Làng công nghệ trước trào lưu thâu tóm

Phần lớn người tiêu dùng đều không muốn tậu một chiếc máy tính cá nhân theo kiểu mua bộ vi xử lý, ổ cứng và phần mềm hệ điều hành từ các nhà cung cấp khác nhau và lắp lại thành một chiếc máy tính hoàn chỉnh. Ai cũng muốn mua một chiếc máy tính đồng bộ từ một nhà cung cấp duy nhất.

Các khách hàng doanh nghiệp cũng có mong muốn tương tự: một địa chỉ duy nhất để vừa có được phần mềm, phần cứng và dịch vụ.

Để đáp ứng mong muốn này của khách hàng, các hãng công nghệ lớn nhất đang dùng tới nguồn tiền mặt khổng lồ của họ để tăng cường khả năng cung cấp sản phẩm và dịch vụ trọn gói.

Ở trong xu hướng này, vào ngày 20/4 vừa qua, hãng phần mềm hàng đầu thế giới Oracle đã tuyên bố sẽ chi 7,4 tỷ USD để mua lại công ty đang ốm yếu Sun Microsystems và nhảy vào lĩnh vực phần cứng. Với tuyên bố trên, Oracle đã đánh bật đối thủ IBM - tập đoàn từng tính chuyện mua lại Sun với mục đích gia tăng số sản phẩm và dịch vụ phần mềm nhưng các cuộc đàm phán giữa hai bên đã kết thúc cách đây khoảng 2 tuần.

Oracle sẽ là hãng duy nhất có thể chế tạo một hệ thống hoàn chỉnh, từ các ứng dụng tới ổ đĩa. Trong hệ thống này, tất cả các mảnh ghép vừa vặn và phù hợp đến nỗi, khách hàng chỉ việc sử dụng mà thôi”, Giám đốc Điều hành (CEO) Lawrence J. Ellison của Oracle tuyên bố.

Trụ sở của hãng Oracle ở vùng Redwood Shores, bang California, Mỹ - Ảnh: Wikipedia.
Xu thế hợp nhất nói trên đang khiến những công ty độc lập như Sun gặp khó khăn lớn hơn. Việc Sun - một gương mặt lớn của ngành phần mềm - bị Oracle nuốt chửng cũng là bằng chứng rõ nét về xu hướng thâu tóm doanh nghiệp trong các lĩnh vực máy tính, phần cứng và phần mềm. Giới quan sát cho rằng, thậm chí cả những công ty lớn như EMC và Dell cũng có thể sẽ chịu tác động tiêu cực từ xu hướng trên.

Tôi tin là chúng ta đang ở trong một làn sóng sáp nhập. Khó mà có thể tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Sẽ có những bất ngờ nữa trong thời gian tới”, William T. Coleman III, một cựu quan chức của Sun và hiện đang là CEO của hãng phần mềm mới thành lập Cassatt, nhận định.

5 năm trước đây, khi bỏ ra 10 tỷ USD để mua lại hãng phần mềm PeopleSoft, Oracle đã châm ngòi cho một loạt các vụ thâu tóm trong ngành phần mềm. Riêng Oracle đã mua lại 40 công ty trong đợt đó. Trong đó, để có được riêng BEA và Siebel Systems, Oracle phải bỏ ra 15 tỷ USD.

Trước khi rơi vào tay Oracle, nhiều công ty trong số này đã tìm được cho mình thị trường ngách trong thời kỳ Internet phát triển bùng nổ. Họ cung cấp cho thị trường những chức năng đặc biệt, qua đó hỗ trợ sự phát triển nhanh chóng của cơ sở hạ tầng trong ngành công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, sau khi bong bóng công nghệ đi vào hồi kết, khách hàng trở nên ngán ngẩm trước những chuyến viếng thăm của các nhân viên bán hàng mang theo những phần mềm có phạm vi sử dụng hẹp của các công ty này. Một mô hình đơn giản hơn đã phát triển, theo đó, một vài công ty như Oracle, IBM và HP mua lại nhiều đối thủ nhỏ hơn, và rồi trở thành những đối thủ chính của nhau trên thị trường.

Trung tâm của ngành phần mềm mỗi lúc một cô đọng hơn. Chúng ta chào đón những công ty quy mô lớn ở trung tâm của ngành này”, Giám đốc Công nghệ thông tin Randall N. Spratt thuộc McKesson, một trong những công ty chăm sóc sức khỏe lớn nhất của Mỹ, nói.

Giữa lúc một số công ty phần mềm dẫn đầu làn sóng sáp nhập cuối này, ngành công nghiệp phần cứng giờ đây cũng có vẻ đã sẵn sàng cho sự hình thành của một trật tự mới. “Tôi cho rằng, chúng ta đang ở một điểm chuyển hướng”, bà Patrica C. Sueltz, một nhân vật từng làm quản lý trong IBM và Sun, hiện đang điều hành công ty công nghệ mới thành lập LogLogic, nhận xét.

Chẳng hạn, hãng sản xuất máy chủ Rackable Systems mới đây đã công bố kế hoạch mua lại Công ty Silicon Graphics với giá 25 triệu USD. Cũng giống như Sun, Silicon Graphics thành lập vào năm 1982 và đã từng là một trong những doanh nghiệp phát triển nhanh nhất ở Mỹ trong thời kỳ hoàng kim, với mức doanh số hàng tỷ USD mỗi năm.

Khi lĩnh vực máy tính bão hòa, các công ty chuyên chế tạo những sản phẩm đặc biệt phải đối mặt với một thực tế phũ phàng: những thiết bị chuẩn giờ đây có đủ mọi chức năng cần cho doanh nghiệp. Cùng với đó, vấn đề mà người tiêu dùng quan tâm nhất lúc này là quy mô sản xuất lớn của sản phẩm và mức giá thấp mà quy mô đó đem lại.

Trong thập kỷ qua, HP là hãng máy tính đi đầu trong hoạt động sáp nhập trong lĩnh vực phần cứng, thông qua một loạt vụ mua lại lớn. Vụ HP mua Công ty Compaq Computer vào năm 2001 đã có ảnh hưởng tới cả thị trường máy tính cá nhân và máy chủ, do các công ty khác tìm cách mở rộng và cạnh tranh với tập đoàn này. Chẳng hạn, hãng máy tính Lenovo của Trung Quốc đã mua lại mảng máy tính cá nhân của IBM, và hãng Acer của Đài Loan mua lại Gateway, sau khi Gateway đã thâu tóm eMachines.

Năm ngoái, HP đã mua lại Electronic Data Systems, một trong những công ty dịch vụ công nghệ lớn nhất, trong nỗ lực cạnh tranh với tổ chức dịch vụ rộng lớn của IBM. Vụ HP mua lại EDS cũng đe dọa hoạt động kinh doanh của Sun và Cisco Systems, những công ty đã bán một lượng thiết bị lớn cho các khách hàng của EDS.

Với 34 tỷ USD trong tay, Cisco có lẽ đủ vốn cho khá nhiều vụ mua lại. Thậm chí, Cisco còn có tham vọng mua lại cả các hãng chế tạo bộ nhớ như EMC và Netapp. Về phần mình, HP cũng có ý muốn thâu tóm NetApp, trong khi Dell đã tuyên bố sẽ chi vài tỷ USD để mua lại các hãng máy chủ, bộ nhớ và dịch vụ công nghệ.

Tôi cho rằng các công ty công nghệ bây giờ đã e dè hơn, nhưng vẫn có rất nhiều tiền để phục vụ cho việc này”, ông Peters Falvey, người đồng sáng lập ngân hàng đầu tư Revolution Partners chuyên tập trung vào các công ty công nghệ, nhận xét.

Thứ Tư, 22/04/2009 11:16
31 👨 333
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp