Lê Viết Quốc hay còn được biết đến với cái tên "Google Brain" chính là một nhân vật quan trọng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) của Google.
Lê Viết Quốc sinh năm 1982 tại một ngôi làng nhỏ ở Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Khi còn nhỏ, Quốc thường tới thư viện gần nhà tìm đọc các cuốn sách về những phát minh vĩ đại và ước mơ có thể có những phát minh của riêng mình trong tương lai.
Sau khi tốt nghiệp trường chuyên Quốc học Huế, nhờ thành tích học tập xuất sắc Viết Quốc nhận được học bổng toàn phần và theo học tại Đại học Quốc gia Australia.
Năm 2007, Viết Quốc bắt đầu làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Đại học Stanford, Mỹ về trí tuệ nhân tạo. Tại đây, anh chàng kỹ sư người Việt đã tìm ra được phương pháp giúp tăng tốc độ xử lý dữ liệu với độ lớn gấp hàng ngàn lần.
Năm 2011, Lê Viết Quốc cùng với 3 nhà khoa học tài năng khác (gồm: nghiên cứu sinh Google Jeff Dean, nhà nghiên cứu Greg Corrado làm việc tại Google và cố vấn Tiến sĩ Andrew Ng) đã sáng lập ra Google Brain. Mục tiêu của Google Brain là nghiên cứu về "Học sâu không giám sát" (Unsupervised Deep Learning) trên cơ sở khối lượng dữ liệu khổng lồ của Google.
Deep Learning có thể được ứng dụng trong nhiều ngành giúp giải quyết hàng loạt các vấn đề như giáo dục, biến đổi khí hậu…
Để hiểu rõ hơn về Deep Learning, các bạn có thể tham khảo trong bài viết "Sự khác biệt giữa AI, machine learning và deep learning".
Năm 2012, Viết Quốc đã công bố về việc phát triển thành công một mô hình mạng lưới neurone chuyên sâu. Mạng lưới này có thể nhận ra mèo dựa trên 10 triệu hình ảnh kỹ thuật số từ YouTube, cũng như hơn 3.000 bức ảnh trong tập dữ liệu ImageNet.
Thành công này của nhóm nghiên cứu đã mở ra một cuộc đua mới về công nghệ "học sâu" Deep Learning tại các hãng công nghệ hàng đầu.
Sau khi tốt nghiệp vào năm 2013, Quốc chính thức gia nhập Google với tư cách một nhà nghiên cứu. Tại đây, Viết Quốc nhanh chóng đạt được những thành tựu đáng ngưỡng mộ trong lĩnh vực dịch máy (Machine Translation), một trong những lĩnh vực nghiên cứu năng động nhất trong cộng đồng học máy (Machine Learning).
Vào năm 2014, Quốc đề xuất và cùng các nhà nghiên cứu khác ở Google hoàn thiện trình tự chuỗi (Seq2seq) học, một khung công cụ - một thư viện các mã lệnh (framework) giải mã bộ mã hóa nhằm đào tạo các mô hình để chuyển đổi các chuỗi từ một tên miền này sang miền khác.
Sau đó, Quốc tiếp tục phát minh ra Doc2vec – phần mở rộng của Word2vec, được giới thiệu vào năm 2013. Doc2vec được ứng dụng trong việc hiển thị các nội dung có độ dài cố định.
Vào năm 2015, Quốc được Tạp chí Công nghệ MIT ( MIT Technology Review ) chọn vào danh sách "Người cải cách dưới 35 tuổi (Innovators Under 35)" ở hạng mục Visionaries, vì mục tiêu "giúp cho phần mềm đủ thông minh để giúp cho cuộc sống hàng ngày của con người trở nên dễ chịu hơn".
Năm 2016, dựa trên những thành công trong nghiên cứu của Viết Quốc, Google đã công bố hệ thống dịch máy neurone (Neural Machine Translation System) sử dụng AI có thể tạo ra các bản dịch tốt hơn và tự nhiên hơn.
Cũng trong năm 2016, Viết Quốc và tiến sĩ Barret Zoph, một nhà nghiên cứu khác của Google đã đề xuất hệ thống tìm kiếm kiến trúc neurone có khả năng giúp các nhà nghiên cứu có thể tìm ra chính xác một kiến trúc mạng phù hợp với cấu trúc nhân tạo nhất. Một năm sau, hai nhà nghiên cứu này lại tiếp tục đề xuất NASNet-A, một cấu trúc có thể chuyển đổi cho các tập dữ liệu hình ảnh có quy mô lớn. Nghiên cứu này chính là nền móng để Google phát triển ra AutoML, một bộ sản phẩm được thiết kế cho các nhà phát triển có chuyên môn về machine learning và tài nguyên hạn chế.
- AutoML - AI của Google có thể code giỏi hơn người làm ra nó
- Trí tuệ nhân tạo của Google tự "sinh con", có khả năng vượt xa phần mềm do con người viết
Đầu năm nay, Google đã ra mắt AutoML Vision. Và vào tháng trước, Google cũng đã phát hành các công cụ dịch thuật và ngôn ngữ tự nhiên tại hội nghị Cloud Next của hãng.
Hiện nay, Lê Viết Quốc là quản lý dự án của Google Brain, một nhóm nghiên cứu khoảng 25 người chịu trách nhiệm nghiên cứu khoảng 5-6 dự án mang tính cách mạng trong lĩnh vực AI.
Viết Quốc chính là người đã đóng góp đáng kể trong việc phát triển công cụ dịch của Google - Google Translate, sản phẩm tiện ích khó tin cho người dùng.
Xem thêm: