Các thiết bị truyền thông di động được dân làm báo ưa thích đều phải đảm bảo được các yếu tố: Nhỏ gọn, hoạt động bền bỉ trong điều kiện di chuyển liên tục qua nhiều môi trường khác nhau.
Cho đến nay, đồ nghề truyền thống của nghề báo còn sót lại trong hành trang phóng viên chỉ là cuốn sổ nhỏ và cây bút. Thiết bị số đã trở thành người phụ tá tích cực trong hoạt động tác nghiệp báo chí, giảm đáng kể công sức cho phóng viên và tăng tính thời sự cho tin tức.
Kỹ năng vận dụng thiết bị công nghệ cao đã trở thành lợi thế của từng phóng viên. Nhưng rất ít sản phẩm có dòng dành riêng dành cho dân báo chí. Chúng được giới truyền thông lựa chọn từ nhóm sản phẩm thông thường vì tính năng vượt trội phù hợp với nghề báo.
Thiết bị số trong hành trang phóng viên hiện đại.
1. Laptop
Hình ảnh ngòi bút gắn với nghề báo chỉ còn mang tính biểu tượng bởi hầu hết bản thảo đều được thực hiện trên PC. Đối với báo in, các công đoạn tìm tư liệu, viết bài, biên tập, dàn trang, xử lý ảnh... đều thực hiện trên hệ thống máy tính. Chiếc laptop không phải là vật dụng "bắt buộc phải có" nhưng không thể thiếu khi phóng viên tác nghiệp xa toà soạn.
Laptop Thinkpad T series được giới phóng viên ưa chuộng vì cân bằng các yếu tố trọng lượng, kích thước và tính năng |
Máy tính xách tay phải tương thích rộng với những kết nối cơ bản như Enthernet, WiFi để kết nối Internet, Bluetooth để giao tiếp với thiết bị số trợ giúp cá nhân (PDA) và điện thoại di động, kết nối IEEE 1394 để tải hình ảnh từ máy quay phim, ... Tiếp theo đó là những tiêu chí về trọng lượng, kích thước, độ bền bỉ khi vận hành, tính bảo mật và khả năng hỗ trợ nhiều thiết bị ngoại vi như DVD/CD, đầu đọc thẻ nhớ, ...
Laptop IBM dòng T được dân làm báo ưa chuộng vì cân bằng được hầu hết các yếu tố nêu trên. Trọng lượng khoảng 2 kg không phải nhẹ nhất nhưng laptop T series đầy đủ các kết nối cần thiết, có nhiều tuỳ chọn pin dung lượng cao. Đặc biệt, ổ quang trong khe Ultra Bay của IBM có thể tháo ra và bổ sung vào đó một pin thứ cấp cung cấp nguồn điện cho máy hoạt động thêm 2 giờ so với các loại pin thông thường. Hệ thống chống sốc dừng đầu đọc ổ cứng khi có chấn động là cải tiến giúp máy tính IBM ít gặp trục trặc khi di chuyển hơn so với các loại máy khác.
Lựa chọn nữa của giới phóng viên là máy tính Mac Book và Mac Book Pro của Apple. Dòng máy này chạy riêng hệ điều hành MacOS nên ít bị ảnh hưởng bởi sự phá hoại bởi phần mềm có hại như virus, trojan như Windows. Thêm vào đó, MacBook có khả năng đồ hoạ cao, tương thích với nhiều thiết bị multimedia và hoạt động bền bỉ. Tuy nhiên, dòng máy này ít phổ biến tại Việt Nam nên tìm kiếm phần mềm và trao đổi thông tin có phần hạn chế.
2. Máy ảnh số
Máy ảnh phim đã nhường hẳn vị trí của mình cho máy số trong lĩnh vực báo chí. Đây là loại thiết bị có sự khác biệt lớn nhất so với các sản phẩm thông thường. Máy compact dạng ngắm - chụp chỉ xuất hiện trong những buổi họp báo thông thường. Vật bất ly thân của dân chuyên nghiệp là những máy D-SLR kềnh càng với ống kính lớn. Khi tác nghiệp, phóng viên ảnh chuyên nghiệp có thể mang tới 2-3 chiếc máy. Một chiếc gắn ống kính tiêu cự dài (tele zoom) để "bắn" từ xa, một chiếc gắn ống tiêu cự ngắn hoặc tầm trung để chụp khi nhân vật tới gần.
"Hàng khủng" của dân nhiếp ảnh chuyên nghiệp |
Các hãng sản xuất có dòng sản phẩm riêng cho những người làm báo nhằm phục vụ tối đa nhu cầu hình ảnh của họ. Hãng Canon đánh dấu dòng ống kính cao cấp của họ bằng ký hiệu L (viết tắt của chữ "Luxury") và vòng tròn màu đỏ trên đầu ống kính. Những ống kính này thường có độ mở lên đến 2.8, tốc độ căn nét nhanh, lớp hoá chất phủ kính đặc biệt để đảm bảo màu sắc và kết cấu đặc biệt chống lại bụi, ẩm mốc trong những môi trường khác nhau. Tất nhiên, giá bán của loại ống này cũng lên tới hàng nghìn USD trong khi dòng ống kính thường chỉ vài trăm USD.
Để đảm bảo chất lượng hình ảnh, những ống kính chuyên nghiệp có tỉ lệ zoom (tỉ lệ giữa tiêu cự dài nhất và ngắn nhất) không quá 3x. Nhà sản xuất chia sản phẩm của mình thành nhiều loại: dòng góc rộng (wide zoom) có tiêu cự từ 11 - 22mm, tầm trung từ 24 - 70 mm, các ống tầm xa (tele zoom) từ 70 - 200mm. Các ống 1 tiêu cự (ống fix) được đánh giá mang lại hình ảnh đẹp hơn so với ống có tiêu cự thay đổi (ống zoom) nhưng không linh hoạt bằng nên ít được anh em phóng viên trang bị khi tác nghiệp.
Đi kèm theo máy ảnh, ống kính là hàng đống phụ kiện khác: thẻ nhớ dự phòng, đầu đọc thẻ nhớ, đèn flash, hộp lưu trữ ảnh cấp tốc, cáp dữ liệu cao tốc với máy tính...
3. Điện thoai di động
Vật dụng này cũng là một trong những thứ không thể thiếu của phóng viên. Khó có thể kiếm được một chiếc "dế" cân bằng đủ các yêu cầu của phóng viên nên họ thường dùng 2 chiếc để bổ sung cho nhau. Một chiếc chỉ có tính năng cơ bản gọi - nghe, nhỏ gọn nhưng phải có sóng khoẻ và thời gian dùng pin lâu.
Trong những chuyến đi dài ngày, thời gian dùng pin là yếu tố quan trọng để giữ liên lạc với các đầu mối và toà soạn. Chiếc Nokia 3120 được ưa chuộng vì ngoài những tính năng trên nó còn có lợi thế đặc biệt: Điện thoại Nokia được bán phổ biến ở Việt Nam và lỡ có quên sạc pin thì khả năng có thể sạc nhờ cao hơn.
Chiếc thứ hai có thường có tính năng PDA, có tính năng truyền thông, lưu trữ và kết nối. Chiếc điện thoại này có thể thay thế laptop trong một số trường hợp như kết nối Internet để tải e-mail, duyệt nhanh những tin tức nóng, lưu trữ danh bạ đầy đủ thông tin, ghi chép cá nhân, kiểm tra lịch làm việc,... Hầu hết chúng đều có kết nối quan trọng GPRS, 3G, WiFi, Bluetooth và đồng bộ hoá (sync) dữ liệu với máy tính. Một số có tính năng ghi âm không giới hạn thời gian và được sử dụng là máy ghi âm chính của phóng viên.
4. Máy ghi âm số
Máy ghi âm KTS chuyên nghiệp của phóng viên |
Máy ghi âm chuyên dụng cho nhà báo không có sự khác biệt nào về thời lượng ghi so với máy nghe nhạc MP3 nhưng chúng được trang bị micro độ nhạy tốt hơn, thậm chí cả khả năng định hướng. Trên máy có nhiều tuỳ chọn về chế độ hoạt động như phòng họp, phỏng vấn, đám đông,... để cho chất lượng âm thanh tốt nhất.
Một điểm nổi bật khác của các máy ghi âm số là người nghe nội dung ghi âm có thể di chuyển ngay tới đoạn nội dung âm thanh cần nghe giống như với một file nhạc MP3, không cần phải tua đi tua về như băng từ truyền thống trước đây.
5. Các "phụ tùng" khác
Những phóng viên chiến trường khi tác nghiệp còn được trang bị những bộ kết nối băng rộng qua vệ tinh. Mỗi đầu thu này có giá từ 2.000 - 5.000 USD. Người dùng chỉ cần hướng thiết bị này lên trời, thực hiện thao tác trên máy tính là có thể kết nối Internet với tốc độ từ 512 Kbps sau 2 phút, bất kể địa hình là đồi núi, hoang mạc hay rừng sâu. Thiết bị đắt tiền này chỉ được trang bị cho những phóng viên đặc biệt của hãng tin lớn như Reuters, AP, AFP,... khi tác nghiệp những vụ đặc biệt "nóng".
Theo ý kiến của hầu hết người làm báo, công nghệ số đã làm một cuộc cách mạng trong lĩnh vực truyền thông. Tuy nhiên, những thiết bị hiện đại đó vẫn chỉ là công cụ. Yếu tố không thể thay thế quyết định chất lượng sản phẩm báo chí vẫn chính là phẩm chất và năng lực của người phóng viên.
Hưng Hải