Học cách thích nghi với điều kiện mới, xem khủng hoảng là cơ hội để kiện toàn lại bộ máy là biện pháp mà các doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam đang thực hiện để lèo lái con thuyền của mình vượt qua khó khăn.
Có thể nói, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, không khí lạc quan đã tràn vào các doanh nghiệp CNTT theo làn sóng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này. Việc chú trọng hơn đến việc đầu tư công nghệ của các doanh nghiệp, hàng loạt các lĩnh vực mới phát triển đã giúp ngành CNTT khởi sắc hơn. Nhưng rồi, nền kinh tế toàn cầu bước vào giai đoạn trì trệ khiến thị trường bị thu hẹp, sức mua giảm, các dự án bị đình trệ, các doanh nghiệp tại Việt Nam bắt đầu thực thi biện pháp “thắt lưng buộc bụng” để đối phó với khó khăn trong một thời gian dài.
Gian nan thử sức anh hùng
Ông Ngô Vi Đồng, Tổng giám đốc Công ty HPT, cho biết thời điểm tình hình kinh tế trì trệ và có những biến động toàn cầu chính là lúc mà ban lãnh đạo và cả doanh nghiệp ông phải hiệp sức để đương đầu trực tiếp với khó khăn. “Theo tôi, việc cập nhật, phân tích và chia sẻ thông tin để mở rộng tầm nhìn trở nên rất cấp thiết vì nó sẽ giúp doanh nghiệp tìm ra được giải pháp phù hợp để đối phó với các biến động thường xuyên và liên tục.”
Trong khi đó, theo ông Hoàng Minh Châu, Phó tổng giám đốc Công ty FPT, việc quan trọng trong điều kiện khó khăn hiện nay là doanh nghiệp phải nỗ lực để bảo vệ các “tài sản” vô giá của mình như khách hàng, đối tác và những cán bộ quản lý nòng cốt. “Tình hình khó khăn đòi hỏi chúng tôi luôn phải cập nhật thông tin về những biến đổi của thị trường để phản ứng nhanh, kịp thời ; trong lúc vượt khủng hoảng thì đồng thời phải chuẩn bị cho sự phát triển ở thời kỳ sau khủng hoảng,” ông Châu nói.
Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng dịch vụ CNTT là sự suy giảm của thị trường. Nhiều dự án CNTT bị đình trệ. Các doanh nghiệp CNTT thuộc khối Nhà nước chưa kịp hồi phục sau thất bại của Đề án 112 đã vấp phải khủng hoảng, nên gần như co cụm lại. Vài năm gần đây, lĩnh vực chứng khoán phát triển mạnh đã trở thành khối khách hàng lớn của các doanh nghiệp CNTT. Nay thị trường chứng khoán xuống dốc, kéo theo việc giảm thiểu đầu tư, tác động nhanh chóng đến các nhà cung cấp. Hoạt động nhập khẩu sản phẩm-dịch vụ công nghệ tiếp diễn trong điều kiện đồng tiền khan hiếm, việc vay vốn ngân hàng rất nhiêu khê, khiến doanh nghiệp vô cùng khó khăn.
Theo ông Châu, trong bối cảnh này, các kế hoạch và chính sách của mỗi doanh nghiệp buộc phải thay đổi, trong đó mục tiêu “trụ hạng” đã được FPT đặt lên trên mục tiêu tăng trưởng. Những giải pháp đưa ra nhằm củng cố doanh nghiệp là rà soát lại các kế hoạch kinh doanh, hạn chế hoặc tạm dừng các dự án đầu tư dài hạn đồng thời cắt bỏ những khoản chi tiêu không thực sự cần thiết. Trong số những nội dung chi tiêu thực sự cần thiết cũng phải cắt giảm 20%. Để tránh các rủi ro lớn về tài chính, FPT cũng phải xem xét lại toàn bộ hoạt động và giảm các chỉ tiêu kinh doanh.
Ông Trần Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Sao Bắc Đẩu, cho biết thêm nếu trước đây việc ký kết các hợp đồng là dễ dàng thì hiện nay phải lựa chọn dự án, không tập trung đẩy mạnh doanh số mà chú trọng vào hiệu quả, phải lựa chọn phương thức đàm phán với khách hàng sao cho có hiệu quả nhất. Bản thân doanh nghiệp phải cải tiến quy trình, xem xét các dự án chặt chẽ hơn, việc triển khai đặt ra nhanh hơn và tìm mọi biện pháp để thu hồi công nợ một cách nhanh nhất. Ông Tuấn cho rằng tình hình khó khăn không thể kết thúc trước năm 2009, vì thế việc điều hành doanh nghiệp phải rất thận trọng. “Trước khi tình hình ổn định thì hiện tại doanh nghiệp phải kiện toàn bộ máy để vượt khó. Bài toán đặt ra cho chúng tôi là tìm biện pháp để tăng năng suất, tăng các cơ hội và tối ưu hóa quy trình quản lý,” ông Tuấn nói.
Học cách “sống chung với lũ”
Dường như trong điều kiện khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp mới nhận ra rằng lâu nay mình đã quá “phung phí” nguồn nhân lực cũng như tiền bạc. Việc tinh giản nhân sự cũng được đề ra song song với việc thu nhỏ quy mô kinh doanh. Ở FPT, ngoài hai công ty thành viên FPT Telecom và FPT Software vẫn giữ nguyên kế hoạch tăng trưởng và tuyển dụng nhân sự, các bộ phận khác đều được cấu trúc lại cho phù hợp với tình hình mới. Trong sáu tháng đầu năm, FPT đã áp dụng kế hoạch sắp xếp lại việc làm cho khoảng 1.000 nhân viên. Hơn 260 người đã phải ra đi do một số bộ phận phải thu nhỏ quy mô kinh doanh, nhiều nhân sự ở các bộ phận được hoán chuyển và những người không đáp ứng được các yêu cầu mới thì buộc phải cho thôi việc.
Ông Châu thừa nhận, vì thị trường trong nhiều năm qua liên tục thuận lợi nên FPT đã không thường xuyên rà soát chất lượng nhân sự. Nay gặp khó khăn mới có “cơ hội” đánh giá lại cán bộ, loại bỏ những nhân viên vô kỷ luật, thiếu trách nhiệm hoặc làm việc không có hiệu quả... Theo tiên lượng của FPT thì tình hình sẽ sớm kết thúc, nhưng họ vẫn đang chuẩn bị tinh thần cho khả năng khó khăn sẽ kéo dài đến 2-3 năm nữa. “Mỗi doanh nghiệp phải chủ động giải quyết các khó khăn của mình một cách sáng tạo. Và việc phải tồn tại là mục tiêu quan trọng nhất của doanh nghiệp trong thời kỳ khủng hoảng,” ông Châu nói.
Ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch TMA Solutions, một công ty chuyên về gia công phần mềm, cho biết lĩnh vực này trong thời gian qua không gặp phải khó khăn nào liên quan đến vấn đề biến động tỷ giá. Tuy nhiên, lạm phát đã tạo áp lực lên việc bảo toàn nguồn nhân lực. Đầu quý 2 vừa qua, TMA đã điều chỉnh mức lương cùng với các chính sách khác để giữ người. Tuy nhiên, hiện tình hình đang xấu đi, công ty phải tính toán cho việc tăng lương lần thứ hai trong năm vào tháng Mười tới. Trong khi đó, các hợp đồng cũ khó mà có thể thuyết phục được khách hàng tăng giá vì tất cả đều chịu ảnh hưởng chung của sự suy thoái kinh tế toàn cầu. Ông Lệ cho biết, TMA đã phải tiết giảm nhiều khoản chi phí và tránh tối đa việc sa thải nhân viên. Nếu như trước đây, ở TMA thường “nuôi” một lực lượng nhân sự “nhàn rỗi”, chiếm khoảng 10-15% tổng số nhân sự, để sẵn sàng cho những dự án mới, thì hiện nay tỷ lệ này đã giảm xuống còn khoảng 5%, đồng thời công ty phải tính toán để cân bằng nhân sự theo từng đề án sao cho có hiệu quả nhất.
Vấn đề đầu tiên của HPT, theo ông Ngô Vi Đồng, là tìm biện pháp tăng năng suất trước khi các vấn đề tiêu cực xảy ra. Thay vì tuyển nhân sự mới khi thiếu người như trước đây, nay các bộ phận phải “gồng gánh” cho nhau. Cắt giảm các khâu yếu kém, các khoản đầu tư không cần thiết và ngay cả các dự án đang triển khai nhưng xét thấy mức độ khả thi không cao thì cũng dừng lại để giảm thiểu sự rủi ro. Theo ông Đồng, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn như vậy là do giá cả tăng, lãi suất ngân hàng tăng, các chi phí phát sinh đều tăng làm cho nhiều kế hoạch bị phá vỡ. Vấn đề điều chỉnh tiền lương cũng được đặt ra là làm sao để thu nhập của nhân viên tăng lên nhưng quỹ lương vẫn không thay đổi. Vì thế biện pháp ưu tiên nhất vẫn là tinh giản nhân lực, tăng năng suất để cùng nhau vượt khó. “Khi thị trường suy giảm, doanh nghiệp buộc phải học cách sống chung với lũ,” ông Đồng ví von.
Tín hiệu lạc quan
Tuy phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, các doanh nghiệp CNTT đều có chung một nhận định cho rằng lĩnh vực CNTT là lĩnh vực chịu tác động của tình hình khủng hoảng ít hơn nhiều ngành nghề khác. Theo ông Trần Anh Tuấn, nhìn dưới góc độ chung thì đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ trở nên năng động và chuyên nghiệp hơn trong việc tuyển dụng nhân sự cho sự phát triển. Sao Bắc Đẩu cũng nhân thời điểm này để tăng cường đội ngũ nhân sự, tuyển dụng những nhân viên, cán bộ quản lý có năng lực nhằm chuẩn bị cho bước “hậu khủng hoảng”.
Thực tế cho thấy, trong khi nhiều dự án CNTT bị đình trệ thì ở một khu vực khác, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã quan tâm hơn đến việc ứng dụng CNTT. Tại Việt Nam, hãng SAP trong 18 tháng qua đã nhanh chóng đạt được con số khách hàng triển khai hệ thống phần mềm quản lý lên 72 và mức tăng trưởng khách hàng này được xem là rất khả quan trong tình hình kinh tế hiện nay. Trong khi nhiều doanh nghiệp lớn gặp khó khăn buộc phải trì hoãn việc triển khai các dự án ERP quy mô lớn, thì ngay thời điểm này, nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa bắt đầu tìm đến CNTT như là một biện pháp hỗ trợ cho việc tái cấu trúc công ty. Nhu cầu của khu vực này đã kéo theo sự tăng cường tuyển dụng nhân sự về tư vấn triển khai phần mềm quản trị trong doanh nghiệp ở các công ty như Global CyberSoft, CMC... Dù chưa thể làm nên sức bật của thị trường nhưng đây là một trong một số ít tín hiệu giúp các doanh nghiệp trong ngành lạc quan hơn trong toàn cảnh nền kinh tế hiện nay.
Doanh nghiệp CNTT: Làm gì để vượt qua khủng hoảng?
555
Bạn nên đọc
-
OpenDNS là gì, những ưu điểm, nhược điểm của OpenDNS
-
Microsoft ngừng hỗ trợ DRM cũ trên Windows Media Player, Windows 7/8, Silverlight
-
Shazam kỷ niệm cột mốc bài hát thứ 100 tỷ được nhận dạng cùng nhiều kỷ lục ấn tượng khác
-
Crucial ra mắt mẫu SSD Gen4 NVMe mới giúp Windows khởi động nhanh hơn Samsung, WD
-
5 cách khởi chạy nhanh chương trình trên Windows
-
Age of Empires Mobile chốt thời điểm ra mắt chính thức trên iOS và Android
0 Bình luận
Sắp xếp theo
Xóa Đăng nhập để Gửi
Cũ vẫn chất
-
12 mẫu điện thoại có tốc độ 5G nhanh nhất hiện nay
Hôm qua -
Cách tải, cài đặt và cập nhật driver microphone Win 10
Hôm qua -
Cách thêm điểm dừng tab trong Google Docs
Hôm qua -
Hướng dẫn đặt xe trên Be, gọi xe ôm trên ứng dụng Be
Hôm qua -
Những điều bạn không nên chia sẻ trên mạng xã hội
Hôm qua -
Lời chúc Valentine ngọt ngào cho người yêu ở xa
Hôm qua -
Hướng dẫn chỉnh sửa địa điểm trên Google Maps
Hôm qua -
Hướng dẫn viết hoa trên Google Docs các kiểu
Hôm qua -
Cách di chuyển bảng trong Word
Hôm qua -
Cách tự động chỉnh kích thước bảng Word
Hôm qua