Kỳ cuối: Thật hay Ảo - Kiếm tiền Online?

Kỳ I: "Triệu phú trẻ kiếm tiền online" chỉ là trò lừa đảo!
Kỳ II: Dân mạng trẻ phát sốt vì "kiếm tiền trực tuyến"
Kỳ III: "Kiếm chác online" bằng những chiêu lừa mới
Kỳ IV: Xuất khẩu chiêu lừa để "kiếm chác online"

"Ảo mà thật, thật mà hoá... ảo", hàng loạt vấn đề đằng sau "cơn sốt" mang tên "Kiếm tiền trực tuyến" đang làm xôn xao dân mạng trẻ IT Việt!

Quá nhiều lừa đảo!

Gần đây, trong hòm thư của Minh Trung (học sinh cấp 3 - Thanh Xuân - Hà Nội) liên tục xuất hiện rất nhiều thư quảng cáo về một dịch vụ giúp người dùng "kiếm được tiền một cách đơn giản".

Email này chỉ có tiêu đề, muốn đọc nội dung, Trung buộc phải click chuột để download nội dung. Sau đó, cậu đọc thấy những dòng lớn nói về các "phương thức hốt tiền" bằng cách đăng ký tài khoản, hàng ngày click quảng cáo để tính điểm, mỗi giờ được 1000 đ tiền Việt Nam.

Email này cũng yêu cầu người dùng down về một phần mềm mang tên QM.. để cài đặt trên máy và hàng ngày thông qua đó tích luỹ điểm bằng số click. Vốn có máy tính tại nhà và lại... thừa thời gian, Trung đã tin theo ngay, và kết quả hơn tháng trời tích luỹ điểm số, Trung nhận được một hoá đơn nhận tiền 36 USD.

Nguồn: club-internet
Sau lần đó, Trung càng tin vào "kiếm tiền trực tuyến" lúc rảnh rỗi, và bỏ hẳn thời gian nhiều tiếng mỗi ngày để "làm việc". Trung còn giới thiệu cho rất nhiều bạn bè tham gia, vì với cách này cậu cũng được "ăn" %. Nhưng khi số điểm tích luỹ đã lên đến cả trăm USD, trang web nọ bỗng dưng... đóng cửa không lý do. Đồng nghĩa với việc số điểm của Trung trở nên vô giá trị mà không biết kiện ai.

Trường hợp của Trung chỉ là một trong số các hình thức bị scam (lừa đảo) trên môi trường mạng với chiêu "kiếm tiền trực tuyến" đang là một trào lưu đang nổi lên khá mạnh trong giới IT Việt.

Đúng là với hình thức này, có những trang web quốc tế cho phép người dùng tích luỹ điểm khi đọc mail quảng cáo, click link quảng cáo thuê để kiếm tiền. Nhưng nó có hai vấn đề lớn:

Thứ nhất, những website này luôn đưa ra một mức tích lũy giới hạn mà khi vượt qua con số đó bạn mới được lĩnh tiền (chẳng hạn cứ 50 USD được trả một lần). Và việc phải liên tục làm việc có thể sẽ khiến bạn không đủ kiên nhẫn để tiếp tục, sự bỏ dở giữa chừng dù bạn đã được 49 USD vẫn khiến bạn không nhận được một đồng nào.

Thứ hai là việc liên hệ cũng như trả tiền đều qua mạng và các dịch vụ chuyển tiền trung gian, chẳng hạn trả bằng eGold (một dạng tiền ảo trên mạng do công ty eGold cung cấp) sau đó bạn sẽ phải bán tiền ảo này để lấy tiền thật.

Tiếp nữa là đại đa số các site làm dịch vụ này đều ở nước ngoài, và họ không cho người Việt Nam tham gia, vì thế bạn buộc phải dùng các thủ thuật "fake" (giả mạo) IP để tham gia.

Trong tất cả quá trình đó bạn không được liên hệ trực tiếp với người "thuê" bạn. Và đột nhiên họ biến mất không trả tiền cho bạn thì... biết kêu ai? Tất nhiên cũng có những trang làm việc uy tín, nhưng nó rất ít, điều đó buộc bạn phải có hiểu biết.

Tác động xấu!

PTR, Pay per click - nôm na là đọc mail quảng cáo thuê và cick quảng cáo thuê như nói ở trên là dạng thức thấp nhất của "kiếm tiền trực tuyến."

Càng lên các dạng thức cao hơn, bạn sẽ có thể kiếm càng nhiều tiền, nhưng theo đó xác xuất gặp phải các hình thức lừa đảo lớn và tinh vi cũng tăng theo. Điều đáng nói là cơn sốt "kiếm tiền trực tuyến" làm nảy sinh rất nhiều tác động xấu với dân mạng trẻ!

PTR (đọc mail thuê) khiến cho mỗi ngày có không biết bao nhiêu email spam được đẩy lên mạng. Đa phần trong số đó mang tiêu đề và nội dung giật gân, hoặc độc hại để lợi dụng người dùng đọc mail. Chẳng hạn "Hình sex của diễn viên X"; "Thuốc tăng lực hiệu quả tức thì"; "Giết người man rợ bằng cưa máy"...

Google Adsense được coi là loại hình "kiếm tiền trực tuyến" chính thống và khá phổ biến, mà còn tạo ra nhiều tác động tiêu cực. PV VietNamNet từng chứng kiến, trong khuôn khổ hội thảo triển lãm TMĐT Việt Nam lần thứ nhất VeBiz 2007, rất nhiều bạn trẻ đã "bao vây" người cố vấn của Google tại thị trường Việt Nam. Cho đến khi ông này khẳng định Google không có chính sách mở dịch vụ đại lý quảng cáo Google Adsense tại Việt Nam, nhiều bạn không dấu nổi vẻ thất vọng.

Nguyên nhân của việc các site PTR và Google Adsense đều quay lưng lại với Việt Nam xuất phát từ chính những xu hướng xấu mà dân mạng Việt Nam tạo ra khi tham gia các dịch vụ kiếm tiền trực tuyến. "Có quá nhiều các bạn Việt Nam vi phạm quy định, họ dùng các công cụ để tạo click ảo trên website đăng ký quảng cáo cho Google Adsense. Một website chỉ vài ngàn lượt người truy cập, thứ hạng trên Google rất thấp thì không thể có hàng triệu click vào các từ khoá Adsense mỗi ngày được. Chúng tôi có những biện pháp đặc biệt để phát hiện điều này và block các website đó." - Đại diện của Google giải thích.

Một trong những chuyên gia tin học (giấu tên) khi trao đổi với VietNamNet thì nêu lên thực tế đáng ngại khác: Nhiều người ở Việt Nam vẫn kiếm tiền bằng Google Adsense bằng cách tạo lập các website đặt tại nước ngoài. Mà như vậy đa phần họ dùng "cc chùa" (thẻ tín dụng do ăn trộm hoặc lừa đảo mà có) để thanh toán hosting và server.

"Điều đáng nói hơn là, thực tế có một số thủ thuật nhằm làm tăng lượng truy cập cho website - đồng nghĩa với tăng thu nhập từ quảng cáo cho webmaster. Đơn giản nhất là tạo ra những website tin tức lá cải, hoặc khiêu dâm..."

Chuyên gia này đặt ra câu hỏi: "Hãy tưởng tượng mỗi ngày sẽ có thêm hàng ngàn website độc hại, hoặc "vô thưởng vô phạt" như thế xuất hiện - sẽ gây ra những tác động xấu và lãng phí tài nguyên mạng đến mức nào?!".

Hơn thế nữa, đồng tiền kiếm được không dễ dàng trên mạng còn khiến những bạn trẻ này phát sinh thói xấu ganh ghét lẫn nhau. Vì cạnh tranh, nhiều người sẵn sàng "chơi xấu" các webmaster khác bằng cách vào site của họ và dùng phần mềm, hoặc thủ công click liên tục, làm như site này cố tình tạo truy cập giả - và sẽ bị Google huỷ giao dịch vì dấu hiệu gian lận.

Ảo mà thật, thật mà vẫn.. ảo!

Ảnh: Getty Image
Một trong những thủ thuật kiếm tiền online bất chính khá tinh vi của dân mạng Việt Nam thời gian qua là "rửa tiền" qua quảng cáo Google Adsense.

Ngoài Google Adsense - thuê các website làm đại lý quảng cáo, Google đồng thời có một dịch vụ khác là Google Adwords - quảng cáo thuê từ khoá cho người dùng. Khi tìm kiếm một từ khoá nào đó, bạn sẽ thấy trên góc phải màn hình có một ô nhỏ có các kết quả trả về liên quan đến từ khoá tìm kiếm, các kết quả này được hiện ra là do đã trả chi phí cho Google.

Để thuê Google quảng cáo từ khoá, người dùng có thể trả tiền qua các tài khoản trực tuyến hoặc thông qua ngân hàng. Đây là kẽ hở cho nhiều bạn trẻ tại Việt Nam dùng tài khoản "cc chùa" để quảng cáo từ khoá mình muốn trên Google Adwords, quảng bá website tăng lượng truy cập. Trên website đó họ lại nhận làm đại lý quảng cáo Google Adsense và thu tiền trả từ Google. Với hàng trăm USD thuê Google Adwords chỉ để thu về vài chục USD từ Google Adsense là đã thành công. Bởi tiền thuê đâu phải của họ, còn tiền thu về là thật.

Một ví dụ đơn giản: Tôi là một đại lý bán Điện thoại di động, tôi đặt hàng Google Adwords để quảng cáo trên các nội dung web có từ "ĐTDĐ", link tới địa chỉ website của tôi. Tôi sẽ trả Google Adwords bằng "account chùa" số tiền là 10.000 USD để nhận được 50 triệu click chuột vào website của tôi.

Mặt khác, tôi lại dùng Adsense đứng ra đăng ký tài khoản với Google, nhận quảng cáo từ "ĐTDĐ" trên website A của mình để Google trả cho mỗi 50 triệu lượt truy cập với giá 800 USD. Từ khoá "ĐTDĐ" dùng font tiếng Việt nên chỉ ở Việt Nam mới dùng, không có người nước ngoài click. Vì thế một mặt tôi thanh toán tiền quảng cáo với Google, một mặt tôi kiếm tiền quảng cáo từ Google, tất cả chỉ xoay quanh những từ khoá mà chẳng người nước ngoài nào quan tâm. Các dịch vụ đó của Google phần lớn đều tự động nên tiền đi qua chu trình đó sẽ xoá được dấu vết của việc biến tiền "bẩn" từ cc chùa thành tiền "sạch".

"Đồng tiền kiếm được chân chính thì không đơn giản, kiếm tiền bất chính dễ dàng thì cuối cùng cũng chỉ tiêu xài hoang phí" - T.A - Một trong những cái tên nổi đình đám về "kiếm tiền online" nói: - "Có thời điểm mỗi tháng tôi kiếm được gần 2 ngàn USD từ Google Adsense, tiền thật hẳn hoi, nhưng cuối cùng vẫn... "ảo". Chẳng ai kiếm sống lâu dài bằng cách đó được bạn ạ."

Người viết bài này trong quá trình tìm hiểu vấn đề, thừa nhận rằng "Kiếm tiền online" là có thật và có nhiều cách kiếm tiền chính đáng! Nhưng nó buộc bạn phải có hiểu biết, có kinh nghiệm và nên tạo ra giá trị cho xã hội.

Bên cạnh đó, những tác động xấu và xu hướng lãng phí thời gian và công sức vào những giá trị không mang tính lâu dài của "Kiếm tiền trực tuyến" cũng là những vấn đề có thực. Bạn có thể kiếm tiền thật từ thế giới "ảo", cũng có thể đánh mất những giá trị thật chỉ vì những mục tiêu không lâu bền - khi đó "thật" sẽ lại thành... "ảo"!

Thế Phong

Thứ Hai, 19/03/2007 08:44
51 👨 820
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp