Kinh doanh nội dung số: Dễ thì xơi, khó thì né!

Thị trường nội dung số Việt Nam đang được xem là mảnh đất màu mỡ. Tuy nhiên, các DN chỉ mới tập trung khai thác những lĩnh vực dễ làm như nội dung cho mạng di động, trò chơi điện tử... Còn những lĩnh vực khác khó hơn như dịch vụ giải trí cao cấp với mạng 3G, y tế điện tử... vẫn còn ở dạng tiềm năng.

Theo biểu đồ doanh thu mà Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cung cấp, thị trường nội dung số đang tăng trưởng mạnh, năm sau gấp đôi năm trước. Nếu năm 2005, doanh thu của ngành kinh tế này chỉ khoảng 50 triệu USD thì đến năm 2006 đã vượt qua con số 100 triệu USD. Năm 2007 là 182 triệu USD.

Dễ: Hàng trăm DN tham gia

Kể từ khi hình thành ngành kinh tế nội dung số, lĩnh vực hốt bạc nhiều nhất vẫn là nội dung cho mạng di động (29% - thống kê năm 2007), kế tiếp là trò chơi điện tử (25%), sau đó là quảng cáo và nội dung trên môi trường internet (24%), thương mại điện tử…

Game online là lĩnh vực dễ "hốt bạc" nên rất nhiều doanh nghiệp đổ xô khai thác.

Ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ phó Vụ Công nghệ thông tin nhận xét: “Sở dĩ, ngành nội dung số cho dịch vụ di động chiếm tỷ trọng cao là do thị trường có trên 20 triệu thuê bao đang được kích hoạt
”.

Nhưng cũng theo ông Đường, nội dung cho mạng di động cũng chỉ dừng lại ở những hình thức đơn giản nhưng dễ kiếm tiền như nhắn tin SMS, tải hình, tải nhạc chuông, tin nhắn trúng thưởng, tư vấn chuyên ngành… Chính vì dễ kiếm tiền nên hiện nay trong lĩnh vực này đã có gần 100 DN tham gia.

Trò chơi điện tử đang là “miếng bánh ngon” cho các DN khai thác. Từ doanh thu năm 2005 ước tính khoảng 10 triệu USD thì đến năm 2007, trò chơi điện tử đã gom về được 45 triệu USD với gần 50 DN tham gia, loại hình chiếm thị phần gần như tuyệt đối là game online.

Những dịch vụ “dễ ăn” trên mạng di động như nhắn tin, tải hình, tải nhạc chuông… có hàng trăm DN cùng nhau khai thác.

Khó: Chờ...

Ngược lại, những dịch vụ cao cấp hơn như video on demand (phim yêu cầu), music on demand (nhạc yêu cầu), mobile Internet… đến nay chưa có DN độc lập tham gia.

TS. Hoàng Lê Minh, Viện trưởng Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam nhận định: “Những dịch vụ này chưa thể phát triển được vì thiếu hạ tầng (mạng và thiết bị đầu cuối) đồng bộ”. Chính vì vậy, nếu có nhà khai thác (các nhà cung cấp dịch vụ di động) đưa ra những dịch vụ này, thì giá cả dịch vụ rất cao.

Hiện nay, thị trường đang chờ các nhà khai thác mạng di động như Mobifone, VinaPhone, Viettel… đưa ra mạng 3G với các dịch vụ giải trí cao cấp hơn. Nhưng việc này chưa biết đến bao giờ mới thành hiện thực cho dù đã có nhiều lời hứa từ nhà khai thác và các cơ quan quản lý về mạng 3G.

Và khi đã có 3G cũng chưa dễ khai thác những nội dung số vì thị trường chưa có nhu cầu”, ông Đặng Hồng Kỳ, Phó giám đốc Mobifone khu vực 2 nói.

Được đánh giá là một lĩnh vực có khả năng phát triển mạnh nhất nhưng đến nay, theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, lĩnh vực thương mại điện tử vẫn đang được xếp vị trí thứ 4 xét theo doanh thu với khoảng 12,9 triệu USD trong năm 2007.

Các dịch vụ thương mại điện tử hiện nay của chúng ta chưa xứng với nhu cầu xã hội. Có nhiều lý do nhưng cơ bản vẫn là môi trường pháp lý và bảo mật còn quá phức tạp và lỏng lẻo nên xã hội chưa mặn mà phát triển loại dịch vụ nội dung số này”, ông Nguyễn Trọng Đường bình luận.

Trong những dịch vụ khó mà hiện nay hầu như chưa mấy ai quan tâm, có thể kể đến như giáo dục điện tử, y tế điện tử, thư viện trực tuyến, nhạc số trên Iinternet… Ước tính những lĩnh vực này cộng gộp trong năm 2007 chỉ đạt doanh thu khoảng 9 triệu USD.

Hiện nay, chúng tôi chi tiền để mua bản quyền các bản ghi nhạc số trên internet chỉ là gia tăng giá trị cộng thêm cho khách hàng, không hề tính phí”, bà Kim Thoa, đại diện cho VinaGame nói.

Thứ Bảy, 19/07/2008 09:51
31 👨 230
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp