CEO Microsoft cũng tiết lộ công ty sẽ tiếp tục sản xuất phần cứng cũng như cung cấp phần mềm và các dịch vụ đi kèm.
Surface sẽ có giá cạnh tranh với các đối thủ cùng phân khúc.
Trong bài phát biểu với The Seattle Times hôm qua, CEO của Microsoft, ông Steve Ballmer, cho hay giá của Surface "có thể là từ 300 đến khoảng 700 hoặc 800 USD". Vị giám đốc điều hành của Microsoft cũng đưa ra một số ý tưởng về tương lai của công ty bao gồm khả năng sẽ tiếp tục sản xuất phần cứng và ngày càng trở nên là một công ty cung cấp trọn gói cả thiết bị và dịch vụ đi kèm.
Mức giá 300 USD mà Steve Ballmer nhắc đến được cho là dành cho phiên bản Surface chạy Windows RT. Đây là mẫu máy dựa trên nền tảng vi xử lý kiến trúc ARM có giá thành linh kiện rẻ hơn, tính di động cao hơn và cạnh tranh trực tiếp với các mẫu máy tính bảng khác trên thị trường như iPad và Android.
Mức giá 300 USD là khá tốt bởi đối thủ lớn nhất bên phía Apple đang có mức giá thấp nhất từ 499 USD (phiên bản cũ iPad 2 vẫn được bán cũng có giá tới 399 USD). Tuy nhiên, giá bán này cũng cao hơn khoảng 100 USD so với cuộc chiến máy tính bảng giá rẻ 200 USD hiện nay từ các mẫu tablet 7 inch như Kindle Fire, Google Nexus 7...
Trong khi đó, giá bán 700 đến 800 USD dành cho các mẫu Surface Pro chạy Windows 8 cũng là mức khá cạnh tranh. Sản phẩm này dự kiến là sự thay thế cho máy tính xách tay hiện nay với ưu thế hỗ trợ đầy đủ tính năng như một chiếc máy tính thông thường. Giá bán nói trên tương đương các mẫu laptop phổ thông hiện tại và thấp hơn hầu hết các mẫu ultrabook được bán ra trong khoảng một năm trở lại đây.
Microsoft đang "đánh cược" vào Surface để thử nghiệm cho một chiến lược phát triển mới.
Tuyên bố thứ 2 của Microsoft cũng gây nên những ngạc nhiên lớn cho các chuyên gia. Surface không phải là sản phẩm phần cứng đầu tiên mà hãng phần mềm lớn nhất thế giới sản xuất nhưng lại là dấu mốc đặt ra các câu hỏi xung quanh chiến lược phát triển của hãng này. Và tuyên bố hôm qua có thể coi là lần đầu tiên hãng thừa nhận đường lối phát triển bao gồm cả phần cứng và các phần mềm dịch vụ đi kèm, một dạng tương tự như Apple đang theo đuổi.
Kế hoạch mới có thể khiến Microsoft tạo ra những sản phẩm tối ưu hơn cho người sử dụng và đạt về doanh thu sản phẩm cao. Nhưng mặt trái của nó cũng đem đến những hậu quá khá lớn như đánh mất mối quan hệ với các công ty máy tính hiện tại và đẩy hãng này vào tình thế "một mất, một còn".