Từ khi Apple chuyển sang sử dụng nền tảng của Intel, tội phạm mạng bắt đầu tạo ra và phát tán ngày càng mạnh phần mềm độc hại. Hiện đã có hơn 1.000 mối đe dọa nhắm đến hệ điều hành Mac.
Các chuyên gia của Kaspersky Lab vừa theo dõi được một cuộc tấn công lớn nhằm phát tán phần mềm chống virus giả mạo nhắm đến các máy tính Mac.
Tội phạm mạng sử dụng kỹ thuật SEO (tối ưu hóa bộ máy tìm kiếm) mũ đen để “nhiễm độc” các kết quả tìm kiếm ở những công cụ tìm kiếm phổ biến hiện nay. Một ví dụ điển hình của hành động này chính là lợi dụng sự tăng cao về lượng tìm kiếm những thông tin liên quan đến cái chết của Osama bin Laden để phát tán phần mềm diệt virus giả mạo như là MACDefender. Tội phạm mạng gửi thông tin đến người dùng máy tính và cố làm cho nạn nhân lo sợ rằng máy tính của họ đã bị nhiễm virus, từ đó, yêu cầu nạn nhân chi trả một số tiền cho các chương trình diệt virus hữu hiệu, thực chất là các phần mềm giả mạo.
Ngoài hệ điều hành Mac, các chuyên gia từ Kaspersky Lab cũng phát hiện ra rất nhiều cảnh báo, đe dọa tương tự nhằm vào hệ điều hành Windows. Hơn nữa, tội phạm mạng đang có xu hướng xây dựng những công cụ tự động và dễ sử dụng hướng đến các máy tính Mac như chúng đã làm với hệ thống máy tính sử dụng nền tảng Windows. Mối đe doạ này có thể dẫn đến nhiều cuộc tấn công trên diện rộng và khả năng nhằm khai thác các công nghệ trên máy tính Mac.
Trước tình hình trên, ông Marco Preuß, Trưởng nhóm Nghiên cứu và Phân tích toàn cầu của Kaspersky Lab tại Đức, đã đưa ra khuyến cáo: “Người dùng sản phẩm Apple cần phải nhận thức được tình hình phát triển của phần mềm độc hại. Việc biết cách tự bảo vệ máy tính rất quan trọng bởi máy tính Mac cũng có thể bị nhiễm virus”.
Trong những năm qua, thị trường của Apple không ngừng tăng trưởng đã kéo theo số lượng các cuộc tấn công do tội phạm mạng thực hiện nhắm vào MAC OSX tăng vọt. Hầu hết các cuộc tấn công đều vì mục tiêu đánh cắp những thông tin cá nhân quan trọng của người dùng. Phương pháp phổ biến mà các nhóm tội phạm mạng đang rất ưu chuộng là phát tán các phần mềm diệt virus giả mạo, phần mềm gián điệp và backdoor để xâm nhập vào máy tính của nạn nhân.
Năm 2009, botnet hay còn được gọi là mạng máy tính ma bắt đầu được thiết kế để thực hiện những cuộc tấn công DDoS và ước tính đã có 20.000 máy Mac bị nhiễm virus trên phạm vi toàn cầu. Không chỉ có những cuộc tấn công bằng phần mềm độc hại, các dịch vụ của Apple như iTunes cũng là mục tiêu cho các cuộc tấn công lừa đảo.