Theo lộ trình, Luật Giao dịch điện tử sẽ được thông qua và có hiệu lực đầu 2006. Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, một số đại biểu tham dự hội thảo góp ý “xây dựng dự Luật giao dịch điện tử” hoài nghi về thời điểm này.
Theo một số chuyên gia tham dự hội thảo, ở VN chưa có một dự án luật nào được xây dựng chỉ trong vòng 2 năm, kể cả các dự án luật về những vấn đề quen thuộc như Xây dựng, Đầu tư, Kế toán... . Đó là chưa kể đến giờ, những người tham gia xây dựng luật GDĐT vẫn còn đang bàn cãi phạm vi của bộ luật, lúng túng trong việc xây dựng luật giao dịch trong các cơ quan hành chính nhà nước, hay chưa có khái niệm rõ ràng “luật giao dịch điện tử là gì?”, “thế nào gọi là giao dịch”, “có nhất thiết quy định là trong mọi giao dịch, thông điệp điện tử phải được gắn bởi chữ ký điện tử hay chữ ký số hay không?”…
Ông Cao Xuân Phong, Phó Giám đốc Trung tâm Luật so sánh, Bộ Tư pháp, cho biết khó khăn nhất của Ban soạn thảo xây dự án Luật GDĐT là quan hệ liên thông giữa luật này với các văn bản pháp luật khác như Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, luật Ngân hàng…. Bên cạnh đó là việc xác định đúng định hướng xây dựng luật trên cơ sở tham khảo các nước đi trước khác. Hơn nữa hiện nay chúng ta không hề có cơ sở thực tế để kiểm nghiệm xem các quy định về giao dịch điện tử như thế nào thì phù hợp và có thể đi vào đời sống, trong khi giao dịch điện tử là vấn đề tương đối mới.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó vụ trưởng vụ TMĐT, cho biết hiện nay ở nước ta có 10.000 doanh nghiệp thiết lập website. Trong đó số lượng website bán lẻ là 48. Số lượng sàn giao dịch là 17 sàn. Hai năm qua số đơn vị tham gia giao dịch điện tử đã tăng so với những năm trước, nhưng chưa cao. Những cản trở khiến thương mại điện tử nước ta chưa phát triển mạnh là do hạ tầng CNTT-TT còn yếu, chưa có khung pháp lý đủ hiệu lực, thanh toán qua mạng không thuận lợi, tính bảo mật, an toàn không cao, sự yếu kém của dịch vụ chứng thực điện tử. Bên cạnh đó là sự thiếu quyết tâm của doanh nghiệp và lòng tin của người dùng.
So với các nước và lãnh thổ trong khu vực, Việt Nam đi khá chậm trong xây dựng dựng cơ sở pháp lý về giao dịch điện tử. Malaysia đã ban hành Luật Chữ ký Số vào năm 1997, Singapore ban hành Luật giao dịch điện tử vào năm 1998, Hong Kong có Sắc lệnh về Giao dịch điện tử vào năm 2000. Hàn Quốc có Luật Chữ ký điện tử vào năm 1999 và sửa đổi vào năm 2001. Thái Lan và Nhật Bản cũng đã có các văn bản luật liên quan đến giao dịch điện tử vào năm 2001.