Mặc dù thừa nhận tính cách mạng cũng như lợi ích của việc ứng dụng công nghệ điện toán đám mây song các chuyên gia CNTT lại nhận định sẽ cần nhiều thời gian hơn nữa để công nghệ điện toán đám mây được ứng dụng rộng rãi tại VN.
Một nguyên nhân cơ bản là thiếu hành lang pháp lý để bảo vệ quyền lợi của người sử dụng.
Nhiều lợi ích
Công nghệ điện toán đám mây (Cloud computing), còn gọi là điện toán máy chủ ảo, là mô hình điện toán sử dụng các công nghệ máy tính và phát triển dựa vào mạng Internet. TS.Mai Anh, nguyên GĐ Trung tâm Tin học của Bộ KH-CN, Phó chủ tịch Câu lạc bộ CEO & CIO VN lý giải: “Điện toán đám mây là công nghệ mới dựa trên nền tảng tất cả hạ tầng CNTT đều trở thành dịch vụ và mọi hoạt động trên hạ tầng đó cũng trở thành dịch vụ. Nó tạo ra phương thức cung cấp dịch vụ mới trong lĩnh vực CNTT, đó là dịch vụ trọn gói. Điều này hoàn toàn khác với dịch vụ CNTT truyền thống.
Bởi lẽ, điện toán đám mây cung cấp dịch vụ theo yêu cầu, người dùng có thể thuê 1 dịch vụ lớn hay nhỏ theo thời gian bất kỳ. Toàn bộ dịch vụ và công cụ thực hiện được quản lý bởi nhà cung cấp, người dùng không cần hiểu biết nhiều về CNTT, cũng không cần đầu tư về hạ tầng, phần mềm, thiết bị và nhất là máy chủ, họ chỉ cần có 1 máy tính cá nhân và khả năng truy nhập Internet. Như vậy, các DN dùng dịch vụ này sẽ giảm chi phí đầu tư, khắc phục được khó khăn do thiếu nguồn nhân lực tay nghề cao. Hơn thế, họ còn được hưởng các dịch vụ “nhà nghề” của những DN “nhà nghề” cung cấp”.
Đồng quan điểm của TS.Mai Anh, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT (Bộ TT&TT) Nguyễn Thành Phúc nhấn mạnh, ứng dụng điện toán đám mây sẽ mang đến cơ hội cho các DN nhỏ. Bởi mỗi DN tham gia thị trường cung cấp dịch vụ trên mạng nếu phải triển khai hệ thống CNTT từ đầu thì rất khó khăn. Nhưng nhờ có điện toán đám mây, các DN rất nhỏ cũng có thể tham gia ngay vào việc cung cấp dịch vụ của mình trên mạng.
Bên cạnh đó, sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây còn mang lại cho người sử dụng khả năng phòng chống sự cố rất lớn. Ông Phúc giải thích: “Thay vì DN lưu trữ dữ liệu tại trung tâm dữ liệu riêng và khi sự cố xảy ra thì DN phải đối mặt với nguy cơ mất dữ liệu; còn nếu sử dụng điện toán đám mây, DN có thể lưu trữ dữ liệu ở những trung tâm dữ liệu chuyên biệt hơn, nhờ đó cho phép khắc phục sự cố tốt hơn rất nhiều”.
Doanh nghiệp Việt có nên ứng dụng điện toán đám mây?
Mặc dù thừa nhận điện toán đám mây công nghệ có tính chất cách mạng, là xu thế phát triển trong tương lai; tuy nhiên các chuyên gia CNTT đều nhận định, công nghệ điện toán đám mây không thể “một sớm một chiều” đi vào cuộc sống. Đặc biệt, tại VN vẫn còn rất nhiều rào cản, vướng mắc khiến cho đa số DN e ngại sử dụng các dịch vụ đám mây.
GĐ Trung tâm Chứng thực Chữ ký số Quốc gia Đào Đình Khả nhận định: “Nếu như mô hình điện toán đám mây ngày càng được ưa chuộng thì vấn đề bảo mật chính là rào cản lớn nhất. Với những rủi ro như không quản lý được môi trường tác nghiệp, tính không rõ ràng về các ứng dụng… việc triển khai mô hình ứng dụng điện toán đám mây đòi hỏi phải có những chính sách bảo mật tương ứng và tương thích với chính sách bảo mật của người dùng, cũng như đảm bảo tính xác thực của cả nhà cung cấp và người truy cập”. Cũng theo ông Khả, điện toán đám mây là dịch vụ CNTT đặc thù nên cần có các sở cứ, quy định pháp lý nhằm bảo vệ người dùng, phát triển thị trường dịch vụ.
Trả lời câu hỏi liệu các DN VN có nên ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, ông Mai Anh cho rằng: “DN cần tìm đến các đơn vị tư vấn giải pháp CNTT để có được những lời khuyên hữu ích nhằm xác định được những bước đi, cách làm của đơn vị một cách hợp lý, phù hợp với đặc điểm của mình”.
Ông Mai Anh cũng cho hay, một trở ngại lớn dẫn đến tình trạng công nghệ điện toán đám mây khó được ứng dụng rộng rãi tại nước ta chính là thói quen của người dân VN luôn lo sợ lộ thông tin, dữ liệu bí mật. Mặt khác, có thể sẽ có những nhà cung cấp dịch vụ làm “ẩu”, sử dụng dịch vụ của mình để thực hiện những mục tiêu xấu. Thế nhưng, hiện nay VN vẫn thiếu các cơ sở pháp lý để bảo đảm an ninh an toàn cho người thuê dịch vụ điện toán đám mây, bảo vệ quyền lợi cho người sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây.
Từ góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục CNTT (Bộ TT&TT) cho rằng, vấn đề cơ bản là “Liệu đã đến lúc để Chính phủ khuyến khích sử dụng các dịch vụ đám mây hay chưa? Liệu vấn đề an toàn bảo mật thông tin, dữ liệu của người dùng đã được giải quyết triệt để chưa?”.
Theo ông Phúc, ngay cả đến thời điểm cần khuyến khích ứng dụng các dịch vụ đám mây, Chính phủ vẫn phải làm 2 việc: phát triển môi trường thúc đẩy các dịch vụ, ứng dụng đám mây; đồng thời tiên phong thử nghiệm sử dụng dịch vụ đám mây. Mặt khác, Chính phủ cần có quy định, chế tài về trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ đám mây nhằm bảo vệ quyền lợi của người dùng; Tham gia các hiệp định quốc tế hoặc thỏa thuận song phương để đảm bảo quyền lợi người sử dụng VN khi thông tin cá nhân hoặc DN, quyền sở hữu trí tuệ của họ được lưu trữ ở nước ngoài.