Mặc dù được tiếng là bảo mật cao và ổn định, có sự cải thiện về ứng dụng và tương thích với các phần mềm khác, song Linux vẫn không đến được với người dùng máy tính cá nhân.
Trong vài năm qua, các bản phân phối Linux hiện đại như Ubuntu đã khiến cho việc sử dụng nguồn mở trên máy tính trở nên mượt mà và đơn giản, đồng thời hơn hẳn hệ điều hành Windows và Mac OS về độ an toàn và ổn định. Hơn nữa, sự thất vọng của công chúng đối với Windows Vista và sự phổ biến của netbook đã mở cửa cho Linux tiến sau hơn vào thị trường. Nhưng những cơ hội đó đã bị phung phí và đánh mất.
Thị phần của Linux trên máy tính để bàn vẫn đình trệ ở mức khoảng 1%. Một kết quả trái ngược hoàn toàn với vị thế của Linux ở các thị trường khác như máy chủ, điện thoại di động, máy tính bảng và thiết bị nhúng.
Nhiều cơ hội bị bỏ lỡ
Cách đây vài năm, tưởng chừng Linux sẽ có được sự phát triển đột phá. Sau nhiều nỗ lực, Ubuntu đã tạo ra một phân phối dễ cài đặt như Windows và Mac OS. Hỗ trợ driver phần cứng cũng đã đạt đến độ đại trà. Thậm chí, các nhà sản xuất máy tính lớn như Dell cũng đã 'gắn sẵn' Linux vào laptop và máy tính để bàn của họ.
Trong thời gian đó, tâm trạng của người dùng với Windows Vista cũng đã chán đến mức nhiều người muốn chuyển sang hệ điều hành khác. Và cơ hội cho Linux còn mở rộng hơn nhờ làn sóng netbook – máy tính xách tay màn hình nhỏ và cấu hình thấp phù hợp với thế mạnh không yêu cầu cấu hình cao của Linux. Có thể nói 2008 là thời cơ tuyệt vời cho Linux cất cánh. Nhưng tiếc là điều đó đã không thành hiện thực.
Mặc dù Asus, hãng khởi xướng làn sóng netbook, đã chọn cài sẵn Xandros (một bản phối Linux) vào các netbook đầu tiên của hãng này. Nhưng nhiều nhà sản xuất netbook khác lại chọn Windows XP, tạo cơ hội cho Microsoft kéo dài sự sống của hệ điều hành cũ rích này. Trong khi đó, nhiều người dùng máy tính đã từ bỏ Windows Vista để chuyển sang Mac OS hoặc tiếp tục thủy chung với Windows XP. Và sau thời điểm Microsoft tung ra bản beta Windows 7 vào tháng 1/2009, Linux đã mất hoàn toàn cơ hội để tỏa sáng trên thị trường máy tính.
Tại sao Linux thất bại trên máy tính để bàn
Sự thất bại của Linux trong việc lôi kéo người dùng máy tính không khiến những người quan sát ngạc nhiên nhưng những lý do của sự thất bại này lại thường bị hiểu sai hoặc hiểu rất ít, chưa đầy đủ. Linux không thất bại trên thị trường máy tính bởi nó "chỉ dành cho dân kỹ thuật", "quá khó sử dụng" hay "quá khó hiểu" như những người chỉ trích thường gièm pha nó trên các diễn đàn trực tuyến. Trái lại, Ubuntu - bản phân phối Linux phổ biến nhất hiện nay và được điểm rất cao về độ tiện dụng theo đánh giá của các tờ báo công nghệ – có giao diện gần giống như với Mac OS X.
Nhưng Linux vẫn mờ nhạt trên thị trường máy tính bởi thiếu những nội dung quan trọng. Sự thiếu hụt đó được tạo ra bởi hai yếu tố cơ bản: sự phân mảnh của Linux và mộng tưởng quá mạnh của cộng đồng nguồn mở.
Nhu cầu của người dùng đã thay đổi rất nhiều trong vài năm vừa qua, và không ai chấp nhận bất kỳ một máy tính nào thất bại hoặc yếu kém ở khả năng xem các nội dung đa phương tiện cơ bản. Thu đĩa DVD và xem phim từ các website thu phí như Netflix hiện nay là những tính năng cơ bản mọi máy tính cần có. Nhưng các 'trụ cột' của thế giới nguồn mở đã biến điều đó trở thành giấc mơ gần như vô vọng với Linux.
"Tôi chia sẻ hy vọng với mọi người rằng phần mềm nguồn mở và miễn phí sẽ phát triển để đáp ứng các yêu cầu phát tán nội dung", nhà phát triển Linux lâu năm Jeff Whatcott, phó chủ tịch Brightcove – công ty chuyên về nội dung video nói. "Nhưng điều đó đã không thành hiện thực".
"DRM (quản lý quyền số) không phổ biến với cộng đồng nguồn mở", Whatcott nói và cho rằng đa số cộng đồng nguồn mở vẫn phản đối các công nghệ quản lý quyền số. Không có các hệ thống này, các nhà cung cấp nội dung thương mại sẽ không hứng thú với việc sử dụng Linux. Trong khi đó các công nghệ phát nội dung phổ biến như Flash của Adobe lại đưa ra các kết quả nghèo nàn trên Linux.
Hệ điều hành để bàn không còn thích hợp
Mặc dù vậy, có lẽ chúng ta không nên quá khắt khe với Linux. Bởi xét cho cùng, đang có dấu hiệu rõ ràng cho thấy rằng nền tảng hệ điều hành để bàn không còn thích hợp nữa.
"Mọi thứ đang chuyển lên công nghệ web", Guy Ben-Artzi, CEO of Particle Code nói. "Nếu tôi phải thúc đẩy phát triển Linux, tôi sẽ không tập trung vào ứng dụng để bàn". Thay vào đó, Ben-Artzi cho rằng, các thành phần Linux nên đẩy mạnh phát triển những nền tảng web mở.
Kevin Mahaffey, giám đốc công nghệ của công ty bảo mật di động Lookout, cũng tán đồng: "Linux chỉ có thể thành công trên nền tảng để bàn nếu nó có thể mang lại một trải nghiệm web tuyệt vời. Sự tăng trưởng của những thứ như HTML5 sẽ giúp cho Linux có được trải nghiệm người dùng tương tự với các nền tảng khác".
Theo Kevin Mahaffey, nếu có cơ hội cuối cùng cho Linux trên nền tảng để bàn thì đó là HTML5. Khi chuẩn công nghệ web mới này hình thành được một nhóm các công nghệ phát nội dung mở, nó sẽ mang lại hy vọng cho những người muốn duy trì Linux bởi nó tạo điều kiện cho họ dễ dàng tiếp cận các nội dung và dịch vụ hơn. Hơn nữa, với HTML5, những vấn đề với DRM của Linux cũng sẽ không còn nữa.
Tương lai là trên di động
"Hãy quên nền tảng để bàn", Phil Robb, giám đốc các chương trình nguồn mở của HP nói với các nhà lập trình Linux. "Tôi nghĩ rằng đó sẽ không còn là nơi mà các nỗ lực nên tập trung vào nữa".
Thay vì tiếp tục tranh nhau thị phần để bàn ngày càng nhỏ hẹp, Phil Robb cho rằng các nhà phát triển nên tập trung vào các lĩnh vực Linux có thế mạnh. "Linux đã chứng tỏ lợi thế trên các thiết bị di động. Nếu muốn trở nên phổ biến và có tác động lớn với thế giới, cộng đồng Linux nên tập trung bảo vệ thắng lợi của họ trên di động".
Thực tế, Android và WebOS đang đưa Linux lên dẫn đầu trong thị trường máy tính bảng và điện thoại di động thông minh (smartphone). Bên cạnh đó, Linux cũng đang nổi lên là nền tảng có ưu thế trên các hệ thống nhúng như tivi và các bộ giải mã hỗ trợ xem truyền hình qua web như Roku, Google TV và Boxee.
Hết đường?
Linux đã phát triển được một chặng đường dài từ khi được Linus Torvalds đưa ra vào năm 1992. Mặc dù triển vọng mờ nhạt trên nền tảng máy tính, song Linux rõ ràng vẫn là nền tảng lớn đến hôm nay. Và tất nhiên, những bản phân phối phổ biến vẫn sẽ có chỗ đứng nhất định mặc dù có nhiều thách thức phía trước. Nhưng ở thời điểm này, thật khó phủ nhận một thực tế là Linux cơ bản không còn cơ hội để thách thức Mac OS X, chứ chưa nói là đến Windows.