Nhắc đến cái tên HTC, không ít người người nghĩ ngay đến một “đại gia” về smartphone chạy Android. Nhưng ít người biết rằng, HTC đã phải nỗ lực và chấp nhận cả những sự đánh đổi để “bước ra ánh sáng”.
Tổng Giám đốc HTC, ông Peter Chou trong lễ giới thiệu những mẫu smartphone Android mới nhất của hãng. |
Những dòng vodka và whiskey tuôn tràn như suối trong một gian hàng triển lãm ở Đài Loan. Trên sân khấu, ban nhạc 6 người đang chơi những ca khúc nổi tiếng như We Will Rock You của Queen hay Quando, Quando, Quando của Engelbert Humperdinck.
Có chuyện gì đang diễn ra? Câu trả lời thực ra rất đơn giản: Hãng chuyên sản xuất smartphone của Đài Loan đang tổ chức lễ ra mắt cho dòng sản phẩm Android mới của họ.
Với những người dùng toàn cầu, HTC chỉ là một thương hiệu mới bắt đầu được biết đến trong khoảng 2 năm nay, đặc biệt là kể từ khi hệ điều hành Android do Google phát triển được người dùng tín nhiệm. Còn trước đó, dù đã từng cho ra đời hàng chục mẫu di động khác nhau, HTC vẫn chỉ là một “chú bé vô danh”. Trong khi ban nhạc tạm nghỉ, đại diện của một số hãng viễn thông đã lên bục phát biểu và tất cả họ đều hết lời ca tụng Peter Chou – Tổng Giám đốc của HTC. “Peter Chou và các đồng sự của ông là những người sáng tạo thực sự trong lĩnh vực smartphone. Với bản thân Peter, ông ấy là con người độc đáo”, Yves Maitre, Phó Chủ tịch cấp cao của Orange, hãng viễn thông di động của Pháp phát biểu.
Trong năm 2010, cổ phiếu của HTC đã tăng giá tới 94% với giá trị vốn hóa thị trường đạt 552 tỷ đô-la Đài Loan (khoảng 18 tỷ USD) và trở thành doanh nghiệp công nghệ lớn thứ 3 của Đài Loan, sau hãng sản xuất chip Taiwan Semiconductor và tập đoàn Hon Hai Precision Industry (được biết đến với cái tên khác là hãng Foxconn). Kể từ khi ra mắt mẫu Android smartphone đầu tiên năm 2008 (T-Mobile G1) đến nay, thị phần của HTC đã lên tới 39% trên thị trường toàn cầu. Nhưng thành công của họ chắc chắn sẽ chưa dừng lại ở đây bởi chỉ trong vài tháng qua, Android đã vượt qua iOS của Apple để trở thành nền tảng di động có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, với doanh số tiêu thụ của các sản phẩm sử dụng nền tảng này tăng khoảng 78%, theo dự báo của các hãng nghiên cứu thị trường. Tốc độ tăng trưởng này vượt xa các đối thủ chính của họ trên thị trường như Apple, Nokia, RIM – BlackBerry hay Samsung.
Ngược dòng lịch sử, HTC được thành lập từ năm 1997 nhưng một thời gian dài sau đó họ chỉ là một hãng chuyên gia công, lắp ráp các sản phẩm PDA mang thương hiệu Compaq của HP. Thực ra, đó cũng chính là “hình mẫu truyền thống” của hầu hết các hãng công nghệ Đài Loan: chấp nhận làm thuê cho các hãng công nghệ tên tuổi của thế giới trong cả các lĩnh vực thiết kế và chế tạo sản phẩm nhưng không được sử dụng thương hiệu của chính mình. Nhưng 5 năm sau, Peter Chou quyết định “phá rào” khi ký hợp đồng sản xuất smartphone với Microsoft. Không lâu sau đó, HTC nhanh chóng trở thành hãng sản xuất smartphone dùng hệ điều hành Windows Mobile lớn nhất thế giới.
Mặc dù công việc kinh doanh với Microsoft đang tiến triển khá tốt, ông Chou vẫn cảm thấy không thể yên tâm khi HTC vẫn phải chịu “kiếp sống vô danh” và “chầu chực ăn lại phần lợi nhuận ít ỏi” mà các đại gia công nghệ “bố thí” cho các hãng gia công. “Chúng ta đã làm rất tốt và chúng ta đang tạo ra một nguồn lợi nhuận rất lớn cho họ nhưng chúng ta vẫn chỉ là một đối tác nhỏ bé”, Peter Chou nói với các nhân viên của mình. Năm 2007, cũng chính là năm mà Apple cho ra mắt mẫu iPhone đầu tiên của mình và tạo ra một hiện tượng đặc biệt của làng di động thế giới, Peter Chou quyết định “rũ áo ra đi” và nói lời tạm biệt với những bản hợp đồng gia công sản xuất thiết bị nhưng không được mang tên của mình.
Nhiều chuyên gia đánh giá hành động bắt tay trở lại với Microsoft của HTC là một việc làm rất khôn ngoan. |
Để tăng cường tính nhận biết thương hiệu HTC trên toàn cầu, năm 2009 ông Chou đã quyết định chi tới 100 triệu USD cho các chiến dịch truyền thông, quảng cáo còn năm 2010, số tiền mà hãng chi ra đã lớn gấp 4 lần (khoảng hơn 400 triệu USD). Đổi lại, từ vị trí của một hãng chỉ biết đến đi làm thuê cho các đại gia, giờ đây HTC đã trở thành hãng sản xuất smartphone lớn thứ 4 thế giới, xếp sau Nokia, RIM và Apple. Theo tiết lộ của chính ông Tổng Giám đốc Peter Chou, sau khi Android vượt qua iPhone trở thành nền tảng di động có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới và các chiến dịch truyền thông, xây dựng thương hiệu của hãng, các hãng viễn thông di động giờ đây đã tỏ ra rất hào hứng trong việc bắt tay hợp tác với HTC. “Ông ấy đã thổi một luồng sinh khí hoàn toàn mới mẻ vào chính công ty của mình”, Mark Liversidge, Giám đốc marketing của hãng di động CSL (Hồng Kong) nói.
Sự dứt khoát và táo bạo trong việc cố thoát khỏi cái bóng của Microsoft cũng đã mang về cho HTC “quả ngọt”. “Giờ đây, chúng tôi là một đối tác lớn và bình đẳng với Microsoft chứ không phải là những nhà thầu phụ như trước kia”, Peter Chou nói và cho biết thêm rằng ông là một trong số ít người đầu tiên được Microsoft mời tham khảo và góp ý cho mẫu thử của hệ điều hành Windows Phone 7 từ cách đây một năm rưỡi. Và rồi cũng chính HTC là hãng sản xuất smartphone đầu tiên được Microsoft lựa chọn trong ngày Windows Phone 7 chính thức ra mắt hôm 11/10 vừa qua. Mặc dù hiện tại, sản phẩm của Microsoft đã bị đẩy ra khỏi top 5 hệ điều hành di động phổ biến nhất thế giới nhưng HTC và một số nhà sản xuất di động khác tin tưởng rằng Windows Phone 7 sẽ lấy lại được “thời hoàng kim” của mình.
Với các nhà phân tích thị trường, việc bắt tay trở lại với Microsoft của HTC là một hành động rất khôn ngoan. Trong thời gian gần đây, Microsoft đang chi rất mạnh tay cho các chiến dịch quảng bá sản phẩm di động của mình và việc đồng hành cùng Microsoft sẽ giúp cho HTC tiết kiệm được hàng chục triệu USD tiền quảng cáo, truyền thông tiếp thị sản phẩm.
Dẫu vậy, ai cũng hiểu rằng HTC sẽ tiếp tục gắn bó và đặt niềm tin tương lai của mình vào Android của Google để tiếp tục “lướt sóng” trên con đường thực hiện tham vọng đưa HTC chinh phục cả thế giới. “Hơn một nửa số báo cáo trực tiếp của tôi hiện nay được viết bằng tiếng Anh. Email và các tài liệu bằng tiếng Anh cũng ngày càng nhiều hơn. Điều đó phần nào cho thấy HTC đã và đang đi đúng con đường mà tôi đã chọn”, Peter Chou phát biểu.
Khi được các phóng viên hỏi về quan điểm của mình đối với iPhone và Apple, Peter Chou đáp lại bằng một giọng điệu có phần hơi kích động: "HTC là HTC. Tôi không quan tâm đến iPhone và thậm chí tôi còn không thèm nhìn nó".
Người ta gọi đó là khẩu khí của những người dám chấp nhận thách thức để thành công.