Mới đây, Facebook (đổi tên thành Meta hồi tháng 10) đã chi tới 60 triệu USD cho một ngân hàng ở Nam Dakota (Mỹ) chỉ để thâu tóm quyền sở hữu thương hiệu liên quan đến tên gọi "Meta Financial".
Thỏa thuận này nhấn mạnh rằng cái tên Meta đã trở nên có giá trị như thế nào đối với gã khổng lồ công nghệ.
Người phát ngôn của Meta Platforms (tên mới của công ty Facebook) cho biết họ đã tham gia các cuộc thảo luận với Meta Financial trước khi việc đổi tên của Facebook được công bố.
60 triệu USD là một con số khổng lồ trong thế giới thương hiệu nên khiến nhiều người không khỏi kinh ngạc. Ngoài ra, người ta cũng thắc mắc rằng, sau khi sở hữu thương hiệu này Facebook sẽ làm gì?
Việc sở hữu một thương hiệu sẽ giúp một công ty có lợi thế khi muốn ngăn chặn đối thủ sử dụng những từ, cụm từ, hay logo cụ thể. Tuy nhiên, với những ai đó sử dụng cùng tên gọi cho một sản phẩm liên quan thì lợi thế đó không có hiệu lực. Đó là lý do tại sao có sự tồn tại của Apple Computers, Apple Records, và Apple Autoglass.
Việc mua lại thương hiệu không chỉ giúp bên trả tiền thâu tóm tên gọi mà còn có được uy tín đối với khách hàng gắn liền với một sản phẩm hay dịch vụ nhất định của thương hiệu đó.
Vì vậy, thỏa thuận 60 triệu USD nói trên có thể coi như là một "cú đánh chặn" của Facebook, nhằm đuổi các công ty khác khỏi việc sử dụng những từ như "meta" hay "metaverse".