Theo điều tra của FTC, Facebook thu về hàng chục ngàn USD phí kiểm duyệt ứng dụng của các nhà phát triển, sau đó cấp giấy chứng nhận an toàn. Nhưng thực chất, Facebook không hề tiến hành một bước kiểm duyệt nào.
Facebook được cho là thu về tới 95.000 USD từ các nhà phát triển có ứng dụng tham gia chương trình phê duyệt ứng dụng mà mạng xã hội này tổ chức. Chương trình này trao xác nhận an toàn cho những ứng dụng vượt qua quy trình mà Facebook gọi là “kiểm tra trải nghiệm người dùng đáng tin cậy”.
Các nhà phát triển phải trả cho Facebook 375 USD hoặc 175 USD (đối với ứng dụng của sinh viên hoặc các tổ chức phi lợi nhuận) để được xác nhận là an toàn. Các ứng dụng vượt qua quy trình kiểm tra sẽ được hưởng một số ưu tiên khác như trở nên nổi bật trong kết quả tìm kiếm và được xếp hạng cao trong thư mục ứng dụng.
Facebook đã từng tuyên bố sẽ bắt buộc các ứng dụng phải trả qua một “quy trình đánh giá chi tiết”, sau đó trao huy hiệu xác nhận cho các ứng dụng mà Facebook cho là “an toàn, tôn trọng khách hàng và minh bạch, chứng tỏ là có tuân theo các chính sách của nền tảng”.
Chương trình này hoạt động từ tháng 05/2009. Tháng 12/2009, Facebook tuyên bố đóng cửa chương trình để mở rộng “ý tưởng áp dụng với tất cả các ứng dụng trên nền tảng Facebook”. Tổng cộng đã có 254 ứng dụng được Facebook trao huy hiệu an toàn.
Tuy nhiên mới đây, Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (FTC) đã công bố kết quả điều tra, cho thấy Facebook không hề tiến hành các bước kiểm tra ứng dụng. Theo miêu tả của FTC, đây thực chất là chương trình “lừa đảo”: “Trước khi trao huy hiệu Verified Apps (ứng dụng đã được xác nhận), Facebook không thực hiện bất kỳ bước nào để kiểm tra tính an toàn của website chứa ứng dụng, hoặc tính bảo mật của thông tin người dùng mà ứng dụng đó thu thập”.
Theo FTC, ngoài các nhà phát triển, khách hàng có thể cũng bị lừa dối bởi các xác nhận của Facebook. Dù không tiến hành kiểm tra, Facebook vẫn đảm bảo với người dùng là các ứng dụng đó thực sự an toàn.
Thứ Sáu tuần trước, Facebook đã chấp nhận một cuộc dàn xếp với FTC. Theo các điều khoản của cuộc dàn xếp, Facebook phải chấp nhận bị một cơ quan giám sát độc lập tiến hành kiểm tra bảo mật thường xuyên trong vòng 20 năm tới. Phán quyết dành cho Facebook được đưa ra chỉ một ngày sau khi Google chấp nhận mức phạt kỷ lục 22,5 triệu USD mà FTC đưa ra do vi phạm quyền riêng tư của người dùng trình duyệt Safari của Apple.
Facebook đã chấp nhận việc bị kiểm soát bảo mật trong vòng 20 năm tới.