Nếu các doanh nhân đang tìm phương thức mới để phát triển thương hiệu, họ có thể học hỏi bí quyết của Steve Jobs, CEO của Apple - người vừa được Financial Times bầu chọn là nhân vật của năm 2010.
Bí quyết đầu tiên của Steve Jobs là làm những gì mà mình thích. Không dưới một lần ông chủ của hãng Apple nói với các nhân viên: "Con người, nếu biết đam mê, có thể biến đổi cả thể giới theo chiều hướng tốt đẹp hơn".
Với phương châm số một đó, Steve Jobs đã cống hiến cả sự nghiệp để làm việc ông thích nhất là tạo ra những thành quả đột phá. Mới đây, Steve Jobs được tạp chí Financial Times bình chọn là nhân vật của năm 2010.
Steve Jobs vừa được Financial Times bầu chọn là nhân vật của năm.
Nếu như đam mê được xem là nhiên liệu cho quả tên lửa, thì tầm nhìn sẽ định hướng cho quả tên lửa này nhắm trúng đích. Từ 1976 khi đồng sáng lập Apple, Jobs đã tham vọng về một ngày chiếc máy tính (vốn rất cồng kềnh thời gian đó) hiện diện trong bàn tay của mỗi người dùng.
Đến năm 1979, Jobs biết tin bộ phận nghiên cứu của hãng Xerox ở Palo Alto, California thử nghiệm một giao diện đồ họa mới. Lúc đó, các nhà nghiên cứu ở Xerox chưa nhận ra họ đang nắm một mỏ vàng trong tay, chỉ nghiên cứu ứng dụng này để tạo ra bản copy. Tuy nhiên, Steve Jobs thì biết rằng đây chính là công cụ giúp ước mơ về một chiếc máy tính nhỏ gọn thành hiện thực.
Từ đó ông đã phát triển ra Macintosh, sản phẩm thay đổi hoàn toàn phương thức tiếp cận máy tính của con người. Bí quyết này của Steve Jobs cho thấy một sự thật: Hai con người cùng nhìn thấy một sự vật như nhau, nhưng nhận thức có thể khác nhau dựa trên những tầm nhìn khác nhau.
Bí quyết thứ ba của Steve Jobs là luôn luôn động não. "Sáng tạo kết nối mọi thứ" trở thành câu nói cửa miệng của tỷ phú giàu thứ 42 nước Mỹ. Theo ông, cảm hứng sáng tạo có thể đến từ bất cứ đâu, từ một cuốn danh bạ điện thoại, lúc đang ngồi thiền, khi đi du lịch Ấn Độ hay trong dịp nghỉ lại khách sạn Four Seasons. Jobs không cho rằng mình "đánh cắp" ý tưởng, mà là ứng dụng ý tưởng từ các ngành, lĩnh vực khác để truyền cảm hứng cho sáng tạo của riêng mình.
"Bán ước mơ, không bán sản phẩm" là bí quyết thứ tư và không kém phần quan trọng của ông chủ hãng công nghệ Apple. Steve Jobs chia sẻ rằng, đối với ông, những ai mua sản phẩm của Apple không phải là người tiêu dùng, "mà là người có ước mơ, hy vọng" và sản phẩm nhằm thỏa mãn ước mơ đó. Ông từng nói: "Nhiều người cho rằng ai điên mới đi mua máy tính Mac, nhưng trong cái điên này chúng ta mới nhìn thấy nhiều thiên tài". Khi Steve Jobs giúp khách hàng giải phóng thiên tài bên trong con người họ, ông sẽ chiếm được trái tim và khối óc của họ. Nhờ đó, Apple là một trong số ít hãng công nghệ xây dựng được một lực lượng fan đông đảo.
Biết nói không cũng là một bí quyết. CEO Steve Jobs từng nói: "Có những thứ khi ta không làm cũng có thể khiến ta tự hào như cái đã làm được". Những sản phẩm của Apple nổi tiếng với phong cách đơn giản, gọn gàng. Cam kết đơn giản hóa của hãng vượt bên ngoài khuôn khổ sản phẩm. Từ thiết kế của chiếc máy nghe nhạc iPod đến máy tính bảng iPad, đến cách đóng gói sản phẩm Apple hay giao diện website của hãng trên mạng... đều là minh họa cho phương châm "sự cải tiến có nghĩa là loại bỏ tất cả những gì không cần thiết".
Bí quyết thứ sáu của Steve Jobs là tạo ra trải nghiệm khác biệt. Chuỗi cửa hàng của Apple trở thành nhà bán lẻ tốt nhất thế giới nhờ áp dụng những phương thức kết nối với khách hàng một cách sâu sắc, đầy cảm hứng. Ví dụ, ở cửa hàng dán nhãn "quả táo cắn dở" chính hãng trên toàn cầu người ta không nhìn thấy một nhân viên thu ngân nào, dù nhan nhãn người tư vấn. Apple không đặt mục tiêu doanh số lên hàng đầu, mà quan niệm họ ở trong ngành kinh doanh làm giàu cho cuộc sống.
Bí quyết cuối cùng nhưng không kém quan trọng là "Hãy làm chủ thông điệp". Lâu nay, Steve Jobs được giới truyền thông tôn vinh như một doanh nhân diễn thuyết hay nhất thế giới. Với khiếu trình bày bẩm sinh, ông có thể biến màn ra mắt sản phẩm mới thành buổi triển lãm nghệ thuật. Bài học từ Steve Jobs là dù bạn có trong tay sản phẩm ưu việt nhất thế giới, nếu người ta không hứng thú với nó thì cũng chẳng có ý nghĩa gì.