Thiết kế khô cứng, cấu hình yếu và đặc biệt là sự cũ kỹ của hệ điều hành Symbian… là những lý do khiến smartphone cao cấp của Nokia không còn được người dùng mặn mà so với các sản phẩm của các hãng khác.
Hai smartphone cao cấp của Nokia gây chú ý được người dùng Việt Nam trong thời gian gần đây là N8 và E7 hiện không được nhiều người dùng Việt “mặn mà”. Nguyên nhân chính do sự chậm đổi mới của hãng điện thoại khổng lồ này.
Thiết kế khô cứng
Có vẻ như khả năng sáng tạo trong thiết kế smartphone của Nokia là có hạn, khi họ thiết kế 2 mẫu N8 và E7 rất khô cứng. Thực tế mà nói, nhìn vào 2 sản phẩm này người dùng sẽ nghĩ là cùng một khuôn mẫu bởi cả hai đều có dạng thanh nhìn chắc chắn nhưng lại rất mau lỗi thời, thêm vào đó việc dùng các đường cong vát ở các góc cạnh cũng tạo cho chiếc máy trở nên xấu xí trong mắt người dùng, khi họ không thể phân biệt đâu là điểm nhấn chính của máy. Điểm ấn tượng duy nhất ở thiết kế 2 smartphone này là việc E7 tạo ra sự khác biệt khi có thêm bàn phím QWERTY trượt.
Nếu không có bàn phím trượt thì người dùng khó phân biệt đâu là N8 và đâu là E7.
Cấu hình khiêm tốn
Rất nhiều người dùng thất vọng về cấu hình quá khiêm tốn của 2 sản phẩm smartphone được xem là “khủng” của Nokia này. Nếu như các smartphone cao cấp của HTC, LG, Motorola hay Samsung... hiện nay đều sử dụng bộ vi xử lý 1GHz và Ram 512 trở lên, thậm chí một số mẫu của các hãng này cũng đã sử dụng tới chip lõi kép, thì Nokia vẫn sử dụng bộ xử lý 680 MHz, RAM 256 MB trên cả 2 mẫu máy của mình là N8 và E7. Thực tế mà nói, với hệ điều hành Symbian thì bộ vi xử lý như trên là hoàn toàn có thể đáp ứng được, tuy nhiên ở thời đại công nghệ luôn đổi mới và tốc độ của sản phẩm luôn được người dùng ưu tiên làm tiêu chí để chọn lựa, thì sản phẩm của Nokia có thể nói là khó được nhiều người quan tâm.
Hệ điều hành cũ kỹ
Tương lai hệ điều hành Symbian hiện nay vẫn đang là một dấu hỏi cho người dùng, bởi chỉ còn duy nhất Nokia là trung thành với nó, trong khi đó các hãng như Samsung, Sony Ericsson đều đã từ bỏ hệ điều hành này trên sản phẩm của mình.
Mặc dù có một lịch sử lâu đời trong việc phát triển ứng dụng nhưng mức độ thu hút của Symbian ngày càng bị giảm sút sau sự nỗ lực của Apple với App Store hay Android Market của Google. Có nhiều nhà phát triển ứng dụng đã không còn hứng thú với nền tảng Symbian^3. Chẳng hạn như Evernote, họ hỗ trợ mọi nền tảng từ iOS, Android, BlackBerry, webOS... nhưng lại không hỗ trợ nền tảng Symbian.
Nokia đã cố gắng để mở ra kho ứng dụng Ovi Store nhưng sự phát triển của nó không đạt tốc độ vượt bậc như App Store hay Android Market, mặc dù số lượng điện thoại di động Symbian vẫn chiếm số lượng nhiều nhất trên toàn thế giới. Ngoài ra, không nhiều ứng dụng trên nền Symbian^3 được đánh giá ở mức xuất sắc như các nền tảng khác.
Một điểm bất tiện nữa là việc Ovi Store không cho tải lại ứng dụng đã mua trên một máy Symbian^3 khác. Chính vì thế, Symbian hiện nay đối với dân yêu công nghệ chỉ còn là chút vương vấn, còn nếu để chọn một chiếc smartphone họ sẽ chọn những chiếc điện thoại dùng hệ điều hành Android hoặc iOS của Apple, hay RIM…
Nhanh mất giá
Một chiếc Nokia N8 người dùng mua 11.2 triệu đồng, nhưng chỉ vài tháng sau bán lại bị trả giá còn 8 triệu đồng, hay chiếc Nokia E7 giá 15 triệu đồng, mua xong thời gian ngắn bán lại mất giá tới vài triệu đồng…đó đang là một điều hết sức bình thường với những chiếc smartphone của Nokia, nhưng lại khiến cho người dùng chán nản. Nguyên nhân chính của sự xuống giá này là độ “hot” của nó ngày càng giảm sút và những điểm yếu nêu trên.