Người ta vẫn biết Apple cũng tham gia vào việc phát tán tin đồn "có kiểm soát" liên quan đến sản phẩm của họ, nhưng không phải theo cách lộ thông tin ồ ạt như iPhone 5 thời gian qua.
Ngay từ năm 1997, khi trở lại điều hành Apple và phát hiện tài năng của nhà thiết kế Jonathan Ive, Steve Jobs (CEO quá cố của Apple) đã lập tức ra chính sách bảo mật tối đa để tránh nguy cơ rò rỉ ra bên ngoài. Ông cho xây bếp ăn riêng để hạn chế việc các chuyên gia thiết kế tán gẫu với người không liên quan trong giờ nghỉ trưa.
Sự bí mật khiến Apple trở thành một trong những công ty gây tò mò nhất.
Cây bút nổi tiếng Adam Lashinsky của tạp chí Fortune cũng mô tả: "Những căn phòng không cửa sổ, bị khóa trái là nơi các sản phẩm như iPhone và iPad được thảo luận. Ngay cả lãnh đạo cao cấp cỡ Phó chủ tịch cũng chỉ được mời vào để trình bày về phần họ phụ trách rồi được yêu cầu rời khỏi phòng. Ít ai hình dung toàn bộ sản phẩm trông như thế nào. Thông tin được giữ kín giữa khoảng 100 người được Steve Jobs tự tay lựa chọn. Đến ngày công bố sản phẩm, nhân viên Apple ngồi theo dõi trên TV và có thể họ cũng sẽ ngạc nhiên như bao người khác dù họ góp phần làm ra nó. Trách nhiệm giữ bí mật ăn sâu trong mỗi nhân viên. Bất cứ ai bị phát hiện tiết lộ một phần sản phẩm, dù là vô tình hay cố ý, cũng sẽ lập tức bị sa thải. Không chỉ bị đuổi việc, họ còn có nguy cơ gánh hình phạt cao nhất mà các luật sư của Apple có thể đề nghị".
Một chuyên gia phát triển ứng dụng giấu tên lại kể trên Business Insider về việc bảo mật đến khó tin của Apple. Ông là người thứ sáu được nhận trước iPad để chạy thử ứng dụng. Apple yêu cầu công ty ông phải có phòng không cửa sổ và họ trực tiếp đến thay khóa, lấy số an sinh xã hội của 4 người được phép tiếp cận máy. Họ khoan lỗ trên ghế và lắp khung cho iPad rồi ròng máy vào ghế bằng xích để không ai biết iPad trông thế nào. Sau đó, Apple chụp chi tiết các thớ gỗ. Nếu ảnh sản phẩm bị lọt ra ngoài, họ có thể dò ra iPad đó được chụp từ chiếc ghế nào.
Những chuyện như thế dường như không còn được Apple thực hiện sau khi Steve Jobs qua đời cuối năm ngoái. "Liệu một người ngoài, chưa từng bước chân vào Apple, có thể tưởng tượng một kịch bản ra mắt iPhone và cuối cùng nhận thấy mọi thứ diễn ra gần như thế? Rõ ràng, điều đó trước đây là không thể nhưng với iPhone 5 thì không còn quá khó", tạp chí Time nhận xét.
Trong vài tuần trước sự kiện 12/9, gần như mọi thông tin quan trọng nhất về iPhone 5, iPod và các sản phẩm liên quan đều bị rò rỉ theo cách này hay cách khác, đến tai nghe loại mới cũng bị lộ trước đó từ nhà máy ở Bắc Ninh (Việt Nam). Giới báo chí công nghệ thậm chí đùa nhau rằng tốt nhất lên khung bài sẵn vì kiểu dáng, cổng sạc, cấu hình như thế rồi, chỉ còn chờ xác thực lại thông tin và thêm hình ảnh sự kiện mà thôi.
iPhone 5 có kiểu dáng hơi lạ khi dài và hẹp hơn một chút so với smartphone thông thường.
Mọi thứ đã diễn ra gần đúng, dù vẫn có vài điểm chưa chính xác, như iPhone không được trang bị NFC, nhưng đây chỉ là những chi tiết nhỏ. Một điểm lạ duy nhất trong sự kiện là Apple thường bắt đầu bằng việc chia sẻ doanh số, rồi giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ mới của họ trước khi chuyển sang công bố thiết bị quan trọng nhất - Thiết bị xuất hiện sau câu nói "One More Thing" của Steve Jobs. Lần này, Apple đột ngột công bố iPhone 5 trước và khi mọi người tưởng sự kiện đã kết thúc thì họ mới nói về iPod và iTunes.
Một số chuyên gia phân tích đùa rằng khi không còn gì để gây bất ngờ nữa, Apple đành tạo sự khác biệt bằng việc đảo ngược sự kiện. Hay như hồi đầu năm khi cho ra mắt iPad 2012, Apple khiến giới công nghệ ngã ngửa vì gọi sản phẩm là "The new iPad". Sau đó, Phó giám đốc marketing Phil Schiller giải thích rằng họ gọi vậy vì không muốn sản phẩm của mình trở nên quá dễ đoán (gần như ai cũng gọi tablet mới là iPad 3).
Tin đồn về Apple không phải đến sát buổi lễ mới có mà xuất hiện trong suốt cả năm, nhưng vẫn luôn có bất ngờ trong mỗi đợt trình làng sản phẩm. CEO Apple Tim Cook cũng từng nhấn mạnh họ sẽ "tăng cường độ bảo mật lên gấp đôi". Bởi vậy, người ta không thực sự quá thất vọng về iPhone 5 mà thất vọng vì đã biết trước quá nhiều nên không còn hứng thú nữa.
Tuy nhiên, theo tạp chí Time, lễ công bố sản phẩm không phải là phim hành động. Các cảnh giật gân, bất ngờ có thể tạo sự thú vị, nhưng không phải mục tiêu quan trọng nhất. Quan trọng là sản phẩm sau đó có bán được hay không. Khi quyết định chọn mua máy, người ta đâu có xếp yếu tố "lễ công bố nhàm chán" vào trong các tiêu chí chọn mua. Thậm chí, với người dùng phổ thông, họ chỉ cần biết đấy là "iPhone mới" mà thôi.
Điều này đã được chứng minh khi danh hài Jimmy Kimmel thực hiện một cuộc thử nghiệm hài hước: ông đưa phiên bản iPhone 4S cho một số người ngẫu nhiên trên phố Los Angeles (Mỹ) và đề nghị dùng thử. Khi được giới thiệu là iPhone 5 - Điện thoại mới nhất của Apple, tất cả đều khen ngợi và đưa ra những lý do vì sao họ thích thiết bị. Nói cách khác, họ không quan tâm iPhone 5 trông khác thế hệ cũ thế nào, miễn là đó là iPhone mới.
Clip: Đưa iPhone 4S và nói rằng đó là iPhone 5:
Một số người nói rằng Apple đã mất đi sự sáng tạo khi giữ nguyên kiểu dáng iPhone trong 3 năm. iPhone 4S còn có Siri (ứng dụng mà báo The New York Time gọi nó là "kỳ diệu", Wired coi là lý do mọi người mua điện thoại). Còn thứ mà người ta nói đến nhiều nhất ở iPhone 5 là màn hình dài hơn. Steve Jobs từng phản đối sản xuất điện thoại cỡ to, đơn giản vì ông nhận thấy 3,5 inch là vừa tay nhất đối với số đông.
Apple đã có cách để thực hiện được quan điểm của Jobs nhưng vẫn tăng được cỡ màn hình: kéo dài iPhone. Với việc không đổi chiều rộng, iPhone vừa vặn, thoải mái khi cầm trên tay, nhưng mang đến cho người sử dụng không gian màn hình hiển thị được nhiều thông tin hơn (5 hàng icon). Có lẽ, lý do "vì sự thoải mái của người dùng" là điều người ta vẫn yêu mến Apple.
iPhone dài thành đề tài châm biếm, nhưng Apple đã tính đến sự thuận tiện cho người dùng.
Một số blog công nghệ nhận định, iPhone 5 đã phá đổ hình tượng "công ty bí ấn" của Apple, nhưng biết đâu đây chính là điều Tim Cook mong muốn. Ông vốn nổi tiếng là người nhã nhặn so với tính cách khắc nghiệt của Steve Jobs và có thể ông muốn nhân viên tập trung vào phát triển sản phẩm hơn là cảm thấy căng thẳng, ngột ngạt vì những quy tắc giữ bí mật khắt khe. Nhưng, nhận định này dù sao cũng vẫn chỉ mang tính dự đoán.