Google Play đang ‘làm khó’ các ứng dụng Android độc lập

Các ứng dụng độc lập đang dần biến mất khỏi Google Play Store do phải liên tục bảo trì để tuân thủ các cấp độ API của Android. Google yêu cầu các nhà phát triển hiển thị thông tin có thể là thông tin riêng tư trong danh sách ứng dụng và nhiều yếu tố khác.

Đơn cử như trường hợp của iA Writer, một công cụ hỗ trợ soạn thảo văn bản khá phổ biến cho người dùng thiết bị di động, gần đây đã buộc kết thúc quá trình phát triển phiên bản Android sau gần nửa năm đàm phát bất thành với Google về các vấn đề liên quan đến quyền đọc và ghi tệp. Frozen Fractal, một nhà phát triển trò chơi độc lập, đang bắt đầu gỡ bỏ các ứng dụng Android của mình thay vì tuân thủ các quy tắc mới của Play Store về thông tin liên hệ được niêm yết công khai và cung cấp thông tin hộ chiếu cho Google. Syncthing, một dịch vụ đồng bộ hóa tệp nguồn mở phổ biến, cũng đang ngừng phát triển phiên bản Android do "sự quản lý của Google khiến việc xuất bản ứng dụng trên Play Store trở nên khó khăn, không thể thực hiện được và không có hoạt động bảo trì tích cực".

Google Play đang ‘làm khó’ các ứng dụng Android độc lập

Ba trường hợp ví dụ về ứng dụng Android bỏ cuộc nêu trên là không đủ để tạo thành một xu hướng, nhưng đó về cơ bản là những khó khăn chung mà các nhà phát triển ứng dụng độc lập khác được cho là đang phải đối mặt. Các quy tắc thông tin bắt buộc mới của Google là một vấn đề lớn, yêu cầu nhà phát triển liệt kê địa chỉ thực (không phải hộp thư bưu điện), số điện thoại và thông tin liên hệ qua email công khai trên Google Play:

Google sẽ hiển thị tên hợp pháp, quốc gia (theo địa chỉ hợp pháp) và địa chỉ email của nhà phát triển trên Google Play. Nếu bạn quyết định kiếm tiền trên Google Play thì Google sẽ phải hiển thị địa chỉ đầy đủ của bạn. Ở một số khu vực nhất định, nhà phát triển được yêu cầu cung cấp thông tin bổ sung có thể được hiển thị trên Google Play, như số điện thoại hoặc địa chỉ đầy đủ của họ.

Đó không phải là vấn đề đối với các công ty lớn có văn phòng, trụ sở đầy đủ, nhưng đối với hầu hết các cá nhân và một số doanh nghiệp tư nhân nhỏ, điều này tương đương với việc Google yêu cầu các nhà phát triển tự “dox” trong mọi danh sách ứng dụng. Trường hợp nhà phát triển không tuân thủ sẽ bị xóa ứng dụng khỏi Play Store.

Google cũng vừa tăng yêu cầu về mức API mục tiêu cho các ứng dụng trên Play Store, mặc dù các nhà phát triển ứng dụng có thời hạn đến ngày 1 tháng 11 năm 2024 nếu họ yêu cầu gia hạn. Mức API mục tiêu là phiên bản Android mới nhất mà ứng dụng được xây dựng, và mỗi mức API mới đi kèm với các thay đổi về quyền hoặc chức năng cốt lõi khác. Điều này khác với mức API tối thiểu, là phiên bản Android cũ nhất mà ứng dụng hỗ trợ. Google không ngăn cản bất kỳ ai tạo ứng dụng hoạt động trên điện thoại và máy tính bảng cũ, nhưng ứng dụng phải hỗ trợ tất cả các tính năng của phiên bản Android mới hơn.

Bắt đầu từ ngày 1 tháng 11 năm 2024, các ứng dụng mới và bản cập nhật cho các ứng dụng hiện có phải nhắm mục tiêu đến Android 14, nếu không chúng sẽ chỉ khả dụng trên Play Store cho các thiết bị phù hợp với API mục tiêu của ứng dụng. Ví dụ: nếu một trò chơi chưa được cập nhật trong một vài năm và đang sử dụng API cấp độ 30 cho Android 11, thì trò chơi đó chỉ có thể được cài đặt trên các thiết bị chạy Android 11 hoặc các phiên bản cũ hơn.

Tất nhiên có những lý do chính đáng cho các yêu cầu mới: việc liệt kê thông tin nhà phát triển giúp cải thiện tính minh bạch cho người dùng và các ứng dụng an toàn hơn cho người dùng khi chúng được xây dựng bằng các phiên bản API mục tiêu mới có tính bảo mật cao hơn. Tuy nhiên, tất cả các yêu cầu như vậy đều gây "đau đầu" cho các nhà phát triển có ít thời gian và nguồn lực hơn, có khả năng dẫn đến một trong những ứng dụng yêu thích của bạn một ngày nào đó đột nhiên biến mất khỏi Play Store.

Thứ Sáu, 25/10/2024 20:40
51 👨 277
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ