Mã QR có thể cạn kiệt không?

Mã QR đã và đang ngày càng trở nên phổ biến, trở thành công cụ để kết nối truy cập nhanh vào website, mạng WiFi, chia sẻ thông tin, thanh toán điện tử, lưu trữ dữ liệu, vé điện tử và nhiều tác vụ khác. Cách dùng mã QR rất đơn giản: Chỉ cần quét bằng cảm biến hình ảnh có trên camera điện thoại, ứng dụng sẽ chuyển đoạn mã sang dạng nhị phân và hiển thị thông tin hoặc thực hiện hành vi đã được lập trình sẵn.

Tuy nhiên gần đây, có tin đồn rổ lên về “ngày tận thế” sắp xảy ra trong thế giới công nghệ: Đó là khi mã QR sẽ sớm bị sử dụng hết. Vậy điều này có thể xảy ra hay không?

Chúng ta có đang cạn kiệt mã QR không?

Trước tiên, cùng tìm hiểu qua về nguồn gốc mã QR. Mã QR (QR Code - viết tắt của Quick Response Code) được phát minh tại Nhật Bản vào năm 1994 và kể từ đó, chúng được biết đến vì chứa các liên kết đến các trang web. Tuy nhiên, chúng có thể chứa hầu như bất kỳ thông tin nào bạn muốn đưa vào, không chỉ là địa chỉ web. Tùy thuộc vào tiêu chuẩn mã QR bạn đang sử dụng, bạn có thể lưu trữ khoảng 3KB dữ liệu trong một mã. Nếu muốn, bạn có thể lưu trữ toàn bộ tệp hoặc ứng dụng bên trong mã QR (mặc dù bạn sẽ cần rất nhiều giấy để in tất cả).

Mã QR lần đầu tiên được công nhận là chuẩn quốc tế vào năm 2000. Denso Wave hiện là công ty nắm giữ bằng sáng chế công nghệ mã QR, như thực tế là tất cả mọi người trên toàn thế giới đều có thể sử dụng loại mã này hoàn toàn miễn phí, chỉ cần được dùng theo chuẩn ISO/JIS.

Trở lại với câu hỏi mã QR có thể cạn kiệt không? Nói một cách đơn giản là không, thế giới không phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt mã QR. Chúng không phải là nguồn tài nguyên hữu hạn. Trên thực tế, mã QR cũng không phải là nguồn tài nguyên. Chúng chỉ là một cách lưu trữ và hiển thị dữ liệu, giống như mã vạch UPC là một cách hiển thị một tập hợp số. Cả mã QR và mã vạch đều được thiết kế để máy tính có thể đọc dễ dàng, chính xác và nhanh chóng.

Sự thật là mặc dù mã QR bị giới hạn về lượng dữ liệu có thể chứa, nhưng không có giới hạn về số lần bạn có thể tạo mã. Ngay cả khi bằng cách nào đó bạn tạo được mã QR cho mọi tổ hợp dữ liệu mà chúng có thể chứa, mọi người vẫn có thể tiếp tục tạo và sử dụng chúng. Mã QR sẽ tiếp tục hoạt động ngay cả khi ai đó, ở đâu đó, đã tạo cùng một mã tương tự từ trước.

Mã QR

Tin đồn tình trạng thiếu hụt mã QR xuất phát từ đâu?

Tin đồn này bắt đầu như một trò đùa trên mạng xã hội X. Một bài đăng trên X từ năm 2022 đã cảnh báo rằng lượng "mã QR đã cạn kiệt 80%" và 20% còn lại sẽ bị sử dụng hết "vào khoảng năm 2025". Meme này đã thu hút được nhiều sự chú ý và khiến nhiều người hiểu lầm.

Hiện nay, có những dạng dữ liệu mà về mặt kỹ thuật chúng ta có nguy cơ cạn kiệt. Ví dụ, địa chỉ IP theo định dạng IPv4 truyền thống là một nguồn tài nguyên hữu hạn. Những địa chỉ này được sử dụng để xác định các thiết bị duy nhất được kết nối với Internet để mọi thiết bị có thể được tìm thấy và giao tiếp một cách đáng tin cậy. Định dạng 32 bit của IPv4 tạo ra một nhóm các địa chỉ có thể không đủ lớn để tính đến mọi thiết bị duy nhất đang tồn tại, ít nhất là với tốc độ phát triển của Internet. IPv6 được tạo ra để giải quyết vấn đề này, tạo ra một nhóm lớn hơn về cơ bản gấp 1.000 lần.

Tuy nhiên với mã QR, bạn có thể tạo chúng thoải mái theo ý muốn. Mã QR không được sử dụng làm địa chỉ duy nhất cho viễn thông, vì vậy các bản sao không gây ra vấn đề như địa chỉ IP trùng lặp.

Thứ Hai, 05/08/2024 16:15
2,88 👨 998
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ