“Cu đểu đây! Cu đểu trong Võ lâm truyền kỳ đây! Ông đang ở đâu? Bây giờ rảnh chưa lại đi tôi bán cho!”. Đó là cuộc điện thoại của một nhân vật trong Võ lâm truyền kỳ, đang gạ gẫm để bán cho chúng tôi “chiếc áo choàng” với giá 350.000 đồng!
Từ thế giới ảo, các nhân vật trong game đã xuất hiện và buôn bán với nhau bằng tiền thật.
Trả tiền thật để mua đồ ảo
Tại Net V... - một phòng net khá sang trọng trên đường Nguyễn Kiệm (Gò Vấp, TP.HCM) với phòng lạnh và ghế bành to quá đầu người - có khoảng 30 máy nhưng lúc nào cũng trong tình trạng quá tải người chơi.
Có một cặp tình nhân đang say sưa chơi game: chàng trai khoảng 35 tuổi đang tung hoành giữa chiến trường Tống Kim, trong khi người yêu lại lo mua cơm để chàng có sức mà chiến đấu tiếp.
Thế nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ, “thế giới võ lâm” từng chứng kiến cảnh “bảy chàng kiếm khách giang hồ” từ Vũng Tàu lên Sài Gòn chiếm lĩnh một góc của phòng net, để chuẩn bị lập cho mình một bang hội riêng.
Tâm sự một tù nhân của game online H.H. là một game thủ lừng danh ở TP Qui Nhơn (Bình Định). Tuy nhiên anh chỉ tự nhận mình là một trong mười người chơi game hàng đầu. H.H. bắt đầu câu chuyện với chúng tôi thật chân thành: “Tôi từng là một tù nhân của game! Nếu anh viết báo, đừng nhét chữ tù nhân vào trong ngoặc kép nhé! Những kẻ nghiện game sẽ thức thâu đêm suốt sáng bên màn hình, quên hết mọi thứ trên đời, luôn tơ tưởng đến game, trói mình vào game. Tôi đã dám bỏ thi học kỳ I môn lý năm lớp 10 vì bận chơi cho xong một game. Ngay cả tiền để mua thuốc cho mẹ tôi cũng ném luôn vào điểm chơi game... Một số sách báo có nói rằng game cũng có nhiều cái hay, có cả những bài viết tán dương và lãng mạn hóa game nhưng tất cả những game thủ (kể cả một số sinh viên đại học) mà tôi từng biết chưa có người nào học giỏi, không ai không từng đánh cắp tiền của bố mẹ đến vài lần. Game thủ có tiếng người nào cũng là nỗi phiền muộn của bố mẹ... Tôi đã phải mất bốn năm để học hết cấp III, thi trượt đại học một lần”. H.H. bần thần tâm sự tiếp: “Tất cả cũng chỉ vì mê muội với game”. Vậy mà cuối cùng H.H. cũng bỏ được. Nghe tin H.H. không nghiện game nữa, một số phụ huynh đã tìm H.H. hỏi nguyên nhân để về chỉ dạy cho con mình, thì nghe H.H. thú thật: “Chỉ vì thương mẹ quá, rất xấu hổ với sự trông cậy của cha nên tự thấy có nhu cầu phải thay đổi để lo học thi, để chứng tỏ mình đủ năng lực học đại học”. H.H. quả là một trường hợp hiếm thấy trong bối cảnh hiện nay! ĐÔNG A |
Nhóm này vì thiếu hai môn phái là Đường môn và Thiên nhẫn nên đã quyết tâm tìm mua cho được hai nhân vật ảo. Dân chơi game gọi là “con”. Cuối cùng sau nhiều ngày mai phục, nhóm cũng đã mua được Đường môn với giá 1,2 triệu đồng và Thiên nhẫn 600.000 đồng.
Cách chơi của nhóm này cũng rất có... tinh thần tập thể. Thông thường 2-3 thành viên trong nhóm thường chơi giúp cho những thành viên khác nếu như những người đó bận việc.
Hoặc thành viên nào sau một đêm chinh chiến mệt mỏi, ngủ ngay tại chỗ thì cũng có thể yên tâm giao “con” của mình cho thành viên khác chơi.
Việc buôn bán bằng ngân lượng trong game đã chuyển qua hình thức buôn bán bằng tiền thật.
Mặc dù đây là việc cấm kỵ trong game, và những ai buôn bán đều bị admin (quản lý mạng) bỏ tù vĩnh viễn hoặc cấm không cho chơi nữa, thế nhưng lợi nhuận từ thu tiền thật vẫn hấp dẫn hơn cả lời cảnh báo của admin, và admin có lúc lại đặc xá cho những trường hợp buôn bán trên mạng. Có thể thấy những lời rao buôn bán nhan nhản trong game online.
Trong vòng vài phút, có thể chứng kiến cả chục lời rao như nick cogaitocbachkim rao “Bán acc Nga my 6X ai mua pm = VND (TP.HCM)” nghĩa là bán một nhân vật ảo của phái Nga My, cấp 60, ở TP.HCM và ai mua thì liên lạc. Nick
Bac_Kieu_Phong8 thì rao: “Bán acc CB leve 75 = 1 triệu VND tại Hà Nội”, nghĩa là bán nhân vật ảo của Cái Bang, cấp 75. Thậm chí nick “-=MinhCon=-” còn đề nghị liên lạc số điện thoại nhà riêng của mình để làm dịch vụ “cày thuê”, tức là giúp người khác chơi để mau tăng cấp độ với khoảng thời gian 6/24 giờ, 12/24 giờ và 24/24 giờ.
Một nick có tên ho... kể trong một lần đi tìm mua vũ khí, đứng tần ngần trước một cây “thương băng sát” cấp cao có giá 1.000 vạn lượng, anh đã ước ao sở hữu vũ khí sát thương này.
Người em kết nghĩa (tất nhiên kết nghĩa trong thế giới ảo) xót thương cho đại ca nghèo khó của mình, đã mua tặng ngay với giá 150.000 đồng tiền thật, và nói: “Mình không có đủ ngân lượng thì có đủ tiền thật để mua”.
Các game thủ tại một điểm Internet ở TP.HCM |
Như những con thiêu thân
Khi bước vào một tiệm Internet kế bên cổng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM (P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM), chúng tôi thấy có hơn chục thanh niên đang ngồi say sưa với Võ lâm truyền kỳ. Tại đây, những thanh niên này chơi chung một nhóm trên mạng và chung nhau đi “giết người”.
Một thanh niên cao hứng: “Đ.M, giết chết mẹ nó đi, cùng lắm là tăng điểm PK (điểm giết người) chứ gì”. Một lúc sau, nhóm này cười ha hả vì đã giết được “đối thủ”. Lân la hỏi chuyện chúng tôi mới biết những thanh niên này là SV của Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, họ chơi từ sáng đến trưa và chỉ có hút thuốc... trừ cơm.
Vài người trong nhóm cũng có nhắc với nhau là chiều có giờ học nhưng cho đến khi chúng tôi rời khỏi đó hơn 12g trưa mà họ còn tiếp tục “luyện công”.
Cách đó chưa đầy trăm mét, chúng tôi bước vào một tiệm Internet (tại 46 Quốc Hương, P.Thảo Điền) thì bắt gặp sáu chú nhóc với quần đùi, áo thun ngồi gác chân lên ghế và đang luyện công để hành hiệp trong thế giới Võ lâm truyền kỳ.
Nhìn lén vào màn hình thì những nhân vật mà các chú nhóc này đang chơi đã đạt cấp 70 (một đẳng cấp khá cao và mất nhiều thời gian để có được cấp này).
Tại quận 7, điểm Internet có dịch vụ game online ngay trước cổng Trường Nguyễn Hữu Thọ (đường Lâm Văn Bền), chúng tôi gặp những chú nhóc khoảng 15-17 tuổi với áo trắng, quần xanh (không đeo phù hiệu) đang “luyện công”.
Khi chúng tôi hỏi có phải các em là học sinh không thì nhận được câu trả lời: “Hỏi chi vậy, bộ học sinh không biết chơi Võ lâm truyền kỳ hả?”.
Tại TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), chúng tôi đã có cuộc khảo sát và nhận thấy hầu như Võ lâm truyền kỳ đã len lỏi vào tất cả những điểm dịch vụ Internet dù lớn hay nhỏ. T.P., một học sinh lớp 10, nhà ở xã Hiệp Hòa (ngoại ô thành phố), đã tiết lộ với chúng tôi: em và nhiều bạn rất ghiền game Võ lâm truyền kỳ nên thường chơi đến tận 12g đêm.
Trong những ngày đầu năm học, thỉnh thoảng em cũng đã cúp học để chơi game. Ba mẹ em làm công nhân, thường đi làm ca ba nên ít có thời gian quan tâm, chăm sóc em và cũng không biết chuyện em dành các khoản tiền để đi chơi game. T.P. tâm sự: “Lỡ mê Võ lâm truyền kỳ rồi nên em có muốn dứt cũng không được. Em chỉ sợ cha mẹ biết sẽ đánh em chết!”.
N.PHAN - M.LUẬN - N.HƯNG - T.QUỲNH
Kỳ 1: Khi "cơn bão" Game Online đổ bộ: Sống thực trong thế giới ảo
--------------------
Kỳ sau: Chân dung những con nghiện
Ngoài hành lang của nhà thi đấu người nằm ngủ la liệt, căngtin chật cứng chỗ ngồi, kẻ bàn người tán vang lên khắp nơi. Ngày 2-9-2005, hàng ngàn game thủ đã có mặt từ rất sớm tại một nhà văn hóa ở TP.HCM để tham gia các giải đấu, trò chơi của chương trình: “Võ lâm truyền kỳ - hội ngộ tháng chín”. Sức nóng ngày càng tăng khi dòng người liên tiếp đổ dồn về khu vực dành cho “Võ lâm truyền kỳ”. Đến khi số lượng tham dự quá đông buộc các anh phụ trách an ninh và bảo vệ phải cản bớt vì trong sàn đấu đã không còn chỗ trống. Ngày 11-9-2005 tại khu thi đấu thể thao tổng hợp Quần Ngựa (Hà Nội), lại tiếp tục thu hút 30.000 lượt game thủ so tài với những trò chơi như lựa chọn “Võ lâm minh chủ”. Sau khi ra mắt quần hùng, “Võ lâm minh chủ” sẽ sánh vai cùng “Tuyệt đại mỹ nhân”, đại sứ Lam. Tham dự các trò chơi như: “Tỷ thí khinh công”, “Thi đấu ngũ hành”, “Hộ tống Thập đại mỹ nhân”, “Truy sát đạo tặc”, “Kiếm hiệp tình khúc”... Hiếm có khi thấy được một sinh hoạt nào lại thu hút đông người tự nguyện tham gia từ sáng tới chiều như thế! |
Theo TUỔI TRẺ