Các trang điện tử bán hàng qua mạng đang đua nhau “xả hàng” cuối năm, đặc biệt vào mùa Noel. Tuy nhiên, đây cũng là dịp khách hàng dễ trở thành “con gà béo” của hình thức gian lận thương mại điện tử.
Mua sắm qua mạng là cách thức kinh doanh của tương lai, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ảnh: Mỹ Hằng
Chuyện mua hàng qua mạng nhưng không nhận được đúng mặt hàng yêu cầu, thậm chí bị xù tiền không còn là chuyện lạ. Nhưng ngay trang thương mại điện tử (TMĐT) của Nhà nước cũng không ít lần trở thành nạn nhân.
Anh Nguyễn Kỳ Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT TrustVn (thuộc Bộ Công Thương) kể, mới đây anh dùng thẻ Paypal mua tại trang MCleaner một phần mềm chặn cuộc gọi không mong muốn cho điện thoại di động với giá 11,99 USD. Thẻ đã quẹt, tiền đã mất, nhưng chờ mãi... không thấy hàng đâu. Mọi cố gắng kết nối với quản trị mạng này đều không được trả lời.
Trang thông tin của Paypal hỗ trợ anh Minh liên hệ với MCleaner nhưng cũng không có hồi âm. Sau hơn nửa tháng “kiện tụng” và đọc vô số điều khoản liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng của hai trang mạng trên, anh Minh mới nhận được 11,99 USD trả lại từ Paypal. Tuy nhiên, nỗi lo vẫn còn đó vì anh trót khai thông tin cá nhân trên trang MCleaner. Tìm hiểu kỹ hơn thì thấy trang này không hề cam kết bảo vệ thông tin cá nhân cho khách hàng.
Nạn ăn cắp thông tin, gian lận tài chính và quảng cáo quấy rối người dùng là thực trạng đáng buồn của TMĐT tại Việt Nam hiện nay. TS Vũ Thị Bạch Nga - Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng - Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho rằng nhiều doanh nghiệp (DN) rất dễ dàng cung cấp thông tin khách hàng. Bản thân bà Nga mới đây cũng bị một DN tư vấn du học gọi điện mời đi hội thảo. Truy ra mới hay trường nơi con chị học đã “vô tư” cung cấp số điện thoại của phụ huynh cho DN này.
Ông Trần Hữu Linh, Phó Cục trưởng Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) cũng than thở, ngày nào cũng nhận tin quảng cáo. Khổ nhất là đi công tác nước ngoài, điện thoại Roaming quốc tế nên mỗi lần nhận tin nhắn mất 0,03 USD! Vì sao những công ty quảng cáo lại có được số điện thoại? “Không có gì là khó bởi tôi cũng như rất nhiều người đã khai báo thông tin cá nhân trên các trang điện tử. Và nếu không cẩn thận, thông tin cá nhân của mình sẽ bị tiết lộ, thậm chí được mang bán!” - Ông Linh nói.
Muốn được bảo vệ, chờ... năm sau
Theo kết quả khảo sát của Bộ Công Thương đối với 50 website TMĐT: Chỉ 38% website công bố rõ ràng cơ cấu giá. 98% không đưa đầy đủ, trọn vẹn thông tin cơ bản về thương nhân như tên, địa chỉ, số điện thoại, email, giấy phép kinh doanh. 96% không công bố cơ chế giải quyết tranh chấp... |
Các nhà quản lý khuyên người mua hàng qua mạng là tốt nhất hãy truy cập vào những trang điện tử uy tín, được chứng nhận. Chương trình TrustVN vẫn đang xem xét để gắn nhãn chất lượng cho các website. Theo đó, các DN đủ tiêu chuẩn theo bộ tiêu chí của TrustVn sẽ được dán nhãn chất lượng trên trang chủ kèm theo một đoạn mã hóa. Nhãn này trông như một logo, khi click vào sẽ hiển thị thông tin chứng thực, còn nếu không có thì là nhãn giả.
Anh Nguyễn Ngọc Điệp, ông chủ của trang TMĐT Vatgia.com cho biết, hiện không có cơ sở để tin nhau giữa người mua và người bán. Ở các nước phát triển, thẻ tín dụng chính là chìa khóa để ràng buộc hai bên. Trong bối cảnh Việt Nam chưa thể áp dụng phổ biến thẻ tín dụng, ông Điệp đã phải cho nhân viên đi đến từng DN để thẩm định thông tin và chỉ ký hợp đồng giao dịch với DN nào có giấy phép kinh doanh, địa chỉ rõ ràng và hoạt động hiệu quả. Vatgia.com cũng chấp nhận đảm bảo 5 triệu đồng/giao dịch. Nghĩa là với những giao dịch từ 5 triệu đồng trở xuống nếu người mua không được giao hàng, công ty sẽ bỏ tiền đền bù.
Từ những khó khăn đó, 20 DN kinh doanh qua mạng cách đây 3 năm nay “teo tóp” chỉ còn 4 - 5 DN.