Trong khi đa số tin đồn về smartphone mới của Apple đều đúng, thông tin được nhiều người chờ đợi là iPhone thế hệ tám có màn hình sapphire lại không thành hiện thực.
Tim Bajarin, Chủ tịch hãng nghiên cứu thị trường Creative Strategies, đã có bài phân tích trên tạp chí Time về những nguyên nhân iPhone 6 không dùng chất liệu này. Ông cho rằng nhiều người đã lầm tưởng về công dụng của sapphire trên điện thoại.
Một số chuyên gia nhận định sapphire không có mặt trên iPhone là do Apple vấp phải những khó khăn trong quá trình sản xuất. Thậm chí trước lễ công bố, các nguồn tin còn khẳng định iPhone 6 Plus sẽ được lùi bán đến cuối năm 2014 để kịp tích hợp kính sapphire. Tuy nhiên, Bajarin cho biết đó không phải là nguyên nhân và Apple có nhiều lý do để ưu tiên kính cường lực ion hơn là sapphire.
Thiết kế
Xu hướng thiết kế điện thoại hiện nay là mỏng hơn, nhẹ hơn nhưng kích thước lại lớn hơn. Đạt được điều này không hề dễ dàng. Để tăng kích cỡ và giảm cân nặng đòi hỏi chất liệu thật nhẹ, còn sapphire lại đặc hơn 30% so với kính. Hãng Corning cho thấy họ có thể sản xuất kính cường lực Gorilla Glass mỏng hơn tờ giấy với khả năng giảm thiểu thiệt hại khi va đập. Linh hoạt và dễ thích ứng là tiêu chí quan trọng trên điện thoại. Các thiết bị của Apple, Samsung... hiện nay đều có màn hình với lớp kính uốn cong đến cạnh rìa. Kính có thể được sản xuất cực mỏng những vẫn đảm bảo được độ linh hoạt và khả năng chịu lực cũng như có thể uốn theo bất cứ hình dạng nào, trong khi sapphire dày hơn, cứng hơn và phải được cắt để tạo hình mong muốn, tức làm tăng chi phí cũng như phát sinh nhiều vấn đề trong quá trình sản xuất số lượng lớn.
Giá bán
Giá cả luôn là điều người tiêu dùng quan tâm và smartphone là mặt hàng điện tử có mức cạnh tranh rất cao. Giá iPhone có thể sẽ bị đẩy lên nếu Apple bổ sung lớp kính sapphire cho màn hình bởi chi phí sản xuất một tấm sapphire ước tính nhiều gấp 10 lần so với kính cường lực. Một chuyên gia về lĩnh vực này còn dự đoán với Bajarin rằng nếu dùng sapphire, giá iPhone sẽ tăng ít nhất 100 USD.
Thời lượng pin
Một trong những điều người dùng ít hài lòng về smartphone nhất chính là pin. Các nhà sản xuất phải nỗ lực và hạn chế mọi yếu tố ngốn pin trên thiết bị. Một trong các yếu tố đó là độ sáng màn hình. Theo Bernstein Research, kính truyền ánh sáng tốt hơn nhiều so với sapphire. Do đó, ở cùng một độ sáng, màn hình sapphire đòi hỏi nhiều năng lượng hơn. Bên cạnh đó, nhà sản xuất có thể nhúng giải pháp chống lóa vào kính, trong khi với sapphire, họ phải phủ thêm một lớp chống lóa và lớp này sẽ giảm độ bền theo thời gian.
Tác động đến môi trường
Các nhà sản xuất nhận thức rõ rằng người tiêu dùng đang quan tâm nhiều hơn đến việc những sản phẩm họ mua sẽ ảnh hưởng tới môi trường như thế nào. Sapphire đòi hỏi năng lượng đển sản xuất nhiều hơn gấp 100 lần so với kính và vấn đề này không dễ giải quyết trong một sớm một chiều.
Sapphire rất cứng, không dễ bị xước nhưng lại có độ giòn cao.
Độ bền
Đây là điều người dùng hay hiểu nhầm nhất. Sapphire là vật liệu tự nhiên có độ cứng được xếp ở mức 9, tức chỉ đứng thứ nhì sau kim cương (số 10). Vì thế, nó được trang bị trên những chiếc đồng hồ cao cấp. Tuy nhiên, điện thoại khác với đồng hồ. Dù sapphire rất cứng, nó cũng có độ giòn cao, kém linh hoạt. Trong các cuộc thử nghiệm, sapphire dễ dàng đánh bại kính cường lực ở khả năng chống xước, nhưng khi bị thả rơi, nó lại dễ vỡ hơn. Đồng hồ có màn hình nhỏ và cũng ít khi bị rơi như smartphone - thiết bị người dùng thường xuyên cầm trên tay.
Trong tương lai, những hạn chế này sẽ được khắc phục còn hiện tại, có thể hiểu vì sao Apple không chọn sapphire như người dùng vẫn mong chờ.