Thế giới đang có nghịch lý: cầu với CD giảm còn lượng bán đĩa nhựa vinyl ngày càng tăng. Công nghệ số đang thất thế so với công nghệ analog? Và, ở Việt Nam thì sao?
Trên trang http://www.osp.ru/news/2010/0927/13003717/ xuất bản ngày 27/9/2010 bằng tiếng Nga, Nhà xuất bản Hệ thống mở của Nga - đối tác ruột của Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG - vừa truyền đi một bản tin với tựa đề “Cầu CD giảm, lượng bán đĩa nhựa tăng”. Bản tin được lược dịch ở dưới sẽ phần nào nói lên một điều khiến cho các nhà công nghệ và người dùng phải suy nghĩ nhiều.
Đĩa nhựa rất dễ trình bày và dễ đính kèm thông tin khuyến nhạc dồi dào, là tài sản giá trị và dễ lưu giữ với người yêu âm nhạc.
Thời sự đĩa nhựa
Khoảng 72 năm trước, đĩa nhựa vinyl “long play” (LP - “chơi lâu”) 33⅓ vòng/phút đã được sáng chế. Người ta khó tin là lượng bán loại đĩa này gần đây lại tăng rất nhanh. Theo số liệu của bộ phận nghiên cứu thị trường giải trí của Nielsen là Nielsen Entertainment, năm 2006, tại Mỹ đã bán được gần 858 nghìn đĩa, năm 2007 bán được 990 nghìn đĩa, nhưng năm 2008 tăng vọt lên 1,88 triệu rồi năm 2009 là 2,5 triệu đĩa. Chắc chắn đây chỉ là số đĩa nhựa mới tinh và được bán ra ở Mỹ. Bên cạnh đó, cần phải kể tới phân khúc thị trường đĩa nhựa dùng rồi đang rất rôm rả trên phạm vi toàn cầu.
So với số lượng bán ra tuyệt đối của CD thì LP còn rất khiêm tốn nhưng CD đang đi vào thoái trào, tình huống với CD hoàn toàn ngược lại so với LP. Số bán ra cao nhất của CD được ghi nhận vào năm 2001, sau đó cứ giảm dần, từ 134,6 triệu bản bán ra trong nửa đầu năm 2001 xuống còn 110,3 triệu bản bán ra trong cùng kỳ năm nay. Thị phần của các bộ đĩa vinyl nửa đầu năm nay tuy chỉ là 1,2%, nhưng lại cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái!
Theo dữ liệu của Liên đoàn Quốc tế Công nghiệp Ghi âm, doanh thu của các hãng ghi âm trên thế giới năm 2009 giảm 7,2%, đạt 17 tỷ đô la Mỹ (17 tỷ USD). Trong khi đó, lượng bán MP3 và các định dạng nhạc số khác tăng 9,2% và đã đạt 4,3 tỷ USD, gấp nhiều lần so với năm 2004. Lượng bán album theo định dạng vật lý (DVD, VCD, Audio-CD) năm rồi rớt 12,7%. Bây giờ, thị phần của nhạc số trong tổng doanh thu của các hãng ghi âm đang là 25,3% còn ở Mỹ là những 43%.
Vậy thì, vì sao, trong thời đại thống trị của nhạc số, lượng bán đĩa vinyl lại tăng? Nielsen cho rằng đa số người mua đĩa vinyl là những audiophile (người chơi âm thanh) thông thái, đầy kinh nghiệm. Họ tin tưởng bản ghi analog tái tạo mọi chi tiết của âm thanh chính xác hơn. Thế hệ trẻ bây giờ cũng có nhiều người mua loại đĩa này vì sùng bái ý nghĩa lịch sử và giá trị trình bày của bộ sưu tập cũng như tin tưởng vào khoản đầu tư của mình.
Đĩa nhựa ngày xưa…
Trước đây, vào thời hoàng kim của đĩa nhựa (cùng thời với băng cối và trước băng cassette, những năm từ 1950 - 1980), ở phía Bắc Việt Nam cũng có một hãng ghi âm của Bộ Văn hoá tên là Đĩa hát Việt Nam, tên giao dịch Dihavina. Ở phía Nam (lúc đó, đất nước còn bị chia cắt) cũng có các nhà xuất bản sản xuất loại đĩa này. Sản phẩm của Dihavina không nhiều và kém chất lượng, bây giờ khó còn bản nào có thể sử dụng được. Sản phẩm của các nhà xuất bản phía Nam do sử dụng công nghệ tốt hơn nên cho ra sản phẩm chất lượng hơn về mặt tái tạo âm thanh, nhiều khả năng là bây giờ vẫn có ấn bản có thể sử dụng được về mặt kỹ thuật.
Còn lại, vào thời gian đó, nguồn đĩa nhựa chính mà người Việt Nam sử dụng là của nước ngoài (phía Bắc chủ yếu sử dụng đĩa nhựa do Liên Xô cũ và các nước Đông Âu sản xuất, phía Nam chủ yếu sử dụng đĩa nhựa do các nước phương Tây sản xuất). Chính thời hoàng kim của mình, đĩa nhựa gặp không ít “tai ương”: Nhiều người nghe khi đó không đủ hiểu biết và điều kiện để chăm chút thiết bị chơi và bảo quản, khiến không phát huy được cái hay vốn có của LP là tái tạo âm thanh trung thực nhất mà còn nhanh chóng làm hỏng nó do để kim cào xước bề mặt rãnh đĩa, đĩa nhanh chóng có tiếng lạo xạo không thể nghe tiếp. Sự cọ xát trực tiếp của vật lấy tin trên vật mang tin như ở đĩa nhựa dẫn đến mài mòn lẫn nhau giữa kim với đĩa!
Muốn nghe đĩa nhựa hay, phải đầu tư rất công phu. Một thời gian dài, ở Hà Nội, không còn cây kim nào để nghe đĩa nữa! Không có nguồn nhập, nên dù kim rất đắt cũng không có mà mua. Thế là, đối với người nghe bình dân, sự tiện dụng của băng cassette và quá tiện dụng của đĩa CD xuất hiện kịp lúc đã khiến họ không còn muốn dùng đĩa nhựa nữa. Và, đĩa nhựa từng bị vứt bỏ uổng phí như thế này: Hồi đó, Hà Nội còn rất nghèo, nhiều nhà nuôi chim trong lồng để cải thiện cuộc sống. Để hứng phân chim, họ sử dụng loại đĩa nhựa 33⅓ vòng phút, đường kính 30 cm vừa vặn đáy lồng chim. Hàng trăm, hàng nghìn đĩa nhựa của gia đình nhanh chóng mất sạch vì chủ dùng vào việc trên 1 lần rồi vứt.
Đĩa nhựa ngày nay…
Trên thế giới, những người mê nhạc vẫn nhận thấy tác dụng không thể thay thế của đĩa nhựa. Và, cho dù, phải chịu sự đắt đỏ vì thị trường thoi thóp, những người mê nhạc thực sự vẫn duy trì được đĩa nhựa. Loại đĩa này rất bền, nếu không gọi là vĩnh cửu so với cassette hoặc nhất là so với CD. Nếu nó bị mốc, người ta có thể rửa nó bằng nước xà phòng hoặc đơn giản là nước rửa kính. Sự say mê của những người mê nhạc khiến các nhà sản xuất thiết bị tiếp tục đưa ra được những máy quay hàng khủng (Giá của đầu quay đĩa nhựa thường từ vài trăm đô la Mỹ đến vài chục nghìn đô la Mỹ/máy). Máy đắt tiền quay chính xác và bảo vệ gần như tuyệt đối sự an toàn của kim và đĩa. Đồng thời, sự đam mê của người nghe cũng khiến các nhà xuất bản lâu lâu xuất xưởng được vài sưu tập với giá hời. Rồi, nó đặc biệt thú vị vì làm sống động thị trường băng đĩa dùng rồi.
Một đĩa nhựa mới về đến Việt Nam có giá trung bình 600.000 - 700.000 đồng. Trong khi các đĩa nhựa cũ cũng có giá như thế nếu chương trình hay và còn khá mới, hoặc vài ba trăm nghìn đồng/đĩa… Hà Nội như trong lần người viết bài về cách nay vài tháng cũng có hàng chục người nhập đĩa cũ ở nước ngoài về bán. Họ có hàng nghìn, hàng chục nghìn đĩa nhựa còn mới và khá mới. Sau vài năm trở lại với người nghe Việt Nam, đĩa nhựa khẳng định vị thế của nó. Đã xuất hiện các bộ sưu tập LP lên đến hàng nghìn đĩa ở các hộ gia đình mê nhạc Hà Nội. Có audiophile dám bán sạch kho CD bản quyền hàng nghìn chiếc của họ để chuyển sang đĩa nhựa. Đĩa nhựa được một số audiophile (người mê âm thanh chất lượng cao) Việt Nam coi là chuẩn không thể thay thế.
Hàng trăm người nghe nhạc mới có một audiophile. Hàng trăm audiophile mới có một audiophile quyết tâm nghe đĩa nhựa vì nó “rất yêu sách”. Nhưng tất cả đều biết đĩa nhựa “hát hay” hơn cassette và hơn hẳn CD. Nếu muốn tín hiệu đầu ra của đầu quay CD so được với tín hiệu đầu ra của máy quay LP, bộ đầu quay CD phải đắt gấp vài lần đến hàng chục lần so với bộ đầu quay đĩa LP (tính trên giá xuất xưởng của các hãng chế tạo thiết bị xử lý âm thanh). Theo nhiều người nghe, xử lý số với âm thanh đã làm mất đi phần nhiều độ thật của thứ mà công nghệ đó tái tạo. Đây chính là điều các nhà công nghệ trong lĩnh vực CNTT phải đau đầu nhiều nhất. Ngoài âm thanh có tần số cố định của các nốt nhạc, những âm thanh tần số phi âm nhạc cũng được lưu giữ và tái hiện đầy đủ ở đĩa nhựa. Chính điều này đã làm cho đĩa nhựa có khả năng mê hoặc.
Muốn nghe đĩa nhựa, người tiêu dùng nên sử dụng bộ dàn Hi-Fi hay Hi-End (Hi-End là chuẩn âm thanh, cho thứ âm thanh “hay” hơn Hi-Fi. Hi-Fi chỉ là siêu trung thực, trong khi đó, Hi-End cho ra thứ âm thanh người nghe muốn chứ không phải chỉ là thứ mà người chơi có thể tạo nên).
Một đầu máy cũ còn chạy tốt sản xuất từ những năm 1970 - 1980 hiện có giá vài triệu đồng (đã có kim). Một kim mới tinh dùng để thay thế rẻ thì khoảng 500.000 đồng. Nên dùng loại khoảng 1 - 2 triệu đồng/chiếc. Kim càng đắt tiền, càng dễ tổn thương, dễ hỏng do bất cẩn. Người mới chơi nên dùng chuẩn kim MM, rẻ, bền.
Một số người nghe nhạc đích thực ở Việt Nam cũng đã và đang sẵn sàng đầu tư vào những thứ đầu quay LP đắt tiền, hộp khuếch đại tín hiệu LP chuyên dụng (phono box) để chơi với dàn Hi-End (tối thiểu gồm amply và cặp loa nữa). Mỗi thứ trong sơ đồ này đều có giá trên dưới chục nghìn đô la Mỹ. Kim để họ chơi theo chuẩn MC, giá có thể đến vài nghìn đô la Mỹ/chiếc. Những người chơi đến cỡ này không nhiều lắm nhưng chính họ đã duy trì và cổ vũ thị trường đĩa nhựa thời kỳ khó khăn và bây giờ thì làm cho nó trở thành tràn đầy hứa hẹn.