Trong buổi lễ ra mắt iPad 2, Apple đã cố tình bóp méo khá nhiều sự thật để thuyết phục đám đông tin rằng tất cả những máy tính bảng khác không thể “hạ bệ” được iPad trong năm 2011.
iPad 2 là máy tính bảng lõi kép đầu tiên?
Theo tuyên bố của ông Steve Jobs, "iPad 2 là mẫu máy tính bảng chip lõi kép đầu tiên được bán ra với số lượng lớn” nhưng thực ra, đây là một điều rất không chính xác. Hẳn nhiều người yêu thích công nghệ vẫn còn nhớ ngay từ hồi tháng 1/2011, Dell Streak 7 với dòng chip lõi kép Nvidia Tegra 2 đã xuất hiện trên các kệ hàng của nhà mạng T-Mobile (Mỹ) và vừa mới đây thôi, Motorola XOOM cũng là một mẫu máy tính bảng có chíp lõi kép vừa được chào bán ra thị trường. Nếu tính cả những sản phẩm cùng loại nhưng chưa được chính thức bán ra với số lượng lớn thì iPad 2 còn đứng sau cả mẫu Atrix khá lâu…
iPad chiếm 90% thị trường?
Không chỉ cố tình “bỏ quên” sự thật để đẩy danh tiếng và sản phẩm của mình lên cao, các lãnh đạo của Apple còn tỏ ra mình là một người không thành thạo môn Toán học khi tuyên bố trong năm 2010 vừa qua, dòng máy tính bảng iPad của hãng đã tiêu thụ được 15 triệu sản phẩm và chiếm tới 90% thị phần trên thị trường này.
Nhưng trên thực tế, Apple đã đưa ra một con số gần như không tưởng. Giả sử, nếu chỉ tính 2 sản phẩm đang được tiêu thụ mạnh nhất hiện nay là iPad và Galaxy Tab thì Apple tiêu thụ được 14,8 triệu chiếc trong vòng 3 quý còn Samsung bán được 2 triệu chiếc chỉ trong quý cuối cùng của năm 2010. Để có thể đạt được mức thị phần 90% như đã tuyên bố trong một thị trường chỉ có 2 sản phẩm này, Apple còn cần phải bán được thêm khoảng 3,2 triệu chiếc iPad nữa.
Và nếu tính toán một cách chi li hơn nữa khi phải tính đến cả một số dòng sản phẩm chạy Android như Nook, một số mẫu chạy trên nền tảng Windows thì con số 90% mà ông Steve Jobs đã tuyên bố càng trở nên nực cười. Thậm chí, nếu coi cả những chiếc Kindle của Amazon là máy tính bảng thì thậm chí Apple còn chưa vươn được tới mức thị phần 50%.
Giá rẻ hơn tất cả?
Khi đề cập đến giá bán, ông Steve Jobs lại một lần nữa “chơi không đẹp” khi mang mức giá 499 USD của phiên bản iPad 2 cấp thấp nhất so sánh với mẫu máy tính bảng đắt nhất chạy Android là Motorola XOOM (799 USD). Khoan hãy nói đến các tính năng, bởi cấu hình của máy tính bảng không phải là vấn đề người dùng thông thường chú ý nhiều. Chất lượng và “độ cao cấp” của từng linh kiện trên sản phẩm mới là yếu tố quyết định chính đến giá bán. Khi so sánh ở tiêu chí này, Xoom của Motorola rõ ràng tốt hơn hẳn iPad 2 của Apple. Nó có bộ nhớ trong 32 GB và có thể mở rộng hơn nữa nhờ vào khe cắm thẻ nhớ có thể hỗ trợ mức dung lượng tối đa 32 GB nữa. Riêng ở tiêu chí này nó đã hoàn toàn có thể “đủ tư cách” để được so sánh ngang với phiên bản 32GB không có khả năng mở rộng và giá bán 729 USD của iPad 2.
Chưa hết, nếu so sánh về chất lượng màn hình, Xoom còn khiến iPad 2 phải xấu hổ. Xoom có màn hình kích thước lớn hơn (10,1 inch), với độ phân giải HD 720p trong khi iPad 2 vẫn duy trì màn hình 9,7 inch, độ phân giải 1024 x 768 pixel. Ở bộ phận camera, Xoom có trang bị đèn flash trợ sáng, hệ thống loa đôi stereo (iPad 2 chỉ có 1 loa), có khả năng nâng cấp để kết nối mạng không dây băng rộng 4G. Và điều quan trọng là trong khi Apple vẫn đang cố tình “ỉm đi” thông tin về dung lượng RAM (người lạc quan nhất cũng chỉ dám đoán iPad 2 có RAM 512MB) thì Xoom rất “hoành tráng” thông báo nó có tới 1 GB RAM - cao gấp đôi iPad.
Không thể so sánh với Motorola Xoom? Apple có thể mang iPad 2 ra đối đầu với những dòng máy tính bảng chạy Android khác như Galaxy Tab hay Dell Streak. Nhưng đáng buồn hơn nữa là những sản phẩm này hiện cũng chỉ có mức giá 499 USD với khả năng kết nối 3G, định vị toàn cầu GPS, camera độ phân giải lớn hơn… khiến chiếc iPad 2 chỉ có Wi-Fi giá 499 USD của Apple.
Bạn phấn khích và hâm mộ các sản phẩm của Apple? Cứ việc nhưng hãy tỉnh táo trước những độc chiêu “làm hàng” quá tinh vi của họ.