Với mức giá trên dưới 700 USD cho hàng xách tay, Nikon D5000 và Panasonic Lumix GF1 đều là sự lựa chọn tốt trên phân khúc máy ảnh ống kính rời bình dân.
Câu hỏi đặt ra bây giờ là bạn cần một chiếc DSLR cồng kềnh nhưng đầy đủ tính năng hay một chiếc Micro Four Thirds nhẹ gọn mà không phải hy sinh nhiều chất lượng ảnh?
DLSR cồng kềnh nhưng đầy đủ tính năng, còn Micro Four Thirds gọn nhẹ nhưng không phải hy sinh nhiều chất lượng ảnh. (Ảnh: Photoradar).
Nhìn bề ngoài, D5000 trông tương đối hầm hố với thiết kế sinh trắc học đặc trưng của Nikon. Khối lượng tính cả thân máy và ống kit 18-55mm f/3.5-5.6 VR là khoảng 900 gram, khá bất tiện khi muốn đem theo trong những chuyến du lịch dài ngày. D5000 không được tích hợp LCD phụ trên mặt máy như hai "ông anh" D80 và D90, có lẽ để giảm chi phí và tăng tính đơn giản cho hệ thống điều khiển. Bù lại, màn hình chính của máy lại khá rộng (2,7 inch) và có khả năng lật xoay linh hoạt. Mặc dù LCD này chỉ có độ phân giải rất khiêm tốn (270.000 điểm ảnh) nhưng hình ảnh hiển thị lại khá tươi tắn và ít bị lóa dưới ánh sáng mạnh.
Nikon D5000 hướng đến những người mới chơi DSLR. (Ảnh: Imaging Resource).
D5000 được đánh giá là một trong số những DSLR dễ sử dụng nhất trên thị trường hiện nay. Máy cho phép chuyển đổi từ giao diện truyền thống sang kiểu hiển thị đồ họa trực quan, rất phù hợp với những người mới chơi. D5000 còn tích hợp một loạt tính năng thời thượng vốn chỉ trên dòng máy ảnh compact như ngắm ảnh sống kết hợp nhận diện khuôn mặt và khung cảnh, quay phim HD 720p và hỗ trợ chỉnh sửa ảnh ngay trong máy. Trong chế độ Live view, máy chỉ cho phép lấy nét theo kiểu so sánh tương phản, do đó, tốc độ làm việc khá chậm chạp ngay cả trong điều kiện ánh sáng tốt. Tuy nhiên, nếu đã đầu tư vào một chiếc DSLR như D5000, có lẽ bạn sẽ thích cảm giác chụp hình qua khung ngắm quang hơn. Viewfinder tạo cảm giác khá rộng rãi với việc bố trí hệ thống 11 điểm lấy nét và các đường kẻ gridlines rất hợp lý. Khả năng lấy nét với các ống AF-S nhanh và chính xác tương đương "đàn anh" D90. Tốc độ chụp liên tiếp của máy cũng rất ấn tượng, khoảng 4 hình/giây, tối đa 67 ảnh JPEG hoặc 11 ảnh RAW.
Panasonic GF1 nhỏ gọn mà mạnh mẽ. (Ảnh: Imaging Resource).
Panasonic GF1 lại là một trong những chiếc máy ảnh Micro Four Third nhỏ gọn nhất trên thị trường. Khối lượng thân máy đi kèm ống kit 20mm chỉ vào khoảng 460 gram, bằng nửa Nikon D5000. Kích thước ba chiều 119 x 71 x 36,3 mm dù không nhẹ gọn như dòng ngắm - chụp đơn thuần nhưng lại khá ấn tượng với một mẫu máy ảnh thay được ống kính. Đèn flash có khoảng cách hiệu dụng 6 mét khi đặt tại ISO 100, hơi kém hơn "đàn anh" GH1 và nhiều mẫu DSLR. Máy không có khe ngắm quang nên người dùng buộc phải sử dụng viewfinder số (EVF) hoặc màn hình LCD.
Hệ thống lấy nét tự động 23 điểm TTL dựa trên cơ chế so sánh tương phản của GF1 có tốc độ khá cao, chỉ khoảng 0,3 giây trong điều kiện ánh sáng tốt. Máy cũng hỗ trợ tính năng nhận diện khuôn mặt và 17 mặc cảnh thông dụng như trên các dòng máy compact. Giao diện của GF1 rất trực quan với các biểu tượng hiển thị khá to và bắt mắt. Máy cũng cho phép quay video HD 720p định dạng nén AVCHD Lite, giúp giảm dung lượng lưu trữ đi khá nhiều. Tốc độ chụp liên tiếp của máy hơi kém hơn D5000 một chút, vào khoảng 2,93 hình/giây (không giới hạn số ảnh JPEG hoặc 7 ảnh RAW). Tuy nhiên, GF1 khởi động tương đối chậm (1,4 giây) và thời gian hồi đèn cũng rất "ì ạch" nếu đặt tại công suất phát mạnh nhất (5,8 giây).
Kích cỡ cảm biến của GF1 nhỏ hơn 40% so với D5000. (Ảnh: Wiki).
GF1 sử dụng cảm biến định dạng Four Thirds với kích thước 4/3 inch, nghĩa là nhỏ hơn 40% so với cảm biến APS-C của D5000. Hệ số nhân tiêu cự trên Nikon D5000 và Panasonic GF1 lần lượt là 1,5x và 2x. Cả hai mẫu máy có độ phân giải hiệu dụng tương đương nhau (khoảng 12 triệu điểm ảnh) nhưng tỷ lệ khung hình lại khác hẳn (4:3 với GF1 và 3:2 với D5000).
Thử nghiệm trong điều kiện ánh sáng ngoài trời. (Ảnh: Photoradar).
Thử nghiệm trong điều kiện ánh sáng ngoài trời, Nikon D5000 cho ảnh rất tươi tắn và tự nhiên, cân bằng trắng và phơi sáng chuẩn do sử dụng hệ thống đo sáng 420-pixel RGB. Trong khi đó, mẫu máy của Panasonic lại hơi đuối hơn với khả năng thể hiện dải tương phản kém linh hoạt, màu sắc nhợt nhạt ngay cả khi thiết lập mặc cảnh về chế độ Thiên nhiên (Nature Mode).
Thử nghiệm dải tương phản và khả năng đo sáng. (Ảnh: Photoradar).
Cơ chế đo sáng 144 vùng của GF1 hoạt động khá ấn tượng nếu so với nhiều mẫu máy compact nhưng vẫn thua kém nếu đặt cạnh các mẫu DSLR như D5000. Với khung cảnh có độ tương phản cao, GF1 có xu hướng phơi sáng hơi non khiến một vài chi tiết tối bị mất. D5000 cho ảnh rất nét và giàu chi tiết ngay cả khi sử dụng với ống kit 18-55mm giá rẻ. Ảnh của GF1 lại hơi mờ, có lẽ do thuật toán khử nhiễu được sử dụng hơi mạnh. Khi lưu file dưới dạng RAW, vấn đề trên sẽ được giải quyết.
Rõ ràng, nếu so sánh về chất lượng ảnh, D5000 tỏ ra trội hơn đối thủ do sản phẩm của Nikon sở hữu cảm biến lớn hơn và hệ thống đo sáng riêng biệt. Tuy nhiên, nếu tính đến kích thước và khối lượng thân máy, GF1 lại chiếm ưu thế tuyệt đối. Chất ảnh cho bởi Micro Four Thirds của Panasonic dù không thể bì kịp nhiều ''ông lớn" DSLR nhưng cũng khá ổn nếu so với đa số máy ảnh compact trên thị trường hiện nay, kể cả dòng cao cấp nhất. Do đó, việc lựa chọn giữa D5000 và GF1 phụ thuộc nhiều vào nhu cầu cũng như sở thích của người mua.