Cuối thập niên này, Intel sẽ đạt hiệu năng ExaFLOP/s - khả năng một máy tính thực hiện một tỉ tỉ phép tính trong 1 giây, nhanh hơn gấp trăm lần so với siêu máy tính nhanh nhất hiện nay.
>>> Siêu máy tính K của Nhật giành ngôi đầu thế giới
Ảnh minh họa.
Thông tin này vừa được ông Kirk Skaugen, Phó chủ tịch Tập đoàn Intel kiêm Tổng giám đốc cơ quan Trung tâm Dữ liệu công bố tại hội thảo Siêu máy tính quốc tế (ISC) diễn ra hôm qua, 20/6/2011 ở Đức.
Theo ông Skaugen, chỉ những siêu máy tính với hiệu năng ngày một cao mới có thể đáp ứng được nhu cầu quản lý sự bùng nổ của khối lượng thông tin được chia sẻ trên Internet, tìm giải pháp cho các xu hướng trên thị trường, quản lý giá cả tăng vọt của các nhiên liệu như dầu mỏ và khí ga, và vô số các thách thức khác đòi hỏi phải tăng thêm số lượng các nguồn tài nguyên máy tính.
Cũng theo ông Skaugen, hành trình theo đuổi Định luật Moore’s không ngừng nghỉ của Intel (tăng gấp đôi số lượng bóng bán dẫn trên bộ vi xử lí sau mỗi 2 năm để tăng cường chức năng và hiệu năng, đồng thời giảm chi phí) cùng với những phần mềm sáng tạo, hiệu quả cao và khả năng mở rộng hệ thống vượt bậc, là những yếu tố chủ chốt để vượt qua giai đoạn chuyển đổi từ máy tính petascale sang một kỉ nguyên mới của máy tính exascale. Tuy vậy, bước chuyển mình này cũng kéo theo việc tăng mức tiêu thụ điện năng đáng kể. Ví dụ, đối với siêu máy tính nhanh nhất hiện nay ở Trung Quốc, chiếc Tianhe-1A, để đạt được hiệu năng exascale cần hơn 1.6GW điện, khối lượng đủ để cung cấp điện cho 2 triệu hộ dân. Do đó, có thể nói mức tiêu thụ điện năng là một thách thức rất lớn.
Để giải quyết khó khăn này, Intel và các nhà nghiên cứu châu Âu đã thành lập 3 phòng thí nghiệm tại châu Âu với 3 mục tiêu: xây dựng một đối tác lâu dài ở châu Âu, tận dụng những kết quả nghiên cứu máy tính hiệu năng cao (HPC) của châu Âu, và khả năng tăng trưởng theo cấp số nhân của ngành khoa học máy tính, cơ khí và điện toán chiến lược. Một trong những mục tiêu kĩ thuật chính của các phòng thí nghiệm này là tạo ra các ứng dụng mô phỏng để tìm cách giải quyết vấn đề về hiệu điện năng khi chuyển sang hiệu năng exascale.
Trong khi các siêu máy tính từ thập niên 80 chỉ cho hiệu năng GigaFLOP/s (vài tỉ điểm nổi hoạt động trong một giây), chiếc máy mạnh nhất hiện nay đã tăng con số này lên gấp mấy triệu lần. Điều này kéo theo nhu cầu về những bộ vi xử lí được sử dụng trong các siêu máy tính.
Intel hi vọng đến năm 2013, 100 siêu máy tính hàng đầu thế giới sẽ sử dụng 1 triệu bộ vi xử lí. Đến năm 2015, con số này được trông đợi sẽ tăng gấp đôi, và nó được dự báo sẽ đạt tới con số 8 triệu vào cuối thập kỉ.
Dự đoán vào cuối thập kỉ, hệ thống máy tính nhanh nhất trái đất có thể cung cấp hiệu năng tới hơn 4 ExaFLOP/s.