Hiểu một cách đơn giản, hệ thống home theater tại gia chỉ cần một màn hình lớn, một hệ thống âm thanh vòm và vài cáp nối.
Nhiều người có thể nghĩ một hệ thống rạp hát tại gia tới cả chục ngàn USD đòi hỏi sự lắp đặt chuyên nghiệp. Tuy nhiên, không phải bộ dàn nào cũng như vậy. Nó có thể rất đơn giản chỉ với một vài thành phần cơ bản như màn hình, các loa để tái hiện âm thanh, bộ xử lý và nguồn phát… và cách set-up đơn giản, miễn là người dùng hiểu đúng về nó.
Tạp chí Electronic House đã tổng hợp 12 điều cơ bản về một bộ dàn xem phim tại gia cho những người mới bắt đầu chơi hệ thống này.
Một hệ thống home theater 5.1.
Hình ảnh
1. Màn chiếu công nghệ nào hay kích cỡ nào là tùy người mua, nhưng quan trọng là nó phải lớn. Nói chung, một màn hình ít nhất là 50 inch (tính theo đường chéo) là hợp lý, với những phòng bé thì kích thước nhỏ hơn cũng không có vấn đề gì. Độ phân giải tốt nhất nên là Full HD 1080p, nhưng nếu chưa có điều kiện thì 720p cũng chấp nhận được.
Khi chuẩn bị sắm màn hình cho hệ thống xem phim tại gia, cần lưu ý khoảng cách ngồi xem. Thông thường khoảng cách này bằng từ 2 đến 3 lần độ rộng màn hình (theo chiều ngang thay vì đường chéo).
2. TV sử dụng trong hệ thống xem phim tại gia có thể là Plasma, LCD, DLP hay LCoS. Công nghệ nào dù đều có mặt hay và dở nhưng đều có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình tùy thuộc vào sở thích cũng như túi tiền chủ nhân.
3. Công nghệ hiển thị của màn hình tùy thuộc vào khả năng tài chính của bạn. Mục đích sử dụng cũng như không gian nơi bạn sẽ thưởng thức phim ảnh. Có rất nhiều lựa chọn cho mỗi nhu cầu, vì thế, khi đã xác định được nhu cầu chính xác của mình, việc lựa chọn sẽ trở nên dễ dàng hơn.
4. Hãy lưu ý đến công nghệ trình chiếu 3 chiều (3D) đang ngày trở thành một công nghệ thời thượng, đồng thời chất lượng cũng ngày một cải tiến. Một màn 3D thực thụ có thể khiến dàn xem phim tại gia nâng tầm đẳng cấp không thua gì ở rạp. TV 3D thế hệ mới còn có những công nghệ mới giúp xem nội dung 2D cũng chất lượng hơn.
Một hệ thống âm thanh vòm phải có ít nhất từ 5 loa trở lên. Ảnh: Homeaudiosystem.
Âm thanh
5. Một hệ thống âm thanh vòm (surround sound) phải có ít nhất từ 5 loa trở lên, trong đó, 3 loa trước được bố trí bên màn hình và ít nhất là hai loa sau bố trí ở mặt bên hay mặt sau của chỗ ngồi xem.
6. Hệ thống 3 loa trước phụ trách phần lớn lượng âm thanh của phần hình ảnh trình chiếu. Hai loa trước, thường gọi là kênh phải và kênh trái, được đặt hai bên, loa trung tâm thường đặt dưới hay trên màn hình. Các loa bên thường được gọi là các loa surround. Trên một số hệ thống cao cấp còn có một số loa kênh cao để tạo trường âm rộng lớn hơn.
7. Loa trung tâm đóng vai trò là loa quan trọng nhất trong việc thiết lập hệ thống âm thanh. Loa này phụ trách phần lớn lượng âm thanh trong một bộ phim, nhất là các lời thoại, tạo cảm giác như tất cả những từ, những câu trong phim được phát ra trực tiếp và rõ ràng từ miệng của những diễn viên vậy.
8. Các loa surround đóng vai trò tái hiện lại âm thanh môi trường xung quanh như âm thanh nền, tiếng động của một chiếc ôtô hay máy bay vụt qua. Loa surround giúp mở rộng không gian âm thanh cho bộ phim. Tuy nhiên, các âm này thường không phải là âm chính nên tránh đừng để loa quá gần hoặc quá to, sẽ khiến cho chất âm mất tự nhiên.
9. Bạn có thể chọn nhiều kiểu lắp đặt loa surround, hoặc có thể chỉ cần hai loa đặt hai bên chỗ ngồi xem. Ngoài ra, chọn 3 loa với một loa đặt ở phía sau, cải thiện thêm một chút tiếng động chạy vòng quanh cho thật hơn như tiếng của ô tô hay đoàn tàu chạy phía xa chẳng hạn. Hay có thể chọn 4 loa hay nhiều hơn, hoàn toàn tùy thuộc vào khả năng đầu tư của bạn.
10. Một loa không kém phần quan trọng trong hệ thống là loa siêu trầm để tái tạo âm trầm giúp bạn nghe được những hiệu ứng như tiếng nổ hay tiếng gầm của động cơ. Loa siêu trầm nói chung có thể đặt ở bất kỳ đâu, ở góc nhà, sau chậu cây hay dưới gầm bàn… Loa này chính là loa số ".1" trong các hệ thống 5.1, 6.1 hay 7.1 mà vẫn thường quảng cáo. Những bộ âm thanh cầu kỳ hơn có thể có tới 2 loa siêu trầm, tạo nên các hệ thống 5.2 hay 6.2…
11. Để âm thanh chuyển tới loa và hình ảnh hiển thị trên màn hình cùng lúc, cần có các thiết bị xử lý chúng. Đó có thể là receiver hay ampli và các đầu đọc rời. Một bộ receiver thường tích hợp sẵn ampli và bạn không cần phải có ampli rời nữa, nhưng khi nhu cầu đã cao hơn, có thể nghĩ tới việc đầu tư những thiết bị xử lý độc lập rời nhau. Hãy tìm những receiver có nhiều đầu vào HDMI (mà hiện chuẩn 1.4 là mới nhất) để có thể kết nối tới nhiều nguồn thu phát. Cũng nên chú ý tới các tính năng phụ trợ như khả năng kết nối với máy nghe nhạc cá nhân, nghe radio Internet, khả năng kết nối mạng hay tính năng tự căn chỉnh âm theo phòng để có được một bộ âm thanh hợp ý thích.
12. Hầu hết mọi người xem phim từ hai nguồn chính là truyền hình và đĩa (DVD hoặc Blu-ray). Tuy nhiên, hiện nay có nhiều nguồn phim khác, như từ ổ cứng hay từ mạng Internet với ngày một nhiều nhà cung cấp nội dung trực tuyến. Hãy chú ý tới những bộ dàn rạp tại gia tích hợp sẵn những tính năng này để không cần phải nâng cấp nếu nhu cầu xem phim nghe nhạc của bạn mở rộng hơn.
[#RelatedNews(93)#] |