"Làm offer": Thêm một cơn sốt kiếm tiền online

Sau khi trào lưu kiếm tiền bằng cách đọc mail thuê (PTR), lướt web thuê (SURF) lắng xuống, giờ đây những công dân mạng trẻ dư dả thời gian thời gian lại đang sôi lên với phong trào "làm offer".

Bánh mì dễ kiếm?

Tốt nghiệp đại học, Hoàng, nhà ở đường Minh Khai, Hà Nội đi làm ở đâu cũng chỉ được vài tháng rồi bỏ vì không hợp. Sẵn nhà có nối mạng, cậu lần mò lên mạng tham gia các kiểu kiếm tiền trực tuyến và nhanh chóng thu thập được vô khối kinh nghiệm. Cậu nhận xét: "Kiếm tiền trên mạng bây giờ chỉ có làm offer là nhất, vừa nhàn vừa hiệu quả và an toàn, không vi phạm pháp luật".

Hoàng giải thích, để kiếm tiền kiểu này, trước hết cần đăng ký làm thành viên với vài website cung cấp dịch vụ offer, sau đó truy cập vào khu vực member, click vào các banner và thực hiện theo những yêu cầu được đưa ra trong đó, chẳng hạn tham gia các cuộc khảo sát trực tuyến, đăng ký dùng thử phần mềm hoặc dịch vụ... Hoàn thành mỗi tác vụ như vậy, thành viên sẽ được trả một số tiền nhất định, thường là từ 0,1 đến 1 USD.

Hoàng khoe: "Mỗi ngày em vừa làm vừa chơi khoảng 2 tiếng cũng kiếm được 5 đô, tháng được hơn 200. Tại em không kiên trì lắm vì ngày còn phải chơi game, tối đi chơi với bạn gái, chứ như mấy đứa bạn chuyên "cày" offer của em thì nhìn mà thèm. Em có thằng "đệ", ngày nó "cày" 10 tiếng, kiếm cả 1.500 đô/tháng..."


Earning Report của 1 tài khoản làm offer. Số tiền kiếm được chỉ là vài USD
chứ không nhiều như những gì dân "làm offer" kháo nhau.

Thử mở một tài khoản tại trang web do-offer.com, phóng viên VTC gặp ngay khó khăn đầu tiên: website không chấp nhận thành viên Việt Nam. Gọi điện cho Hoàng, cậu ta hướng dẫn: "Anh vào whitepages.com, lấy đại tên, địa chỉ, zip code của một tên Mỹ nào đấy để đăng ký, còn mục thanh toán thì anh vào trang e-gold mở một tài khoản".

Theo chỉ dẫn của Hoàng, tôi cũng đăng ký thành công. Tuy nhiên, khi click vào banner trong khu vực dành cho thành viên, những gì nhận được chỉ là một thông báo lạnh lùng: "We're sorry. This offer is not available in your area. You will be redirected shortly" (Chúng tôi rất tiếc. Offer này không dành cho khu vực của bạn. Bạn sẽ được chuyển hướng ngay bây giờ).


"Làm offer" đồng nghĩa với gian lận, vì phải ngụy trang
dưới IP Mỹ, còn đây là kết quả với IP Việt Nam.

Đem chuyện ra phàn nàn với Phong, admin của một website kiếm tiền trực tuyến, tôi nhận được cái nhún vai: "Người dùng Việt Nam chả có giá trị gì với mấy website Mỹ cả. Vì thế, anh muốn làm offer thì phải tạo cho mình một cái vỏ Mỹ chính hiệu". Phong chào giá với tôi, "cái vỏ Mỹ" là một pri sock (socket cá nhân) cho phép tôi ẩn IP Việt Nam và ngụy trang dưới 1 IP Mỹ, với giá 120 USD/ tháng. Cậu ta thêm: "Nhưng nói trước với anh, làm cái này không dễ đâu. Đứa nào nói kiếm 1.500 đô/ tháng là xạo đó. Ngay như em mở website làm offer, downline (thành viên vào sau, phải trích hoa hồng cho thành viên giới thiệu) có cả trăm mà mỗi tháng cũng chỉ kiếm tròm trèm 1.000 đô thôi".

Phong cho biết, phong trào “làm offer” chỉ là một “cơn sốt” nhẹ, không sôi động như các phong trào đọc mail thuê (PTR), lướt web thuê (SURF) bởi nó đòi hỏi phải có hiểu biết kỹ thuật tương đối khá để có thể giấu IP, mở tài khoản ở các dịch vụ thanh toán quốc tế cũng như sử dụng các công cụ hỗ trợ điền thông tin chỉ bằng 1 cú click. Mặc dù vậy từ khóa “làm offer” trên Google vẫn cho ra tới 178.000 kết quả.

Gian đơn lận kép

Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến, các kiểu kiếm tiền online từ trước tới nay của cộng đồng dân mạng đều ẩn chứa rủi ro.

Ông Phạm Quang Hưng, trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển của Công ty Cổ phần dịch vụ Quảng cáo trực tuyến nhận xét: "Nhìn từ phía nào cũng thấy "làm offer" có nhiều điều không ổn. Ngay việc dùng socket để fake IP cũng đã là một hành động gian lận, đi ngược lại với điều kiện do những website cung cấp dịch vụ offer đặt ra, chưa nói tới việc chính những website đó cũng rất đáng ngờ".


Giao diện 1 website cung cấp dịch vụ offer

Ông Hưng cho biết, riêng với quảng cáo trực tuyến bằng banner, hiện nay trên thế giới có 4 hình thức chính: Flat Rate (mức phí cố định cho một thời gian nhất định), CPM (Cost Per Thousand Impressions - tính phí theo số lượt quảng cáo được xem), CPC (Cost Per Click - trả tiền theo số click) và CPA (Cost Per Action hay còn gọi là Pay Per Lead, tức trả tiền theo hành động người dùng, như mua hàng, đăng ký làm thành viên hoặc download phần mềm).

Theo ông Hưng, "làm offer" chính là một kiểu gian lận, lợi dụng khe hở của hình thức Cost Per Action. Ông phân tích: "Về mặt lý thuyết, Cost Per Action rất khó cheat và rất công bằng, vì cho dù webmaster có dùng đủ cách để dụ người dùng click thật nhiều vào banner, nhưng nếu click đó không mang lại hiệu quả mong muốn (conversion), doanh nghiệp có dịch vụ quảng cáo vẫn sẽ không mất tiền. Tuy nhiên, với việc webmaster thuê người điền vào các yêu cầu của offer, bản chất của vấn đề đã thay đổi, vì người tham gia không hề quan tâm, không có nhu cầu đối với sản phẩm, dịch vụ mà chỉ thực hiện vì mục đích kiếm tiền. Điều này đem lại thiệt hại cho doanh nghiệp muốn giới thiệu sản phẩm, dịch vụ". Vì lẽ đó, ông Hưng cho rằng tham gia "làm offer" đồng nghĩa với việc "nối giáo cho giặc", cùng nhau "rút ruột" nhà quảng cáo.

Theo ông Hưng, tình trạng cheat (gian lận) tràn lan cũng là một trong những lý do khiến các doanh nghiệp làm quảng cáo trực tuyến của Việt Nam e dè trong việc áp dụng những công nghệ mới. Cụ thể là hình thức Flat Rate tuy đã quá cổ lỗ nhưng lại có ưu điểm là "bất khả gian lận", nên vẫn đang được áp dụng tại gần như 100% các website Việt Nam.

Vì những lý do trên, ông Hưng khuyên các bạn trẻ trong cộng đồng mạng nên cân nhắc thật kỹ trước khi tham gia các phong trào kiếm tiền trực tuyến: Liệu số tiền kiếm được có xứng đáng với thời gian, công sức bạn bỏ ra? So với việc đầu tư thời gian cho học tập, nghiên cứu và tìm kiếm việc làm, cái nào sẽ có lợi hơn?

Thứ Tư, 24/10/2007 05:42
3,414 👨 41.220
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp