Tờ Chosun của Hàn Quốc từng phản ánh, "công nghệ sản xuất hàng nhái ở Trung Quốc gần như đã đạt đến mức siêu đẳng”. Hầu như không có sản phẩm, mặt hàng nào của các tập đoàn nước ngoài thoát khỏi bị làm nhái.
Bất kể sản phẩm gốc được thiết kế với tinh vi, độc đáo và được nhà sản xuất giữ bí mật đến mức nào, thì chỉ sau một thời gian ngắn được tung ra thị trường, "người em song sinh" đã xuất hiện ở Trung Quốc với giá rẻ hơn nhiều.
Tuy nhiên, phát hiện mới đây của các cư dân mạng Trung Quốc cho thấy, nhiều website ở nước này cũng bị hội chứng nhái hành hạ. Cho dù chỉ "chôm chỉa" vài chi tiết, thì những website nhái cũng khiến người ta lầm tưởng là bản tiếng Hoa của hàng thật.
Dưới đây là một số website bị phát hiện làm nhái được trang Viral Viral Pictures.com giới thiệu:
Facebook và Xiaonei
Từ màu sắc cho tới hình ảnh kết nối cộng đồng nổi tiếng của Facebook cũng được Xiaonei mang lên website của mình.
Tumblr và Diandian
Tumblr hiện là một trong những trang blog thu hút được rất nhiều người tham gia bởi tính đơn giản và độc đáo rất riêng, không giống như những trang mạng xã hội hay dịch vụ blog khác. Tumblr từng được xếp là trang web có độ phổ biến thứ 39 trên Internet, với hơn 10 triệu thành viên. Phải chăng, Diandian muốn "ăn theo" Tumblr, khi thiết kế hai trang y hệt nhau?
Groupon và Meituan
Mô hình kinh doanh mua theo nhóm của Groupon đang "công phá" thị trường thế giới. Ngày càng có nhiều người tiêu dùng trên thế giới tham gia chương trình này, nhất là vào thời buổi bão giá hiện nay. Do vậy, không có gì làm lạ khi Meituan cũng chạy theo xu hướng kinh doanh này, chỉ là website của Meituan với trang chủ Groupon quá nhiều chi tiết tương đồng, thậm chí cả những tia màu nền cũng na ná như nhau.
Twitter và FanFou
Độ nóng của Twitter là điều hiển nhiên, ai cũng biết. Mới đây, mạng tiểu blog này khi kỷ niệm 5 năm ngày sinh nhật, Twitter còn công bố một loạt thông tin đầy hấp dẫn về sự tăng trưởng của mình. Sự thành công của Twitter vì thế cũng khơi nguồn cho nhiều mô hình tương tự, nhưng bắt chước tới từng chi tiết như FanFou có lẽ là không nhiều.
Foursquare và Maopao
Foursquare được đánh giá cao vì mang đến cho người sử dụng một giải pháp quảng cáo rất hiệu quả và không tốn nhiều chi phí. Thông qua việc giúp mọi người có thể dễ dàng gặp nhau hơn bằng việc chia sẻ thông tin về địa điểm mà họ tới, trang web đã gián tiếp giúp cho các doanh nghiệp thu hút được khách hàng. Vì vậy, cũng là chuyện thường nếu Foursquare bị bắt chước. Trang Maopao không chỉ có màu sắc, thiết kế mà tới các slogan của na ná như Foursquare, chỉ khác là bằng tiếng Trung Quốc.
Flipboard và Zaker
Flipboard là một ứng dụng miễn phí dành cho iPad, hiển thị nội dung RSS từ các website và định dạng cho vừa khuôn khổ của iPad. Thiết kế của Zaker trông không khác gì mấy so với Flipboard.
Instagram và Maopao
Instagram là một ứng dụng chia sẻ hình ảnh kiêm mạng xã hội dành cho iPhone. Chỉ mới ra đời được 4 tháng, Instaram đã thu hút hơn 1,75 triệu người với 290.000 hình ảnh đăng tải lên trang trong 1 ngày. Hình ảnh ứng dụng Maopao bên cạnh trông thật khó phân biệt với Instagram.