Trong bộn bề gian khó, S-Fone vẫn gồng mình tìm hướng đi cho cuộc chiến trụ hạng trên thị trường di động Việt Nam. Thế nhưng, đã có doanh nghiệp viễn thông nhòm ngó đến băng tần đẹp mà S-Fone đang nắm trong tay.
Cuối cùng, năm 2010 SK Telecom cũng đã tuyên bố rút khỏi dự án S-Fone và đặt SPT vào cảnh lặn lội đi tìm đối tác mới để chống lưng cho mạng S-Fone. SK Telecom tuyên bố rút lui khỏi hợp đồng hợp tác kinh doanh với SPT trong bối cảnh hàng loạt mạng di động ở Việt Nam và thế giới cũng tuyên bố khai tử công nghệ này. Trên thực tế, thiết bị đầu cuối là vấn đề đau đầu nhất cho các mạng CDMA ở Việt Nam bởi chủng loại ít và giá đắt nên gần như không thể xã hội hóa việc bán máy cho khách hàng.
Sau đó, SaigonTel đã mua cổ phần của SPT và tham gia HĐQT của công ty, đồng thời có nhiệm vụ tìm kiếm đối tác cả trong và ngoài nước để đầu tư vào mạng S-Fone. Thế nhưng, SaigonTel không đủ sức lấp khoảng trống sau khi SK Telecom rút lui khỏi dự án S-Fone. Không thể phủ nhận trong bức tranh kinh tế chung của Việt Nam, SaigonTel là một “đại gia”. Nhưng trong viễn thông thì thương hiệu này lại “không có tuổi”.
Trong bối cảnh đó, S-Fone đã “lặn lội thân cò” đi tìm đối tác đầu tư. Sau khoảng thời gian không hề ngắn, nhưng những thông tin về đối tác nào sẽ đầu tư vào mạng S-Fone xem ra vẫn là câu chuyện khi “trà dư tửu hậu” mà không có một bản hợp tác chính thức được công bố. Khó khăn chồng lên khó khăn vẫn là tình cảnh của S-Fone hiện nay.
Hiện S-Fone vẫn miệt mài tìm đường đi cho cuộc chiến trụ hạng trên thị trường di động. Đầu năm 2012, SPT đã xác lập một kế hoạch mang tính cách mạng là “thay máu” công nghệ cho mạng S-Fone. Theo đó, SPT sẽ khai tử công nghệ CDMA để chuyển sang công nghệ HSPA (3G) với băng tần 850 MHz. Tuy nhiên, cuộc thay máu công nghệ sẽ vô cùng tốn kém bởi S-Fone phải thay thế gần như toàn bộ mạng vô tuyến và chỉ tận dụng được một số bộ phận cơ bản như truyền dẫn, nhà trạm…
Ngoài việc đầu tư mạng 3G mới, S-Fone còn phải thay máy điện thoại cho khách hàng. Giới chuyên môn nhận định đây là cuộc chơi tiêu tốn tới vài trăm triệu USD và nhanh nhất phải đến năm 2013, S-Fone mới giải quyết xong vấn đề này. Và như vậy, cần có một đối tác hùng mạnh về tài chính để bơm tiền vực dậy mạng S-Fone. Nhưng ngặt nỗi, thị trường di động Việt Nam quá khắc nghiệt. Những tham vọng kiếm tiền từ thị trường Việt Nam nhiều tiềm năng đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều đại đại gia viễn thông hàng đầu thế giới. Vimpelcom đã phải “bỏ của chạy lấy người” khi buộc phải cắn răng bán rẻ cổ phần trong mạng Beeline Việt Nam chỉ lấy có 45 triệu USD. Hutchison và đối tác Hanoi Telecom vận hành mạng Vietnamobile trong nhiều nỗi lo nơm nớp.
Trao đổi với Báo Bưu điện Việt Nam ngày 14/7/2012, đại diện truyền thông của S-Fone dè dặt thông tin rằng S-Fone vẫn đang trong quá trình đàm phán để tìm đối tác. Trong khi giới chuyên môn biết tỏng rằng câu chuyện này quá khó cho S-Fone.
Lãnh đạo một tập đoàn viễn thông lớn của Việt Nam than phiền về khoản nợ cước kết nối mà S-Fone gần như không có khả năng chi trả. “Chúng tôi đã cắt bớt số kênh kết nối theo hợp đồng với mạng S-Fone, nhưng cũng chẳng thấy mạng này phản ứng gì”, vị lãnh đạo này nói.
Một nguồn tin cho Báo Bưu điện Việt Nam hay là đã có doanh nghiệp viễn thông đang “nhòm ngó” băng tần mà S-Fone đang có. Cõ lẽ doanh nghiệp này đã tiên liệu trước điều gì đó. Viễn thông vốn dĩ là lĩnh vực của nhiều toan tính. Giới chuyên môn thừa nhận, băng tần của S-Fone được cấp thuộc loại tốt nhất hiện nay và nó sẽ tạo lợi thế cho nhà mạng nào sở hữu nó.