Từng là ngôi sao trong giới khởi nghiệp công nghệ Mỹ, Groupon đã từ ông vua bị hạ bậc thành một kẻ ăn mày chỉ trong vòng vài năm. Ngạo nghễ bỏ qua đề nghị mua lại của Google, những tưởng Groupon đã có trong tay con át chủ bài nào đó để có thể phát triển mô hình kinh doanh của mình hơn nữa, nhưng điều đó đã không xảy ra.
Groupon bây giờ là một công ty thoi thóp chờ chết, với giá cổ phiếu hiện chỉ còn dưới 5 USD. Việc các nhà đầu tư lớn đồng loạt bán tháo cổ phiếu Groupon tuần trước và các nhân tài bộ phận thương mại rời bỏ công ty cũng là dấu hiện đáng báo động cho thấy cái chết của Groupon đang rất gần kề. Vậy thì, Groupon đã đi chệch đường ray từ lúc nào?
Làm thế nào mà một công ty với hàng tỉ đô lợi nhuận nay chỉ kiếm được hơn 500 triệu USD mỗi năm, thua cả mức dự đoán của các nhà phân tích bi quan nhất của phố Wall?
Mô hình kinh doanh: Ăn miếng nào hay miếng ấy
Mô hình của Groupon đã chẳng còn xa lạ gì ở thị trường Việt Nam.
Groupon khi vừa mới ra đời có một mô hình kinh doanh khá hấp dẫn đối với cả người dùng và các chủ kinh doanh nhỏ, lẻ tham gia vào hệ sinh thái của công ty này. Ví dụ, ta có 3 bên tham gia vào mô hình này: Khách hàng A, Groupon và nhà hàng B. Theo đó, người mua voucher của Groupon sẽ được hưởng một cái giá rất "hời" khi đến ăn ở nhà hàng B, còn nhà hàng B sẽ tận dụng được dữ liệu khách hàng để thực hiện email marketing, đồng thời cũng sẽ được Groupon tư vấn khả năng quảng bá cho thương hiệu của mình trên cộng đồng Groupon.
Mục tiêu của mô hình này là: khách hàng mua voucher Groupon để ăn tại nhà hàng B với mức giá khuyến mãi cực rẻ sẽ quay lại với nhà hàng này và ăn với mức giá đầy đủ. Đây có vẻ như một mô hình hoàn hảo cho thương mại điện tử vì các bên đều có những quyền lợi rõ ràng.
Sự thoái hóa trong mô hình kinh doanh.
Tuy nhiên, theo khảo sát gần đây, 80% các khách hàng của Groupon rơi vào thể loại "chuyên chầu chực" chờ deal trên mạng, và họ chỉ sử dụng dịch vụ khi được khuyến mãi deal của Groupon. Điều này có nghĩa là khách hàng A sẽ không quay trở lại nhà hàng B và sẽ không trở thành khách hàng thân thuộc.
Khách hàng trả full-price sẽ không thỏa mãn, các nhà cung cấp dịch vụ có thể sẽ mất khách.
Về phía nhà hàng B, họ vấp phải một vấn đề cực kì lớn: khách hàng ồ ạt tiến vào cơ sở kinh doanh, ăn thức ăn giá rẻ với Groupon, gây mất trật tự và làm phiền lòng các khách hàng trả giá đầy đủ. Việc này gây hại cho uy tín của cơ sở kinh doanh này, khiến cho các khách hàng thân thiết dần rời bỏ họ. Trong khi đó, Groupon "ngư ông đắc lợi", vừa ăn tiền của người dùng vừa ăn một nửa tiền bán voucher của nhà hàng B. Sự bất cập của mô hình này đang dần lộ rõ và kéo theo đó là những lời phàn nàn, khiếu nại của các đối tác kinh doanh.
Thái độ đối với đối tác kinh doanh.
Một cáo buộc mới nhất cho biết Groupon đã chậm chi trả cho các đối tác kinh doanh của mình, và còn doạ sẽ kiện họ ra toà khi biết các đối tác này tung tin lên truyền thông về hành xử phi lý của Groupon. Rõ ràng đang có vấn đề lớn với bộ phận sales và quan hệ khách hàng tại công ty này. Tuần trước một loạt các nhân viên cấp cao trong bộ phận thương mại đã rời bỏ Groupon tìm kiếm một môi trường làm việc khác. Groupon không còn là lựa chọn tốt cho các chuyên gia sales, đặc biệt khi mà uy tín của công ty đối với các đối tác đang giảm sút nghiêm trọng.
Nhà đầu tư ngán ngẩm tháo chạy
Sự tăng trưởng của Groupon đang giảm dần theo năm tháng.
Hàng loạt các công ty đầu tư vừa bán tháo cổ phần của Groupon vì lo sợ giá cổ phần sẽ tiếp tục giảm trước các tin tiêu cực về hoạt động kinh doanh của Groupon. Andreessen Horowitz, công ty đầu tư nổi tiếng ở Silicon Valley, vừa bán hơn 5 triệu cổ phần mà họ đang nắm giữ của Groupon. Nếu vẫn còn giữ những cổ phần đó, đến nay có lẽ Andreessen Horowitz đã lỗ mất 15 triệu USD. Cũng như đối với Facebook, Groupon đang đối mặt với sự giảm sút lòng tin tưởng của nhà đầu tư. Nếu không tìm cách thoát khỏi bế tắc này, nguy cơ phá sản của Groupon là không tránh khỏi.