng đội cổ vũ đầy nhiệt tình, không hề thể hiện được tầm nhìn của Gates.
Từ năm 2000 tới nay, những quyết định mà Microsoft đưa ra dưới quyền Steve Ballmer dường như chỉ chủ yếu hướng tới một bộ phận hoặc một nhóm sản phẩm riêng, thay vì hướng tới một kế hoạch có tính gắn kết. Một số thành công nhất định như Windows XP, Xbox 360, Xbox Live và Microsoft Office thực sự đã đem về cho Microsoft rất nhiều lợi nhuận, nhưng ngoài ra cũng có nhiều thất bại và sai lầm không hề nhỏ.
Lịch sử chìm nổi
Dưới sự lãnh đạo của ông Ballmer, Internet Explorer - Trình duyệt web đã từng chiếm khoảng 70% thị phần thị trường trình duyệt hồi năm 2000 đã tụt dốc ở mức độ nào đó, để mất vị trí dẫn đầu về tay Mozilla Firefox và sau đó là Google Chrome. Việc Microsoft phát hành Windows Vista – Phiên bản Windows bị trỉ trích gay gắt là một sai lầm “tốn kém” khiến nhiều người vẫn kiên quyết tiếp tục dùng Windows XP trong hơn một thập kỷ.
“Kỷ nguyên Ballmer” tại Microsoft cũng chứng kiến máy nghe nhạc Zune thất bại thảm hại trước đối thủ iPod của Apple. Zune ra đời vào năm 2006 và chưa bao giờ cạnh tranh nổi với iPod, khiến Microsoft cuối cùng phải khai tử dòng sản phẩm này.
Những sai lầm trên thị trường di động
Trước khi rời Microsoft, Bill Gates đã từng cố gắng đưa công ty tham gia thị trường máy tính bảng. Bill Gates công bố thiết bị tablet lần đầu tiên hồi năm 2000. Mặc dù đi tiên phong trên thị trường này, máy tính bảng của Microsoft không thể thành công được như iPad của Apple. Giải thích về điều này, Gates nói: “Ông ấy (Steve Jobs, tổng giám đốc Apple) đã làm một số việc tốt hơn tôi. Ông ấy đã chọn thời gian thích hợp để ra mắt sản phẩm, cũng như các yếu tố kỹ thuật và kết hợp chúng với nhau. Những chiếc tablet mà chúng tôi (Microsoft) chế tạo trước đây không mỏng được như iPad và cũng không hấp dẫn bằng”. Bill Gates đã thừa nhận những thiếu sót khiến sản phẩm máy tính bảng đầu tiên của Microsoft không thể thành công. Nhưng chính Ballmer, với vai trò người kế nghiệm Bill Gates, đã làm rất ít để chèo lái Microsft đi đúng hướng trên thị trường này.
Năm 2012, Microsoft tìm cách khởi động lại trên thị trường với tablet Surface, nhưng không đạt được kết quả mong đợi. Mặc dù Surface là thiết bị có chất lượng và hỗ trợ nhiều tính năng, nó chưa thể được coi là đối thủ thực sự dành cho iPad.
Những vấn đề này dường như xuất phát từ thực tế Ballmer không có khả năng thúc đẩy nỗ lực hợp tác giữa các bộ phận trong công ty. Khi Microsoft công bố hệ điều hành Windows 7 hồi năm 2008, Steven Sinofsky, người đứng đầu bộ phận Windows, được hỏi trong một cuộc phỏng vấn rằng nhóm Windows của ông đang nghiên cứu gì về Windows Mobile (hệ điều hành di động mà Microsoft đang phát triển lúc bấy giờ). Ông Sinofsky cho biết nhóm Windows không nắm được kế hoạch về Windows Mobile. Không thể đổ lỗi cho Sinofsky giám sát công việc không tốt.
Chính Ballmer là người có nhiệm vụ đảm bảo các nhóm dự án được chia sẻ thông tin với nhau, và nếu có thể làm việc cùng nhau. Để cho các nhóm phát triển hệ điều hành desktop và di động về cơ bản không quan tâm tới nhau tại thời điểm quan trọng ấy là một sai lầm rất lớn, có thể nó là nguyên nhân khiến Microsoft tụt lùi hơn một năm so với các đối thủ khác trên thị trường di động.
Dưới thời ông Ballmer, hồ sơ các thương vụ mua sắm của Microsoft cũng tương tự, có cả thành công lẫn thất bại. Ông Ballmer đã sáng suốt khi mua lại (và không làm sụp đổ) Skype, nhưng hồi năm 2008, ông đã bỏ lỡ cơ hội quan trọng khi không thâu tóm Yahoo (Tất nhiên, chưa thể chắc liệu Ballmer có khả năng tác động tới công ty Internet đang lâm vào cảnh khó khăn này như Marissa Mayer, tổng giám đốc hiện nay của Yahoo hay không).
Steve Ballmer ra đi trước cuộc cải tổ lớn
Không thể phủ nhận là trong vài năm gần đây, Steve Ballmer đã có khả năng điều phối tốt hơn và tạo thêm sức mạnh tổng hợp cho Microsoft. Đã có sự nhịp nhàng giữa ngôn ngữ thiết kế của Windows, Windows Phone, Xbox và các dịch vụ trực tuyến khác. Nhiều liên kết vững chắc giúp người dùng có thể di chuyển một cách liền mạch từ nền tảng này sang nền tảng khác.
Tuy nhiên, ông Ballmer đã mất quá nhiều năm để đạt được điều này. Thay vì đi đầu, Microsoft vẫn là kẻ chạy sau trên thị trường di động và công cụ tìm kiếm. Về lĩnh vực mạng xã hội, mối quan hệ và việc đầu tư vào Facebook giúp sản phẩm và dịch vụ của Microsoft được tích hợp mạng xã hội tốt hơn, nhưng thật đáng tiếc khi Microsoft không đầu tư mạnh hơn nữa hoặc mua đứt Facebook ngay khi có cơ hội.
Nếu coi ngành công nghiệp công nghệ là một cuộc đua tiếp sức mà Bill Gates đã trao cho Ballmer quyền chỉ huy hồi năm 2000, về cơ bản Ballmer đã chạy một cách cầm chừng trong khi các đối thủ như Google và Apple nắm lấy cơ hội và lao đầu về phía trước.
Gần đây, khi quyết định tổ chức lại Microsoft một cách triệt để, có lẽ Ballmer đã thừa nhận rằng ông đã sai. Có thể thấy rõ thực tế là Ballmer muốn rời đi trước khi Microsoft chuyển đổi thành một doanh nghiệp “thiết bị và dịch vụ”. Liệu có phải vì ông biết mình cần hướng tới điều gì, nhưng không biết chính xác phải làm thế nào để thực hiện điều đó.