Điện thoại di động Nhật 'trông cậy' Android

Không còn chỉ chú trọng đến phần cứng, các hãng điện thoại của Nhật Bản đang “cậy nhờ” hệ điều hành di động Android để vươn ra thị trường nước ngoài.

Điện thoại di động Nhật 'trông cậy' Android

ĐTDĐ Nhật Bản là giấc mơ của những người yêu công nghệ. “Dế” vừa là thẻ tín dụng, vừa có thể xem TV. Thậm chí, một số còn có khả năng sạc năng lượng mặt trời. Song dù đã có tất cả những sáng tạo này, sản phẩm Nhật Bản vẫn ít tác động đến thị trường nước ngoài. Chúng chỉ chiếm một phần nhỏ trong thị trường ĐTDĐ toàn cầu do những hãng như Apple, Research In Motion và Samsung thống lĩnh.

Giờ đây ngành công nghiệp điện thoại Nhật Bản đã có hy vọng để ra toàn cầu – bằng cách ứng dụng hệ điều hành di động đang “hot” Android của Google. Ban đầu, Android bị iPhone lấn lướt, nhưng hiện nay số người dùng Android đang tăng trưởng mạnh. Theo hãng nghiên cứu Gartner, năm 2010, doanh số toàn cầu của điện thoại Android đạt 67,2 triệu, cao hơn mức 46 triệu của iPhone.

Hiện nay, ngành công nghiệp điện thoại của Nhật Bản hầu như chưa có công ty nào đủ lớn, hoặc đủ sáng tạo, hiểu biết để “dấn thân” ra nước ngoài. Thay vào đó, các nhà sản xuất lâu nay vẫn bằng lòng phục vụ 3 mạng di động lớn nhất của Nhật, với một thị trường khoảng hơn 100 triệu người dùng.

Chúng tôi đã có công nghệ để cạnh tranh tại Mỹ”, Naoki Shiraishi, phụ trách phát triển phần mềm của một dòng smartphone Android mới của Sharp – nhà sản xuất ĐTDĐ lớn nhất Nhật Bản, nói. Sony Ericsson, NEC và Kyocera là những hãng ĐTDĐ Nhật khác đang đặt cược lên Android.

Đối với các nhà sản xuất điện thoại Nhật Bản, đầu tư vào Android nghĩa là họ sẽ phải học thêm một số kỹ năng mới, như marketing, trong khi phải từ bỏ một số thói quen cũ, như tập trung quá nhiều vào phần cứng mà lơ là phần mềm. Nhấn mạnh vào phần cứng, ĐTDĐ của các nhà sản xuất Nhật không tập trung vào việc tải các ứng dụng của bên thứ ba. Điều đó khiến họ dường như nằm ngoài xu hướng của thế giới - đó là những thiết bị như iPhone, chạy phần mềm như một chiếc máy tính và để người dùng tải ứng dụng của các nhà phát triển độc lập.

Chính thành công của iPhone tại Nhật – cùng với hàng trăm ngàn ứng dụng trên App Store – đã khiến các nhà sản xuất ĐTDĐ Nhật “mở mắt”. Hiện nay, các nhà sản xuất Nhật đang chạy đua giới thiệu các thiết bị Android. Đó là Sony Ericsson với nền smartphone Xperia. Hãng NEC giới thiệu chiếc smartphone theo lời của hãng là mỏng nhất thế giới. Medias N-04C dày 8 millimeter chạy Android, có chức năng ví điện tử, xem truyền hình số mặt đất và camera 5 “chấm”. Kyocera cũng là một nhà sản xuất khác của Nhật đang dự định thâm nhập thị trường Mỹ khi đưa ra smartphone Android 2 màn hình, có thể chạy các ứng dụng tách biệt cùng lúc.

Sharp lên kế hoạch bắt đầu với thị trường Trung Quốc, dù các quan chức Sharp cho biết họ sẽ không bỏ qua Bắc Mỹ. Hầu hết các nhà mạng toàn cầu đang chuẩn bị ứng dụng mạng lưới tiên tiến LTE, và như thế sẽ dễ dàng hơn cho các mẫu máy Nhật Bản.

Hiện nay Sharp đã mời các nhà phát triển bên ngoài đến phòng thí nghiệm của hãng để thử nghiệm các mẫu máy mới và phát triển ứng dụng. Đây là một việc làm rất hiếm của một nhà sản xuất Nhật Bản. Cuối năm ngoái, Sharp đã chủ trì hai chương trình khuyến khích thêm nhiều nhà phát triển sáng tạo ra các ứng dụng được tùy biến cho smartphone của Sharp.

Trong khi đó, chính Google cũng thúc giục các nhà sản xuất điện thoại sử dụng Android. Mặc dù Google không lấy “hoa hồng” từ bất kỳ chiếc máy Android nào được bán ra, song hãng lại “ăn” tới 30% số tiền của các ứng dụng bán trên Android Market.

Tuy nhiên, nếu Android giúp họ lên kế hoạch ra nước ngoài, thì chính thị trường trong nước của họ cũng sẽ đón nhận các hãng cạnh tranh ngoại nhập. Samsung đã “dọn đường” vào Nhật Bản với chiếc smartphone Galaxy chạy Android.

Không ít ý kiến cũng cho rằng Android mang lại cho các hãng Nhật Bản cơ hội, song nó cũng đặt họ vào một vị trí chẳng mấy thích thú. Đó là biến họ thành một trong những chiến binh trong đội quân của Google, trong đó Google là vua.

Thứ Hai, 07/03/2011 11:46
31 👨 368
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp