Intel vừa phải trả 1,25 tỉ USD để hãng đối thủ AMD thôi không kiện tụng nữa thì một nguy cơ khác lại xuất hiện, đó chính là hãng sản xuất chip di động ARM Holdings. Xem ra cuộc chiến giữa Intel và các đối thủ khác chưa có dấu hiệu lắng xuống. Khoản tiền 1,25 tỉ USD sẽ là một tiền lệ nguy hiểm đối với hãng sản xuất chip máy tính lớn nhất thế giới này.
>>> Intel trả AMD 1,25 tỷ USD để giải quyết tranh chấp
Tiền lệ nguy hiểm
Cuối cùng, sau nhiều năm tranh chấp liên miên, có vẻ như Intel “không chịu nổi nhiệt” đã buộc phải chi ra 1,25 tỉ USD cho AMD, đối thủ lớn nhất trên thị trường chip máy tính hiện nay. Tất nhiên, Intel đã có những toan tính riêng khi phải chi ra một khoản tiền lớn như thế này. Trước hết, nó sẽ giúp Intel không phải đau đầu với những đơn kiện của AMD. Thứ hai, nó sẽ giảm mức đối đầu giữa Intel và các cơ quan chống độc quyền của Mỹ.
Tuy nhiên, gã khổng lồ này lại không lường trước một nguy cơ khác, đó là ARM Holdings, hãng làm ra các công nghệ sử dụng trong những sản phẩm chip của nhiều thiết bị di động, kể cả chiếc iPhone của Apple. “Giờ đây, Intel nên tập trung đối phó với những nguy cơ lâu dài. Đó không phải là AMD, mà là ARM Holdings”, lời khuyên của Jack Gold, sáng lập công ty nghiên cứu Gold Associates.
Rất nhiều các nhà sản xuất chip như Qualcomm, Texas Instruments, Freescale, và Nvidia cấp phép công nghệ ARM để sản xuất ra những con chip cho thiết bị cầm tay, điện thoại và những thiết bị di động khác. Những chon chip sử dụng công nghệ của ARM rất quan trọng và được đánh giá cao, bởi chúng tiêu tốn ít năng lượng hơn nền tảng chip x86 do Intel và AMD sản xuất (hiện đang được sử dụng cho các hệ thống máy tính và máy chủ doanh nghiệp).
Hiện tại, những con chip PC và máy chủ vẫn chiếm ưu thế trong phân khúc lợi nhuận doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhu cầu chip máy chủ có thể giảm xuống khi doanh nghiệp thay thế những hệ thống máy chủ cũ kỹ trong data center bằng những máy chủ đơn lẻ, trang bị ít chip hơn nhưng lại mạnh hơn. Nhu cầu đối với thiết bị di động hiện nay là khá lớn, trong khi những thiết bị này không yêu cầu sử dụng chip x86 đắt tiền. Chính vì vậy, xu hướng thay thế chip Intel bằng những thiết bị rẻ tiền hơn chắc chắn sẽ diễn ra.
Quay trở lại vấn đề dàn xếp giữa Intel-AMD, nhiều nhà phân tích cho rằng nó sẽ tạo ra một tiền lệ khá nguy hiểm. Nhiều đối thủ của Intel sẽ nhìn vào khoản tiền đền bù này, cũng như tâm lý “giải quyết dứt điểm cho nhẹ nợ” của Intel để vin vào đó đưa ra những yêu cầu khó chịu, thậm chí là không thể thực hiện được. Trong số này nổi lên 2 đối thủ lớn nhất đó là ARM Holdings và Nvidia.
Trận chiến dai dẳng
Với khoản tiền 1,25 tỉ USD, có thể coi “cái gai trước mắt” AMD đã được dẹp bỏ. Tuy nhiên, trong chuỗi tranh chấp kiện tụng, AMD chỉ là kẻ lớn tiếng nhất. Đằng sau đó còn rất nhiều những hãng nhỏ khác, luôn muốn thoát khỏi cái bóng của Intel, cũng như muốn tìm kiếm khoản thị phần vốn dĩ đang khá khiêm tốn của mình. Tuy vậy, cũng không thể không thừa nhận những khía cạnh tích cực của vụ dàn xếp Intel-AMD. Về phần Intel, hãng sẽ tập trung được nhiều nguồn lực hơn để cải tiến sản phẩm, tăng cường sức cạnh tranh. Còn AMD sẽ có thêm tiền để trang trải nợ nần và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Sở dĩ nói vậy là bởi trong quá khứ, cả Intel và AMD đều phải chịu áp lực lẫn nhau. Các kỹ sư phải đua nhau sáng tạo ra những cái mới, thường là theo phong cách “đốt cháy giai đoạn”. Ngay cả giờ đây, Intel và AMD cũng đang chạy đua trong lĩnh vực cung cấp sản phẩm kết hợp: chip PC + chip đồ họa. Cả hai đều hy vọng sẽ có những sản phẩm đầu tiên vào cuối năm tới.
Tuy nhiên, kể cả khi “yếu tố” AMD không còn là trở ngại thì Intel vẫn phải đối mặt với con mắt xét nét và nhòm ngó của cơ quan chống độc quyền. Gần đây, Tổng chưởng lý Andrew Cuomo của tiểu bang New York đã chính thức cáo buộc Intel dùng hàng tỉ USD bất hợp pháp để trả cho các nhà sản xuất máy tính để họ loại sản phẩm AMD ra khỏi danh sách. AMD và những đối thủ khác kêu ca rằng hành động này còn khiến cho thị phần của họ giảm đáng kể, gây thiệt hại tới hình ảnh và doanh thu của hãng. Ủy ban Thương mại liên bang và Ủy ban châu Âu (EC) cũng đang tiến hành điều tra các hành vi “phá giá” của Intel.
AMD cũng đồng ý rút hết những đơn kiện dân sự và nói rằng hãng sẽ không yêu cầu các cơ quan điều tra hành vi của Intel. Tuy nhiên, nhiều hãng sản xuất chip nhỏ hơn khi được hỏi đều nói rằng họ sẽ tiếp tục đấu tranh đòi quyền lợi. Trong khi đó, CEO Intel Paul S. Otellini khẳng định rằng hãng này chẳng làm điều gì sai trái. “Chúng tôi hoạt động trong khuôn khổ luật pháp và chẳng làm gì sai cả”.
Ngoài AMD và ARM Holdings, Intel còn đối mặt với sự “hậm hực” của đối thủ Nvidia trên thị trường chip đồ họa. Trong nhiều năm qua, Nvidia cũng không ít lần lớn tiếng phàn nàn về sự chèn ép trong kinh doanh của Intel trên thị trường chip đồ họa, nơi gã khổng lồ này đang chiếm hơn 50% thị phần. Tuy là hãng cung cấp card đồ họa rời hàng đầu thế giới nhưng Nvidia cũng chỉ xếp thứ 2 sau Intel. Tuy không mạnh về đồ họa nhưng Intel lại cung cấp quá bán những chiếc card đồ họa tích hợp cho thị trường PC thế giới. Trong khi đó, theo ước tính của Mercury Research, giá trị thị trường chip đồ họa trong năm 2009 là gần 10 tỉ USD.
Trong quý 3 vừa qua, Intel chiếm 53% thị phần này, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Nvidia chỉ chiếm 24%, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cho thấy Intel vẫn rất mạnh trên thị trường chip đồ họa, chứ không riêng gì lĩnh vực chip PC. Nhận xét về điều này, Nvidia cho rằng Intel vẫn đang sử dụng chiến lược “cây gậy và củ ca-rốt”, một sự chỉ trích tương tự như cáo buộc của AMD trong nhiều năm qua với gã khổng lồ Intel.
Cũng theo Nvidia, Intel đang cố nâng cao khả năng cạnh tranh trên 2 mặt trận chipset. Một là chipset dành cho netbook, và một là dành cho nền tảng PC thông thường. Trên mặt trận netbook, Intel đang tung ra thị trường dòng chipset Ion giá rẻ, sử dụng cho các dòng netbook của HP, Lenovo và nhiều hãng khác. Còn trên mặt trận PC, Intel đang đẩy mạnh việc quảng bá cho công nghệ xử lý “Nehalem” mới (hay còn gọi là dòng chip Core i).